Có một dạo vai trò MC đã lấn át vai trò chính của một ca sĩ, đó là trường hợp của Công Thành, một nam ca sĩ có một quá trình hoạt động rất lâu dài, bắt nguồn từ những năm đầu của thập niên 60, khi nhạc Rock gây một ảnh hưởng rất lớn mạnh nơi giới trẻ. Ngoài một quá trình gần gũi với ca nhạc, với lãnh vực show business, Công Thành còn là một tiếng hát đa dạng trong phần trình bày những nhạc phẩm Pháp, Anh và Việt Nam. Anh còn là ca sĩ Việt Nam duy nhất từng trình diễn với những ban nhạc ngoại quốc tại khắp các thành phố lớn ở Úc Châu cũng như tại hầu hết những quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Chính do những chi tiết đặc biệt như vậy nên thiết tưởng việc dành cho Công Thành một bài viết đề cập đến những hoạt động của anh là một điều cần thiết.Với dáng người cao lêu nghêu, Công Thành được mệnh danh là sếu vườn ngay từ khi mới bước chân đến với ca nhạc, khởi đầu trong lãnh vực nhạc trẻ với những nhạc phẩm kích động ngoại quốc, phần lớn là những nhạc phẩm Pháp trong thời kỳ đầu tiên của phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Những người trưởng thành trong thập niên 60 ở Sài Gòn khó có thể quên được hình ảnh của sếu vườn Công Thành - một học sinh Jean Jacques Rousseau - uốn éo, lắc lư trong những nhạc phẩm như Ca Ne Peut Plus Durer Comme Ca, Bebop Alula hay Est-ce Que Tu Le Sais (What'd I Say) trong các bùm, tức các buổi party khiêu vũ của giới choai choai hay trên sân khấu của các trường đại học, đặc biệt là Đại học Dược khoa, nơi người anh của anh theo học. Tên tuổi Công Thành thời đó gắn liền với ban nhạc Les Fanatiques, một trong những ban nhạc tiên phong của phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Pháp trong thời kỳ nhạc Rock sôi nổi bên kia bờ Đại Tây Dương, cậu học sinh Vũ Công Thành đã say mê hình ảnh của những ban nhạc Pháp tên tuổi thời đó như Les Chaussettes Noires, Les Chats Sauvages, vv..., và nẩy ra ý định thành lập một ban nhạc vào khoảng cuối năm 1961 trong khi chưa hề biết một nốt nhạc nào! Để tạo một căn bản sơ khởi cho mình, anh nhờ một người bạn học Tây ban cầm cổ điển chỉ cho một vài âm giai để có thể cầm đàn chơi cho oai! Rồi anh hợp với một người anh em họ cũng mới học qua loa về trống để cùng chơi nhạc. Thế mà cả hai đã dám đứng trước lớp khán giả trẻ tuổi trình diễn như ai! Trong khi người em họ gõ trên một cái trống duy nhất thì Công Thành vừa cầm đàn khẩy vài ba âm giai học được, vừa hát nhạc phẩm Bebop A Lula quen thuộc của Gene Vincent cùng với những điệu bộ nhún nhẩy như một ca sĩ Rock nhà nghề trong chiếc quần da đen bó sát với những màn té ngửa người ra phía sau, càng sát mặt đất càng tỏ ra điệu nghệ!
Cũng do thích bắt chước lối trình diễn của Gene Vincent, Công Thành đã có một kỷ niệm khó quên khi phải dùng sức tung một cái chân micro nặng chình chịch trong một lần trình diễn khiến anh toát mồ hôi hột!
Một thời gian ngắn sau, Công Thành qui tụ được một số bạn nhạc sĩ cho Les Fanatiques với ca sĩ là Công Thành cùng các nhạc sĩ Khiêm (bass), Huy (lead guitar), Lý (đệm) và Tino Thạch (sử dụng trống). Với thành phần này, Les Fanatiques đã khiến giới trẻ say mê trong lầân trình diễn tại nhà hàng Đại Kim Đô vào tháng 11 năm 1963. Buổi trình diễn đó do các tướng Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tổ chức để mừng cuộc cách mạng thành công sau khi lật đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Với nhạc phẩm Est-ce Que Tu Le Sais tức What'd I Say, Công Thành và Les Fanatiques đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của giới trẻ tham dự buổi Đại Hội Nhạc Trẻ bỏ túi này. Và đó cũng là buổi trình diễn để lại nơi Công Thành một dấu ấn sâu đậm nhất trong thời kỳ hoạt động ca nhạc đầu tiên.
Sau những buổi tập dượt tương đối đều đặn, Công Thành và Les Fanatiques tham dự chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại trường Taberd sau đó vào năm 1965. Cũng từ năm 65, ban nhạc này bắt đầu cộng tác với các câu lạc bộ giải trí Hoa Kỳ tại Việt Nam trước khi tan rã.
Năm 1966, Công Thành sang cộng tác với ban nhạc The Rising Sun, rồi kế đó là ban Les Vampires, hát chung với Elvis Phương tại các câu lạc bộ Mỹ ở Sài Gòn, Biên Hòa, Long Bình, Tân Sơn Nhất, v.v... với một thành phần gồm các nhạc sĩ Đức Huy (lead), Nhơn (bass), Tòng (saxo), và Hồng Hải sử dụng trống. Thời kỳ này, cũng như nhiều ca sĩ khác, Công Thành chuyển qua trình bày nhạc phẩm lời Anh. Trong số nổi bật hơn cả là Boom Boom, Don't Let Me Be Misunderstood, What'd I Say và We've Gotta Get out Of This Place, v.v...
Những hoạt động ca nhạc của Công Thành bước vào một giai đoạn khác khi anh vừa đi hát tại các club Mỹ, vừa hát tại vũ trường Baccara vào cuối năm 67 qua sự giới thiệu của Jo Marcel, khi nam ca sĩ này ngưng cộng tác với nơi này để đứng ra khai thác vũ trường riêng của mình là Chez Jo Marcel trên đường Nguyễn Huệ.
Từ khi cộng tác với Baccara, hình ảnh một ca sĩ nhạc Rock nơi Công Thành đã nhường chỗ cho hình ảnh của một Công Thành chững chạc hơn với những nhạc phẩm Pop thịnh hành trong một môi trường mới. Liên tục trong 3 năm, anh trở thành giọng ca nam chính của vũ trường xinh xắn rất quen thuộc với sinh hoạt của Sài Gòn ban đêm này. Đến năm 1970, cuộc đời của "sếu vườn" Công Thành lại bước qua một khúc quanh quan trọng khác. Một bà bầu của một ban nhạc người Úc thường đến vũ trường Baccara chơi rất thích tiếng hát của anh nên đã mời Công Thành ký giao kèo 3 tháng để cùng với ban nhạc tên Spex của bà sang Sydney trình diễn. Thời gian này Công Thành đã lập gia đình vào năm 1966 với Trâm, con chủ tiệm vải Đại Nam nổi tiếng ở Sài Gòn. Họ đã có với nhau 2 con trai, mà người con lớn năm nay đã 40 tuổi, trong khi người vợ đầu tiên của anh cũng đã bước thêm bước nữa.
Công Thành mang việc được mời qua Úc ra bàn với bố mẹ và vợ để cuối cùng quyết định nhận lời cộng tác cùng ban nhạc Spex với ý định sẽ ở lại đây luôn. Cho đến buổi tối cuối cùng anh hát ở Baccara cũng không một ai hay biết Công Thành sẽ ra đi vào ngày hôm sau. Hợp đồng ba tháng là ca sĩ chính của ban nhạc Spex đi qua thật nhanh sau khi anh đã đặt chân tới rất nhiều nơi trên đất Úc. Do việc mưu sinh đòi hỏi, Công Thành bắt đầu đi tìm việc làm tại các hãng, các xưởng trong những công việc lao động chân tay...Việc làm đầu tiên của anh là căng dây lò xo cho những ghế nệm hoặc sofa, vv... Nhưng không may là nơi anh làm việc bị cháy rụi ngay trong ngày đầu tiên anh mới nhận việc. Do cảm thông hoàn cảnh của Công Thành, anh đã được chủ nhân nơi này giới thiệu đi làm ở một công ty sản xuất đèn!
Làm tại đây được khoảng một năm, Công Thành tìm được một việc làm khác trong hệ thống cửa hàng Sydney Wide nổi tiếng của Úc. Sau đó lại đổi qua một công ty khác có tên là Norman Ross với chức vụ quản lý. Song song với công việc hàng ngày, anh quan tâm hơn đến việc đi hát nên đã ghi tên theo học tại Viện Âm Nhạc Sydney để học về kỹ thuật thở, tức môn Breathing Control, một tuần 3 tiếng dưới sự hướng dẫn của nữ giáo sư Josy Keene, một nghệ sĩ hát opera nổi tiếng.
Sau khi học xong môn Breathing Control, vào năm 1974, Công Thành được chuyên viên "lăng xê" nghệ sĩ Marlene Atcherson nhận làm bầu và giới thiệu đi làm show tại những quán nhạc. Với công việc là thực hiện một show dài khoảng 45 phút này, anh phải vừa hát, vừa nói chuyện và vừa kể chuyện vui cho khán giả trong mỗi lần được mời trình diễn. Chính nhờ vậy mà sau này đi vào những sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam, anh đã gặt hái được nhiều thành công trong vai trò MC, ngoài khả năng ca hát của mình. Cộng tác với bà bầu Marlene, Công Thành càng ngày càng có bản lãnh của một nghệ sĩ quốc tế khi có dịp biểu diễn trên những du thuyền, những khách sạn và sòng bài lớn ở khắp vùng Đông Nam Á. Đối với anh, những địa danh như Bali, Djakarta, Okinawa, Bangkok, Hong Kong, Singapora hay Kuala Lumpur đều đã trở thành quen thuộc khi anh đã có dịp đặt chân tới.
Ngoài việc cộng tác với bà bầu Marlene, Timmy Lopez tức Công Thành đã từng hợp với 2 chị em song sanh người Úc thành bộ ba có tên là "Timmy Lopez and the Goldwyn Twins". Sau khi người chị nghỉ, người vợ hiện nay của anh là Lyn vào thay thế và bộ ba này đổi tên thành "Timmy Lopez and The Golden Sisters". Trong thời gian này Công Thành đang mặn mà với người em còn lại. Nhưng sau khi Lyn sang Tân Tây Lan hát theo giao kèo ký kết thì anh và người nữ ca sĩ còn lại đi đến đổ vỡ. Lợi dụng thời gian tạm thời nghỉ hát, Công Thành bay sang nam California để thăm dò tình hình sinh hoạt ca nhạc ở đây, cùng một lúc gặp lại rất nhiều bạn bè quen biết từ khi còn ở Việt Nam. Anh đã được nhạc sĩ Ngọc Chánh mời cộng tác với vũ trường Ritz một thời gian trước khi quay về Úc với ước muốn là một ngày nào đó sẽ trở lại Cali hoạt động. Vẫn muốn tiếp tục con đường ca hát nên Công Thành đã đề nghị Lyn từ Tân Tây Lan quay trở lại Úc để cùng anh kết hợp thành một cặp song ca lấy tên là Double Vision vào năm 1982. Qua những lần đi lưu diễn chung, tình cảm đã nẩy nở giữa hai tâm hồn và càng ngày càng trở nên thắm thiết, cuối cùng họ quyết định đi đến hôn nhân vào năm 1985. Sau khi thành hôn, Công Thành và Lyn vẫn tiếp tục đi hát dưới tên Double Vision cho đến khi Công Thành được thân phụ bảo lãnh qua Mỹ vào năm 1986. Lyn cũng theo chồng sang California nhưng bằng visa du lịch. Lyn cứ đi lại giữa Úc và Mỹ như thế cho đến khi được Công Thành bảo lãnh chính thức theo diện vợ chồng để ở lại Mỹ luôn, cùng một lúc với chủ trương mà anh gọi là "về nguồn" khi quyết định sinh hoạt một cách tích cực trong cộng đồng người Việt.
Khởi đầu anh cộng tác với vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh và không mấy chốc đã tạo được một tên tuổi vững vàng trong cộng đồng người Việt hải ngoại bằng tiếng hát cũng như lối ăn nói duyên dáng của mình trong vai trò MC. Anh bắt đầu hướng dẫn cho Lyn hát tiếng Việt, một công việc anh cảm thấy rất khó khăn...Rồi với sự tận tâm của Công Thành và sự cố gắng của Lyn, chỉ một thời gian sau khán thính giả Việt Nam hải ngoại bắt đầu chú ý nhiều đến cặp Công Thành - Lyn, ngay sau khi họ cùng xuất hiện trên một chương trình Paris By Night vào năm 1987 với nhạc phẩm "Lối Về Xóm Nhỏ" của Trịnh Hưng. Nhất là tiếng hát của Lyn đã gây được rất nhiều thích thú cho người nghe. Đó cũng được coi như một khúc quanh quan trọng với Công Thành khi anh chuyển hướng hẳn về nhạc Việt Nam. Những nhạc phẩm ngoại quốc được hát bởi Timmy Lopez đã hoàn toàn thuộc về quá khứ. Có còn chăng là cái tên Timotheo Lopez trên giấy tờ chính thức. Sau khoảng 5 chương trình Paris By Night, Công Thành và Lyn sang cộng tác với trung tâm Asia vào năm 91 và lần này anh sếu vườn đã trở thành một MC cho trung tâm này liên tục trên 10 chương trình. Sau khi rời khỏi Asia, Công Thành cộng tác với nhiều chương trình khác như Hollywood Nights, Washington By Night, New York By Night, Nhật Hạ, Ý Nhi, v.v... Công Thành đã thực hiện CD "Bé Yêu" với trung tâm Thúy Nga Paris và một CD với trung tâm Làng Văn. Công Thành cũng đã thực hiện riêng cho mình CD "Biển Tình".
Từ năm 1994, vợ chồng Công Thành - Lynn được cấp bằng về địa ốc và hiện vẫn còn hoạt động khả quan trong ngành này. Vào tháng 8 năm 2006 vừa qua, họ còn đứng ra khai thác một nhà hàng bán đồ biển ở Fountain Valley tên Red Claw, nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng, nhất là giới nghệ sĩ, rủ nhau đến thưởng thức những món crawfish, nghêu sò và cua độc đáo của nhà hàng xinh xắn này. Công Thành và Lyn vẫn nhận được nhiều lời mời trình diễn, đặc biệt cho những tiệc cưới nhờ ở khả năng hoạt náo duyên dáng của anh và nghệ thuật trình diễn tươi vui của cặp vợ chồng hạnh phúc này, hiện tổ ấm của họ ở thành phố Westminster, nam California...
Source: yeunhacvang
|
|