Xuất thân từ xứ Huế thơ mộng, Ngô Quốc Linh đến với sân khấu ca nhạc như một định mệnh dành cho những con người đam mê văn nghệ. Anh hát thật ngọt ngào và truyền cảm. Giọng hát ấy cứ rót vào lòng người nghe những cảm xúc thật dịu dàng, chất chứa những kỷ niệm một thời mà ai cũng muốn lưu giữ.
Xuôi về miền Trung, từ Phan Rang ra đến Thừa Thiên - Huế, đâu đâu cũng nghe các quán cà phê mở nhạc của Ngô Quốc Linh. Thoạt đầu nghe Ngô Quốc Linh hát thật bình dị, chẳng có chút gì ấn tượng, nhưng càng nghe, càng thấm thía nỗi niềm mà anh gửi vào bài hát. Những tình khúc một thời được nhiều ca sĩ thể hiện, nay Linh hát lại với độ rung cảm của tuổi trẻ, làm cho người nghe cảm giác như bị mê đắm trước những nỗi niềm của anh thông qua ca khúc. Dễ thương nhất là: Chuyện tình ao cá, Thư tình cuối mùa thu, Anh biết em đi chẳng trở về, Nội tôi… Tìm gặp Ngô Quốc Linh, nghe anh tâm sự về nghề hát mới thấy hết niềm đam mê của chàng ca sĩ gốc Huế này. Anh tâm sự: “Tôi hát như một con chim ngứa cổ. Đã từng có những buổi đi hát chờ đến mỏi mòn mới được ra sân khấu. Tôi đến với nghề gần 10 năm rồi… Trải bao khó khăn vẫn bám lấy nghề, vẫn tha phương để tìm cho đời những niềm vui thông qua những giai điệu đẹp. Thế giới nghệ sĩ có nhiều điều mà người đời không thể mua bằng tiền được. Tôi vẫn sống và hát đến khi nào khán giả còn thương, còn chấp nhận mình”.
* Bạn thân của Ngô Quốc Linh có phải là ca sĩ Long Nhật? Nhiều người nói bạn cố tình bắt chước Long Nhật nên giọng hát có phần ảnh hưởng?
- Điều đó không sai, vì tôi và Nhật cùng ở xứ Huế. Cả hai đều yêu thích giọng ca của chị Bảo Yến cũng như những con người ở cố đô Huế. Do đó mà ảnh hưởng nhau ở giọng hát.
* Thực hiện live show ở rạp Hưng Đạo và phát hành VCD rất thành công, bạn có nghĩ mình đã đạt được đỉnh cao trong nghề ca hát?
- Không thể nói như vậy, tôi chưa là gì cả trong biển cát nghệ thuật mênh mông này. Điều tôi hãnh diện là mình đã đi lên từ hai bàn tay trắng, tự tổ chức live show cùng sự giúp đỡ của bạn bè, người thân. Tôi nghĩ đỉnh cao nghệ thuật của nghề ca hát còn ở xa lắm, chừng nào tôi đạt được chỉ có khán giả mới tìm được câu trả lời chính xác nhất.
* Tham gia rất nhiều chuyến lưu diễn từ Nam chí Bắc, khán giả nơi nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho Ngô Quốc Linh?
- Tôi hát gần như ở các vùng sâu, vùng xa. Nơi nào cũng in dấu chân tôi với rất nhiều hoài bão đẹp. Tôi luôn ước mơ những nơi đó sẽ có những nhà hát, rạp hát khang trang và ca sĩ chúng tôi sẽ có được những thánh đường đúng nghĩa. Thú thật đi qua những điểm diễn ở vùng quê, nhất là trong dịp Tết vừa qua, tôi thấy thương khán giả mình quá. Họ sống giản dị, thiếu thốn món ăn tinh thần. Thú vui ngày Tết chỉ là dịp được đốt đuốc rọi đường đến xem văn nghệ. Đáp lại tấm lòng của họ, tôi hát gần như không biết mệt là gì...
* Theo anh, điều gì sẽ giúp cho người ca sĩ nổi tiếng? Trong khi hiện nay xu hướng có quá đông ca sĩ trẻ và công nghệ lăng xê đã đẩy họ lên cao ngất ngưỡng?
- Có lên cao đấy, nhưng rồi sẽ té đau nếu không thực tài. Tôi nghĩ quan trọng là sự đánh giá của khán giả. Một ca sĩ hát theo công nghệ lăng xê rất mau bị lãng quên. Thứ nhất họ hát theo xu thế thời trang, làm mọi cách để nổi tiếng. Thứ hai những gì họ hát không xuất phát từ con tim, niềm đam mê nên rất dễ chán. Thứ ba, họ sẽ tự đào thải nếu tài năng được tính bằng tháng ngày. Vĩnh cửu của nghề hát là hát bằng trái tim và khán giả đón nhận bằng trái tim.
* Thất bại nhiều có làm anh nản chí?
Ngô Quốc Linh - Long Nhật
- Không, bằng chứng là tôi vẫn hát và yêu nghề hơn bao giờ hết. Có lần, tôi bị một bầu sô hăm he sẽ kiện tôi ra tòa nếu vẫn hát một ca khúc mà nhạc sĩ đã đồng ý cho tôi hát. Tôi không sợ, cho dù ông bầu này nhiều lần nhắn với các nhà tổ chức, nơi nào nhận tôi hát thì ông sẽ cho “gà” của ông (tức ca sĩ ngôi sao đương thời) không cộng tác. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Tôi bỗng nhớ câu thoại của Trưng Trắc do cô Thanh Nga diễn: “Trắc tôi thường nghe nói, điều gì trái với đạo lý dù có ra lệnh người ta vẫn không làm…” (Trong vở Tiếng trống Mê Linh).
* Được biết anh là một người rất yêu cải lương. Anh có nghĩ mình sẽ hát thử một vai diễn trên sân khấu cải lương?
- Tôi đã nhận lời mời của chương trình Làn điệu phương Nam do Công ty Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật TP.HCM thực hiện tại Nhà hát Thành phố. Trước mắt tôi sẽ ca vài bản cải lương, hát dân ca hoặc ca khúc mang âm hưởng dân ca. Sau đó, nếu có dịp sẽ đóng thử một vai. Tôi mê cải lương lắm…
* Bao giờ thì Ngô Quốc Linh sẽ lập gia đình?
- Tôi chưa biết, nhưng khi đó tôi sẽ là một chú rể lo được cho gia đình bên vợ và mái ấm của mình.
* Sự nghiệp hay gia đình là quan trọng với Ngô Quốc Linh?
- Tôi thấy cả hai yếu tố này đều quan trọng, nhưng với nam giới thì sự nghiệp là nền tảng của gia đình. Do đó, tôi không muốn lập gia đình sớm khi chưa có sự nghiệp.
* Bây giờ thì khán giả đã biết đến bạn như một ca sĩ ăn khách nhất miền Tây?
- Chỉ miền Tây thôi thì chưa đủ, tôi vẫn đang khao khát chinh phục khán giả cả nước. Tôi đã từng trải qua giai đoạn ca sĩ trẻ nên tôi hiểu thế nào là sự khao khát để vươn lên. Cha mẹ tôi, anh em trong gia đình và thầy dạy tôi học hát (nhạc sĩ Trường Sa) đều muốn tôi phải nỗ lực hơn nữa.
* Nhắc đến Huế bạn nhớ nhất khu di tích nào?
- Có nhiều di tích của Huế đã đi vào huyền thoại cuộc sống. Tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi làng đối diện chợ Đông Ba, nên tôi thường nhìn thấy cảnh chợ sáng tấp nập người với người. Không khí ở Huế tĩnh mịch lắm, nhưng chợ Đông Ba thì lúc nào cũng đông đúc. Có lẽ vì thế mà tôi luôn hình dung Đông Ba như một Sài Gòn thu nhỏ. Khi vào Nam lập nghiệp, thi thoảng về lại Huế tôi vẫn thích ngắm nhìn chợ Đông Ba của tôi…
* Bạn có là người mơ mộng và thích làm thơ?
- Có, nhưng là lúc nhỏ thôi, còn bây giờ cảm xúc dành cho thơ bị cảm xúc nhạc lấn áp mất tiêu rồi.
* Sau những lần vấp ngã, bạn học được điều gì?
- Tôi lớn hơn nhiều và biết chế ngự những sân si không đáng của tuổi trẻ. Tôi hiểu ra rằng con người ta nếu bớt sân si đi thì sẽ không có những điều đáng tiếc xảy ra.
* Và điều sân si theo bạn có nên tồn tại ở người phụ nữ?
- Ồ, tôi thích dùng cụm từ “nóng nảy” khi nhắc đến cá tính này ở người phụ nữ. Họ luôn là bông hoa đẹp nên có giận dữ một chút cũng chẳng sao. Có điều khi phụ nữ giận thì dễ sợ lắm…
* Bạn thích người bạn gái của mình để tóc dài hay ngắn?
- Tôi để tóc dài nên bạn gái của tôi phải cắt tóc ngắn thôi.
* Nói vậy là bạn kén chọn lắm?
- Không, tôi nghĩ tất cả đều nhờ vào duyên số. Tôi đang chờ một cô bạn gái tóc ngắn đến bên mình và chê tôi hát dở, rồi nói: “Anh bỏ hát đi về nhà em nuôi, chỉ để làm chồng em thôi”. Trời ạ, tôi sẽ khóc và không bao giờ dám nghĩ đến chuyện lấy vợ để bỏ nghề.
* Bạn vui tính quá!
- Tôi học từ Long Nhật đó, bạn tôi rất hài hước và vui nhộn. Có lẽ vì thế mà bạn ấy rất mau làm cho nỗi buồn tiêu hóa bằng những nụ cười. Ở bên cạnh Long Nhật rất dễ xua tan màu xám của nỗi buồn. Tôi cũng vậy, rất thích làm cho ai đó cười tươi để nhân đôi hạnh phúc đang có.
* Thấy bạn trên sóng truyền hình Tây Ninh với nhiều ca khúc rất hay? Bạn có nghĩ mình sẽ được khán giả xem là thần tượng?
- May mắn cho tôi là trong năm nay tham gia nhiều chương trình truyền hình trực tiếp. Có lẽ vì vậy mà tôi được khán giả Tây Ninh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… yêu mến. Tôi không dám cho rằng mình sẽ là thần tượng, chỉ mong được chấp nhận để hát và hát cho đến hơi thở cuối cùng.
Theo Báo Phụ Nữ Ấp Bắc số 147
Source: yeunhacvang |
|