Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tìm Tiểu Sử Nhạc Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ » Tiểu Sử Mạc Can


    Mạc Can, tên thật Lê Trung Can (sinh năm 1945) là một nghệ sĩ, nhà văn Việt Nam. Ông nổi tiếng là một nghệ sĩ đa tài, tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động nghệ thuật như đóng hài, đóng phim, biểu diễn ảo thuật và viết văn.
    Tôi không biết nên gọi ông là diễn viên hài hay nhà văn Mạc Can? Nhưng có lẽ đó chỉ là danh xưng mà cuộc đời vốn nhiêu khê, hoa mỹ này muốn dành cho ông. Còn ông thì chẳng mấy quan tâm đến những thứ đó.
    Sự ám ảnh cô độc
    Mạc Can sinh năm 1945, trong một gia đình nghèo, lại đông anh em. Các anh em ông mỗi người mỗi cảnh, vất vả mưu sinh bằng trăm thứ nghề và người nào cũng nghèo rớt. Trong gia đình chỉ duy nhất có ông là "người nổi tiếng". Nghệ thuật đã chọn ông bằng những vai diễn nhỏ nhưng lại dành được không ít tình cảm trong lòng người hâm mộ. Đi đâu, làm gì, người ta cũng nhận ra ông. Trên thực tế, ông là một người nghệ sỹ nghèo kiết xác chẳng có gì ngoài lòng yêu mến của người hâm mộ.
    Đã có thời gian, trong túi ông không có một xu, phải cầm cố cả máy tính để lo ăn; phải vay tiền lãi để lo chữa bệnh cho bố mẹ già. Cả cuộc đời làm nghệ thuật nhưng chưa bao giờ ông mua nổi cho mình một ngôi nhà. Có lẽ, vì thế mà chưa bao giờ ông cho ai biết về nơi ở của mình. Ông chỉ nói số nhà của mình chính là…số điện thoại. "Ai cũng tưởng tui là người nổi tiếng thì chắc có nhiều tiền. Nhưng nổi tiếng thì có nghĩa là nhiều người biết đến chứ tiền bạc cũng đâu có bao nhiêu. Mà cái nghề diễn, rồi thêm cái nghề viết... đâu phải lúc nào thu nhập cũng đều đặn", Mạc Can cười ngậm ngùi.
    Bây giờ trò chuyện với phóng viên, ông không còn nói nhiều về cái nghèo, về những thăng trầm trong đời của một nghệ sỹ hài vắt cùng cực sức lực cho đời mà chỉ nhận lại những đắng cay. Cuộc sống hiện tại của ông có vẻ bình yên, thảnh thơi hơn. Nhưng trong thẳm sâu tâm hồn ông, tôi vẫn nhận thấy một sự đơn độc đến khó tả. Ông nói với tôi là vừa đi thăm nghệ sỹ Hồ Kiểng đang nằm trên giường bệnh về. Và ông cười như tự giễu bản thân: “Mai mốt tui cũng vậy, nằm đó và lắp một cục sắt vào ngực làm tim…”.
    Nụ cười của ông như vỡ vụn thành từng mảnh, cứa vào tim người đối diện. Vừa nói, ông vừa lôi tấm hình ông chụp chung với Hồ Kiểng ra khoe. Mạc Can hỏi tôi xem hai người có giống anh em không? Tôi không trả lời vì không muốn chạm vào nỗi buồn đang trào dâng trong ông. Có lẽ, trong thâm tâm Mạc Can đang mơ hồ nghĩ khôn, nghĩ dại về cái buồn của kiếp nghệ sỹ không nhà… Ông lại rít xì gà như rít đắng cay vào trong.
    Giữa đất Mỹ... thèm cái nhốn nháo của Sài Gòn
    Được biết, tháng 3/2011, “nhà văn trẻ” Mạc Can trở về Sài Gòn sau gần 2 năm sống ở Mỹ để lấy cảm hứng viết cuốn sách dạng hồi ký mang tên Nhớ (NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ ấn hành). Kể về những ngày tháng ra nước ngoài, đến giờ nghĩ lại ông vẫn còn thấy sợ. Bên xứ người sao mà đơn độc đến vậy. Những lần đi ngoài đường phố bên Mỹ, ông thấy thèm cái sự nhốn nháo của Sài Gòn, thèm một tiếng còi xe máy rầm rĩ của “thằng cha mắc dịch” nào đó rú rét xin đường, thèm một tiếng rao đêm… Mọi cái “thèm” ấy đúc kết thành nỗi nhớ để ông viết, trải lòng mình trên những trang giấy. Đi diễn ở xứ người, tình cảm những đồng bào xa quê hương là động lực duy nhất để Mạc Can có thể tồn tại.
    Mạc Can nói: “Lúc đầu tui định qua Mỹ ở khoảng 3 năm nhằm tìm kiếm cảm xúc mới để viết. Tính tôi thích xê dịch, ngày xưa diễn hài trên sông đi đó đi đây đã quen, giờ có viết lách chút cũng khoái đi. Nhưng ở chỉ gần 2 năm, buồn quá, nhớ Sài Gòn quá nên về”.
    Hai năm dài đằng đẵng xa quê, ngày về nước ông mừng đến phát khóc. Rồi bạn bè, bằng hữu giúp ông mở quán Hòn Đảo Xanh. “Nhưng nó bị phá sản rồi”, ông cười tít mắt. Có lẽ là nghệ sỹ, ông chỉ biết mang tiếng cười đến cho mọi người chứ không biết cách kinh doanh, kiếm tiền. Nhưng bù lại, ông có cái duyên được nhiều người yêu mến.
    Ông cho tôi xem tin nhắn của một cô bé, có lẽ là một “fan” của ông. Mạc Can bảo “cô bé này ngộ lắm nghen, cứ gọi mình bằng ông và xưng em không hà”. Tôi cười hỏi, có phải ông có bồ trẻ phải không? Ông trả lời: “Tui làm gì có phước đó, chỉ là người ta quý thôi. Tui như cái pin điện thoại cùi bắp này nè, giờ hết pin rồi”. Tôi tò mò hỏi ông về những mối tình, những bóng hồng đã đi qua đời ông. Nhưng ông cười bí ẩn, không hé lộ điều gì.
    Ông chỉ cho tôi nhìn một tấm hình, có một cô gái trẻ bế một đứa bé và không quên nhắc “chỉ cho nhìn thôi nghe, không được viết gì đâu”. Trước tôi có nghe phong thanh, ông có một đứa con gái ở Nhật, kết quả cuộc “tình một đêm” cách đây mấy chục năm. Có thông tin cho biết, khoảng đầu năm 1980, có một đoàn làm phim của Nhật đến Sài Gòn ghi hình. Mạc Can được mời vào vai người đi chợ để giới thiệu các sản vật Việt Nam. Trong đoàn phim có bà Yoko, khoảng 35 tuổi, chuyên lo hậu cần, phát "thù lao" cho các nhân vật. Như duyên trời sắp đặt, Mạc Can và bà Yoko đã có một tình yêu… sét đánh.
    Quay xong, đoàn làm phim đóng máy về nước. Mạc Can tiếp tục với những tiết mục tấu hài. Chừng 2 năm sau, ông nhận được thư của bà Yoko. Bức thư bà viết để báo cho Mạc Can biết, ông đã có một cô con gái. Và sau đó ông còn cơ duyên gặp lại bà Yoko và con gái. Mạc Can vẫn luôn lưu những tấm ảnh con trong laptop của mình. Nghe nói, chính bà Yoko cũng là người giúp ông có chuyến sang Mỹ vừa rồi. Giờ hỏi ông cũng chỉ cười, không nhận cũng không chối.
    Từng nhiều lần nghĩ đến tự tử
    Mạc Can tâm sự: Giờ thi thoảng ông vẫn nhận được lời mời đóng phim. Có ai mời thì ông tham gia, thời gian còn lại dành đi du ngoạn và viết lách. Sáu mươi tuổi, ông mới bắt đầu cầm bút để viết về những chuyện mà cuộc đời ông đã từng trải qua. Ở tuổi gần 70, Mạc Can là người “vô sản”. Không nhà, không nhiều tài sản tích lũy, không vợ con, ngoại trừ đứa con gái bên Nhật như ông từng tiết lộ và cái danh xưng Mạc Can nổi tiếng và chừng 15 tập truyện ngắn, truyện dài.
    Mạc Can nói, nhiều lần, ông thật sự muốn tìm đến cái chết như một lối thoát. Không phải chỉ là nói mà trên thực tế, Mạc Can đã vài lần tự tử hụt, vì buồn, vì bi kịch riêng tư. Rồi ông bất ngờ hỏi tôi, đã từng nghĩ đến tử tự bao giờ chưa? “Mỗi ngày tui nghĩ đến nó một lần vào mỗi buổi chiều sau giấc ngủ trưa… Những lúc ấy, tui thường mở mắt nhìn lên trần nhà và cứ nghĩ sao mình không thể chết? Sao có những lúc thấy cuộc đời bỗng dưng vô nghĩa đến thế?”, ông giãi bày. Cái cảm giác đó đã ám ảnh ông suốt những tháng năm dài. Nhưng rồi ông đã trấn tĩnh và đón ngày mới bằng tâm huyết của một người nghệ sỹ được sống và làm việc bằng cả trái tim hiến dâng cho đời. "Tui vượt qua được hết để được như ngày hôm nay. Chuyện khó khăn gì tui cũng đã vượt qua được…", ông cười nói.
    Nói chuyện với ông suốt cả buổi, tôi lại rơi vào một tâm trạng mơ hồ, một mớ bòng bong ngôn từ và với mớ câu chuyện chắp vá của ông. Cái kiểu trả lời có có không không của Mạc Can khiến cho người đối diện càng nghe càng không biết gì và càng thấy tò mò hơn về ông. Nhưng, cái mà ông không thể giấu được nhất, đó là một trái tim đa sầu, đa cảm đằng sau cái vẻ ngoài kỳ cục hài hước. Với ông, cuộc đời này không tự nhiên mà có tiếng cười. Con người phải tự tạo ra tiếng cười để làm nhau vui, để sống có ý nghĩa hơn. Và điều quan trọng hơn cả như ông từng nói “để mình vượt qua những phút giây buồn đau nhất của đời người”.
    Cây bút đầy nội lực
    Nhà văn Mạc Can sinh ngày 14/4/1945 tại một chiếc ghe hát trên sông Tiền thơ mộng. Hiện ông đang sinh sống tại Sài Gòn. Các tác phẩm chính; “Tấm ván phóng dao” (giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn VN 2005), Người ngắm trăng, Món nợ kịch trường, Cuộc hành lễ buổi sáng, Người nói tiếng chim bồ câu, Bầy mèo vô sinh, Cuộc phiêu lưu của Tí Nị, Mạc Can tạp bút, Phóng viên mồ côi, Quỷ với Bụt và Thần chết (Tiểu thuyết, NXB Trẻ năm 2010)… Nếu nói rằng Mạc Can là “văn sĩ trẻ U60”, thì quả đúng như vậy. Ông là một cây bút đầy nội lực, một cây bút viết khỏe và đa dạng ở nhiều thể loại: Truyện thiếu nhi, truyện người lớn, truyện tranh, truyện giả tưởng… Dù ở bất kỳ thể loại nào ông cũng dành được sự quan tâm đông đảo của người hâm mộ và người yêu chuộng văn chương.

Source: wikipedia, nguoiduatin

Tên Bài Báo về Mạc CanNgày Đăng
 Cuộc Sống Của Nghệ Sĩ Mạc Can Ở Tuổi 76 12 Tháng 04, 2021
 Diễn Viên Mạc Can Bị Tai Nạn Giao Thông, Xuất Huyết Dạ Dày  05 Tháng 09, 2019
 Nghệ Sĩ Mạc Can Ngồi Xe Lăn Tới Động Viên Mai Trần Trong Bệnh Viện 09 Tháng 08, 2019
 Đội Bóng Nghệ Sĩ Quyên Góp 83 Triệu Đồng Tặng Mạc Can  23 Tháng 02, 2019
 Điện Ảnh Việt: Chỉ Cần Khó Tính 13 Tháng 05, 2015
 Nghệ Sĩ Mạc Can: Rong Chơi Cho Trọn Kiếp Người! 26 Tháng 04, 2015
 Cảnh Nghèo Túng, Nợ Nần Khi Về Già Của Nghệ Sĩ Việt 14 Tháng 02, 2015
 Nhật Kim Anh Giúp Đỡ Nghệ Sĩ Mạc Can Chữa Bệnh Xuất Huyết 03 Tháng 02, 2015
 MC Thanh Bạch Vui Mừng Nhận Thêm Tiền 'Mừng Cưới' Với Bà Thúy Nga Paris 31 Tháng 01, 2015
 Nghệ Sĩ, Nhà Văn Mạc Can: Nghèo Trong Tự Trọng 29 Tháng 01, 2015
 Mạc Can Vừa Rời Giường Bệnh Đi Đóng Phim: 'Tui Coi Vậy Chứ Chưa Chết Đâu' 29 Tháng 01, 2015
 'Nghệ Sĩ Già' Mạc Can Lại Nhập Viện 28 Tháng 01, 2015
 Mạc Can – Đường Chiều Lẻ Bóng, Một Mình Tôi Đi... 06 Tháng 01, 2015
 Vừa Xuất Viện, Nghệ Sĩ Mạc Can Phải Đi 'Bán Sách Dạo Kiếm Sống' 01 Tháng 01, 2015
 Cô Gái Bí Ẩn Khiến Danh Hài Mạc Can Ám Ảnh Suốt Cuộc Đời 11 Tháng 12, 2014
 Năm Chuyện 'Kỳ Cục' Của Mạc Can 17 Tháng 10, 2014
 Mạc Can: Những Thăng Trầm Trong Đời Người Nghệ Sĩ Viết... Văn 27 Tháng 12, 2012
 Mạc Can “Biệt Tích” Trở Về 09 Tháng 03, 2011
 Mạc Can - Nhà Văn, Nghệ Sĩ Không Nhà 07 Tháng 08, 2008
Mạc Can Hài Kịch
» Mơ Hay Tỉnh?
» Thần Rắn
» Ảo Thuật Thần Rắn