Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tìm Tiểu Sử Nhạc Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ » Tiểu Sử Nam Hùng


    Trong làng cải lương, có một người thường đóng vai kép độc được khán giả rất yêu mến. Ngoài đời, ông không “độc” chút nào, mà lại rất nhiệt tình giúp đỡ hết người này tới người kia, đến nỗi anh em gọi ông là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
    Vai diễn để đời
    
    Tôi “biết” Nam Hùng từ khi còn là cô bé ở làng quê Đồng Tháp, bữa nào cũng ôm cái radio nghe cải lương, có Nam Hùng hát trong đó, nhất là mấy tuồng hương xa. Tiếc là bây giờ không còn nhớ tên tuồng, tên vai của ông. Lớn hơn một chút, nghe băng cassette và xem tivi thì đã “rành” ông hơn. Nào Lữ Bố trong Phụng Nghi Đình oai phong lẫm liệt nhưng đa tình đong đưa, nên bị nàng Điêu Thuyền lợi dụng. Nào Tô Điền của Tiếng hạc trong trăng giọng trầm ấm thiết tha. Rồi luật sư Dũng của Sân khấu về khuya. Nhưng thật ra chất giọng Nam Hùng không mùi lắm nên ông lại thành công trong các vai kép độc nhiều hơn, thành ra nhân vật thầy Đề trong Ngao Sò Ốc Hến hoặc Chu Phác Viên trong Lôi Vũ trở nên những vai diễn để đời.
    
    Trong đó, vai thầy Đề của Nam Hùng gần như chinh phục tất cả khán giả yêu mến cải lương. Ông đã thể hiện một lão già dê rất tội nghiệp, cứ khúm núm trước quan huyện nhưng lại biết tranh thủ những giây phút hiếm hoi để “khoèo” nàng Hến. Rốt cuộc thì thầy Đề cũng được... một cái hẹn. Và sau đó là chui vô bẫy của Hến, bị vợ tới đánh te tua. Nam Hùng diễn dê nhưng không quá cường điệu. Ông có nét diễn vừa kỹ thuật vừa chân thật, giỏi nghề là chỗ đó. Và bất ngờ còn ở chỗ người ta phát hiện ra khả năng hài của ông. Lúc nhận vai ông cũng lo lắm, bởi đây dường như là vở cải lương hài đầu tiên của sân khấu Sài Gòn sau giải phóng, chưa ai có kinh nghiệm gì cả. Không ngờ mọi người vào vai rất ngọt, đã lấy tiếng cười của hàng triệu khán giả dù nó đã diễn khắp các tỉnh rồi sau đó mới thu truyền hình. Bây giờ ra các khu băng đĩa vẫn thấy họ bán VCD Ngao Sò Ốc Hến và Phụng Nghi Đình.
    
    
    NSƯT Nam Hùng và vợ là nghệ sĩ Tô Kim Hồng - Ảnh do NS cung cấp
    NSƯT Nam Hùng và vợ là nghệ sĩ Tô Kim Hồng - Ảnh do NS cung cấp
    
    Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng
    
    Khi làm báo, tôi lại quen biết Nam Hùng vì ông trong ban chấp hành của Ban Ái hữu nghệ sĩ trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM. Tôi nhớ dáng ông nhanh nhẹn phóng xe gắn máy đi chỗ này chỗ kia vận động tiền bạc lo cho nghệ sĩ nghèo, tất bật không lúc nào ngơi. Chính ông khai sinh ra quỹ giúp nghệ sĩ nghèo, neo đơn cách đây khoảng 20 năm. Số là có người thấy ông khó khăn nên hỗ trợ chút ít, ông không nhận, chợt nảy ra ý tưởng thành lập quỹ, chuyển ngay số tiền đó qua. Rồi ông đi vận động thêm, chỉ 15 ngày mà được 2 triệu đồng (rất lớn ở thời ấy). Ông nhờ Báo Sân khấu thông báo công khai tên tuổi và mức đóng góp từng người, nhờ vậy tạo được uy tín khiến quỹ hoạt động cho đến tận bây giờ. Rồi ông vận động thẻ bảo hiểm y tế cho nghệ sĩ cùng nhiều chương trình khác; hoặc có ai đau yếu, tang ma là ông lại xông vào hỗ trợ, kêu gọi. Có thể nói mấy chục năm ông gần như “chạy” chứ không phải đi. Và 2 bằng khen của UBND TP.HCM trao tặng cho ông cũng là xứng đáng.
    
    Kiếp sau cũng làm nghệ sĩ
    
    Chẳng ai biết Nam Hùng nghèo, vì cứ thấy ông ăn mặc chỉn chu đi vận động giúp cho người khác chứ không một lời than vãn chuyện riêng mình. Cả nhà ông sống nhờ quán phở, hễ dời nhà đi đâu thì quán dời theo đó. Mà dời nhà tới 6 lần. Ông và vợ thức khuya dậy sớm nấu phở, xong ông chạy đi “vác tù và hàng tổng”. Vợ ông là nghệ sĩ Tô Kim Hồng lành như đất, lui cui ở nhà bán phở và chăm sóc cha mẹ đôi bên. Hai vợ chồng giống nhau ở chỗ cực kỳ hiếu thảo. Sau giải phóng, Nam Hùng đã tìm được người mẹ thất lạc, đưa vào Sài Gòn nuôi luôn đến khi bà cụ qua đời. Cộng cả cha mẹ vợ nữa, nên gọi là chăm sóc cả tứ bề phụ mẫu. Vậy mà có ai ủng hộ tiền hay quà cáp, ông đều từ chối. Thậm chí khi báo đưa tin ông bị bệnh nặng phải phẫu thuật, ông gọi điện tới dặn dò là đừng nhận gì của ai, chỉ chuyển lời cảm ơn mà thôi. Ông rất hiểu tấm lòng ưu ái của khán giả, chính vì vậy ông càng giữ gìn uy tín. Và cũng vì quá giữ gìn nên... không có nhà ở.
    
    Số là ông dành dụm mua được miếng đất tận Bình Chánh, lúc nơi này còn là đất ruộng heo hút, giá rẻ bèo. Rủi sao đất trong khu quy hoạch, nhưng mọi người cứ xúm lại cất nhà trái phép, rốt cuộc họ lại được hợp thức hóa và có nhà ở đàng hoàng. Chỉ riêng Nam Hùng nhất quyết không làm trái luật, dù chỉ cất nhà lá ở tạm. Bà Tô Kim Hồng thở dài: “Tôi thèm một nơi ở ổn định để đỡ dọn nhà, mệt quá. Và mở quán ngay tại nhà thì đỡ lo hơn. Mà thôi, tánh ổng vậy, kệ ổng. Miễn ổng vui là cả nhà vui”. Nam Hùng phân trần: “Mình được phong Nghệ sĩ Ưu tú mà làm trật rồi người ta nhìn vào coi sao được. Chết cũng phải để tiếng lại chớ!”.
    
    72 tuổi, Nam Hùng giờ chỉ nặng 40 kg với nhiều căn bệnh. Nhưng ông rất minh mẫn và vẫn khẳng khái. Nói vậy chứ mọi người đâu có bỏ ông. Bệnh viện Chợ Rẫy và Phạm Ngọc Thạch đã giúp đỡ tận tình khi ông nằm viện, nhiều vị lãnh đạo còn xuống tận nhà thăm hỏi. Ông có một cô con gái nuôi và một bà chị họ rất tận tụy với gia đình, để ông và vợ yên tâm chăm sóc cha mẹ già và làm công tác xã hội. Căn nhà của ông tuy ở thuê, tuy thanh bạch nhưng đầm ấm yêu thương. Nam Hùng tâm sự: “Mình là kiếp con tằm nhả tơ mà được khán giả yêu thương như vậy thì xin kiếp sau cũng làm nghệ sĩ nữa!”.
    
    Theo cải lương nhưng Nam Hùng là người Bắc chính hiệu. Cha ông vốn là người gánh cà phê vô bán trong đoàn cải lương Năm Châu khi đoàn này lưu diễn Hà Nội. Anh em nghệ sĩ hay nợ tiền, ông cụ lẽo đẽo đi theo vừa bán vừa đòi nợ, riết rồi thành công nhân trong đoàn luôn. Khi đoàn về Nam thì chiến tranh xảy ra, thế là ông cụ lạc mất người vợ và đám con ở quê, chỉ còn giữ được đứa con trai tên Nguyễn Xúy (Nam Hùng) nhờ dẫn theo khi công tác. Lúc đó Nam Hùng mới 4-5 tuổi. Rồi mấy năm sau ông cụ mất, Nam Hùng về sống với nghệ sĩ Phùng Há, bà xem như con nuôi, cho đi học tử tế. Cả một tuổi thơ “tắm” mình trong không gian cải lương Nam Bộ, nên từ giọng nói tới phong cách của Nam Hùng đều thay đổi, không ai còn nhận ra chất Bắc trong ông nữa. Và ông nghiễm nhiên trở thành một kép hát nổi tiếng của nhiều đoàn: Minh Chí, Kim Chưởng, Út Bạch Lan, Dạ Lý Hương, Thanh Minh-Thanh Nga, Sài Gòn 1, đoàn 284.

Source: thanhnien

Tên Bài Báo về Nam HùngNgày Đăng
 NSƯT Nam Hùng qua đời 21 Tháng 10, 2020
 Nghệ Sĩ Nam Hùng Bị Tai Nạn Xe Liên Tục 29 Tháng 12, 2015
 Nghệ Sĩ Tề Tựu Trong Ngày Giỗ NSND Phùng Há 28 Tháng 06, 2015
 NSƯT Nam Hùng - Tô Kim Hồng Luôn Ước Mơ Đem Hạnh Phúc Đến Người Nghèo Khổ 07 Tháng 04, 2015
 NSƯT Nam Hùng - Tô Kim Hồng: Tương Kính Như Tân 28 Tháng 06, 2013
 Bà Huyện Với Thầy Đề 13 Tháng 06, 2005
Nam Hùng Cải Lương
» Đẹp Mãi Ánh Sao Khuê
» Ngao Sò Ốc Hến
» Ba Năm Trấn Thủ
» Người Mang Sông Núi
» Sân Khấu Về Khuya
» Đôi Tình Nhân Khùng
» Chiều Đông Gió Lạnh Về
» Băng Tuyền Nữ Chúa
» Tìm Đến Một Bài Ca
» Bến Đỗ Tình Yêu
» Đêm Huyền Diệu
» Lọ Nước Thần
» Tương Tư
Nam Hùng Tân Cổ