Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Nghệ Sĩ
Chat Hát Karaoke Phim Video Nhạc Music Nấu Ăn
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nốt Nhạc (Note Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Nghệ Sĩ » Gia Đình Của Nghệ Sĩ Thành Lộc Và Những Điều Chưa Bao Giờ Biết Ca Sĩ: Thành Tôn, Thành Lộc    
Ngày Đăng: 19 Tháng 04 Năm 2015

Cùng nghe "phù thủy" Thành Lộc - người nghệ sĩ có đôi mắt buồn kể chuyện về cha, về cuộc sống độc thân về gia đình của nghệ sĩ Thành Lộc và những điều chưa bao giờ biết


NSƯT Thành Lộc kể chuyện về cha

Nghệ sĩ sân khấu hay gọi nôm na nghề mình là nghề “ăn cơm tổ”. Sân khấu Việt Nam - nhất là sân khấu Nam bộ - có những dòng tộc đã ăn cơm tổ hơn ba bốn đời, từ sân khấu tuồng, cải lương đến kịch nói. Trải qua những lúc thăng trầm thịnh suy của nghề, gặt hái nhiều vinh quang và có cả cay đắng... họ vừa là nhân chứng, vừa viết nên tính độc đáo và truyền thống lâu đời của sân khấu Việt gần một thế kỷ qua.

Ba tôi - NSND Thành Tôn

NSND Thành Tôn (1917-1997) là một tên tuổi lớn của sân khấu hát bội. Trong ký ức của NSƯT Thành Lộc, hình ảnh cha anh luôn toát lên một nhân cách khẳng khái, trượng nghĩa, lúc nào cũng sống chết với nghề.

Những người con của NSND Thành Tôn đều thành danh trên sân khấu. Trong ảnh: nghệ sĩ Bạch Lê và NSƯT Thành Lộc trong vở cải lương tuồng cổ thuộc hàng kinh điển: Câu thơ yên ngựa - Ảnh: Hòa Bình

Ba tôi vốn xuất thân từ đất Vĩnh Long, ông cố là Nguyễn Văn Sĩ, ông nội là Nguyễn Văn Luông, thân phụ là Nguyễn Văn Nở (bầu Nở) đều là nghệ sĩ hát bội. Tính ra ba tôi là đời hát bội thứ tư. Những người con của ông sau này như tôi (NSƯT Thành Lộc), Bạch Long, Bạch Lê, Bạch Lý... đều là nghệ sĩ thành danh ở lĩnh vực khác.

Tuy là con nhà nòi nhưng ba tôi cho rằng mình cũng không thoát khỏi cái mác kép hát tỉnh lẻ. Ông muốn mình phải nổi danh ở thành phố lớn. Vì vậy, ông quyết khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp.

Kép tỉnh giữa Sài Gòn

Lên Sài Gòn, ông gia nhập gánh Minh Tơ của bầu Thắng, là ông ngoại tôi sau này. Trong đoàn, cậu tôi là Khánh Hồng (nghệ sĩ hồ quảng) thích ba tôi, nhưng ông cậu còn lại là Minh Tơ (nghệ sĩ hát bội, cha của NSND cải lương Thanh Tòng) thì... chưa thích lắm! Tuy nhiên, về mặt nghề nghiệp thì cậu tôi vẫn phải nể vì ba tôi.

Hồi đó, gánh hát lục tỉnh luôn phải chạm mặt du côn, cường hào ác bá nên ba tôi quyết học võ. Ông còn nói nghệ sĩ Sài Gòn kiêu kỳ lắm, ông thì thân cô thế cô, thế nên việc đầu tiên là ông giắt cây... mã tấu theo, phòng khi bị bắt nạt.

“Ba là người miền Tây lục tỉnh mà để nổi tiếng khắp miền Nam thì cực lắm con ơi! Mình muốn học người ta cũng không cho, người ta giấu nghề” - ba tôi có nói như vậy. Về sau ba tôi không giấu nghề. Ông nói nghề hát bội từ đời này sang đời khác vốn đã rơi rớt, mai một ít nhiều, nếu giấu nghề thì nó sẽ mai một luôn. Mà ngày trước ba tôi học là đứng sau cánh gà, học lỏm cái hay của người khác rồi về nhà tập.

Ba nói trong hát bội, hát văn khó hơn hát võ. Hát võ thì có múa võ để khán giả coi. Còn hát văn sao cho người ta rớt nước mắt mà không... bị buồn ngủ mới là khó nhất!

Hồi đó, cả nhà tôi sống bên cánh gà đình Cầu Quan (nay là góc Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, TP.HCM). Ba tôi tập tuồng ở dưới, nhưng thỉnh thoảng ông đáo lên gác xem anh em tôi có học bài hay không. Đứa nào nghe trống tập tuồng không lo học là bị ông đánh. Sau này, khoảng những năm 1970, khi chị Bạch Lê nổi tiếng là “hồ quảng chi bảo” đi hát có tiền thì chúng tôi mới ra nhà riêng.

Ba tôi thuộc làu sử ta, sử Tàu nhưng cũng chịu ảnh hưởng của Tây. Chắc cái này ông bị ảnh hưởng bên nhà ngoại tôi, bởi nhà ngoại tôi có nhiều người học trường Tây. Thường ông thích chơi Vespa, diện đồ vest. Có lần ông chạy Vespa hộ tống đoàn đua xe đạp ra tận vĩ tuyến 17.

Hồi đó, nhà có khó khăn gì ông cũng không cho con cái thất học. Con cái có muốn theo nghệ thuật hay không ông cũng không ép uổng hay ngăn cản. Ông chỉ nói: “Đã làm nghệ sĩ là phải nghệ sĩ giỏi, không được nghệ sĩ trung bình”.


Đường siêu cuối cùng

Tính ba tôi ngang ngạnh, nổi tiếng là người hay bênh nghệ sĩ. Hễ nghe có tin nghệ sĩ bị đánh hay hiếp đáp ở đâu là dù đang ngủ ông cũng bật dậy, quơ cây mã tấu chạy tới liền.

Trong đoàn, ông cũng có tiếng là ngang tàng, hay bênh kẻ yếu, người thế cô. Các ông bầu nể ba tôi vì tài nên cũng không muốn “làm căng” với ông, còn những người yếu thì nể ông vì đã bênh vực họ!

Ba tôi còn kể ông đòi đánh nhau với cả... quỷ! Chuyện này thì có tính tâm linh một chút. Hồi xưa, gánh hát thường đi sâu vô những nơi heo hút. Gặp nơi chướng khí, nội bộ xào xáo, diễn viên diễn trên sân khấu bị tai nạn trọng thương, hoặc tối người trong đoàn ngủ không được... là người ta tin bị ma quỷ phá. Ba tôi tức lắm. Nửa đêm ông cầm mã tấu, thắp một nắm nhang lớn đỏ rực giữa sân khấu rồi thách ma quỷ có giỏi thì hiện lên... ăn thua đủ!

Ba tôi dạy tôi: “Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh trên sân khấu. Tổ nghiệp phù hộ con hay không là lúc đứng trên sân khấu. Nếu con đứng trong bóng tối mà khán giả vẫn nhớ tới con thì còn hơn là người đứng ngoài ánh sáng mà ít ai nhớ tới. Như vậy là con thành công rồi”.

Ba tôi nổi tiếng với những vai Châu Sáng, Triệu Tử Long, Lý Bá Huề, Lôi Nhược, Trình Giảo Kim... Những ngày cuối đời, ông bị chứng teo não nằm trong bệnh viện. Chị Kim Thanh (nghệ sĩ hát bội) đến thăm có nói: “Sư phụ ơi, cứu con với. Người ta giao cho con vai Châu Sáng mà con e mình đảm đương không nổi”. Chỉ vậy thôi mà ông bật dậy, đi bài siêu Châu Sáng dạy cho chị Kim Thanh liền. Chị Kim Thanh vừa lĩnh hội đường siêu vừa rớt nước mắt.

Hơn tuần sau là ba tôi mất!

Bà Hai Gà ở đình Cầu Quan

Sinh thời, NSND Thành Tôn từng nói: “Tam cang, ngũ thường, tứ đức... của người xưa được chúng tôi thể hiện hằng ngày trên sân khấu.Thiện ác rạch ròi, nên nghệ sĩ chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng”. Ngẫm về cuộc đời ông hay các nghệ sĩ hát bội khác thì quả có như vậy!

Sinh thời, NSND Thành Tôn và nghệ sĩ Hữu Thoại rất coi trọng nhau. NSƯT Thành Lộc nhớ lại mỗi khi gặp nghệ sĩ Hữu Thoại là ba anh bắt phải kính cẩn cúi chào. Còn NSƯT Hữu Danh từng được NSND Thành Tôn truyền nghề thì nhắc: “Bác Thành Tôn hay nói: Trong nghề này tôi không ngán một ai, chỉ nể anh Hai Thoại (nghệ sĩ Hữu Thoại)”.

NSƯT Hữu Danh kể lại khi anh còn là sinh viên, khoảng năm 1981, một hôm nghệ sĩ Thành Tôn đến gặp anh và người anh là Hữu Nhi (nay là phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM) nói: “Hai đứa bay ăn mặc chỉnh tề rồi đi theo bác. Có chuyện!”.

Ông đưa hai anh em Hữu Danh, Hữu Nhi đến một ngôi nhà ở gần đình Cầu Quan (góc Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, TP.HCM). Ở đó có một người đàn bà đang nằm thoi thóp những ngày cuối đời cô đơn trên giường bệnh.

Người đàn bà này anh không nhớ rõ tên gì, chỉ hay gọi là cô Hai Gà. Thời thuộc Pháp bà làm nghề tú bà ở khu vực đình Cầu Quan. Khi nghệ sĩ Hữu Thoại từ tỉnh phiêu bạt lên Sài Gòn, hai người có thời gian ăn ở như vợ chồng. Được ba năm, bà biết mình không thể có con nên mới giục Hai Thoại đi lấy vợ. Trong lúc Hai Thoại vì còn tình nghĩa nấn ná thì bà nói: “Anh Hai à, anh là người có tài. Anh phải có vợ để có người nối dõi”.

Mẹ của nghệ sĩ Hữu Danh là người gốc Cần Giờ (TP.HCM). Hồi trẻ, bà tham gia chống Tây nên bị Tây bắt, treo ngược lên cây rồi đổ nước mắm vô mũi tra tấn, tưởng chết. Nửa đêm, cha bà lén bò ra bãi xác kiếm xác con, nghe bà thở thoi thóp mới biết bà còn sống. Sau vụ đó bà bỏ lên Sài Gòn làm thợ may, rồi quen nghệ sĩ Hữu Thoại. Chính bà Hai Gà đem tiền đi hỏi bà cho Hữu Thoại.

NSƯT Hữu Danh kể cha anh không bao giờ nhắc chuyện đó có lẽ vì nể má anh. Nếu không có NSND Thành Tôn dẫn đến nhà người đàn bà trên thì anh em của anh cũng không bao giờ biết chuyện.

Khi gặp người đàn bà trên giường bệnh, nghệ sĩ Thành Tôn gọi: “Chị Hai à, con của Hai Thoại nè. Không có chị thì không có tụi nó”. Người đàn bà yếu ớt gượng ngồi dậy, run run mừng tủi: “Con của Hai Thoại đây sao?”.

Chuyện nhơn nghĩa người xưa kể ra như tuồng tích, như kịch, nhưng là chuyện có thật.


NSƯT Thành Lộc: Những điều chưa bao giờ biết...

Thành Lộc ở cuộc sống đời thường đơn giản chỉ là một người đàn ông trung niên với đôi mắt buồn.

Trên sân khấu, anh có thể là một Thúy Mama mang đến tiếng cười cho hàng trăm em nhỏ, anh có thể là một ông Tư lấy biết bao nước mắt của những khán giả người lớn, và anh cũng có thể là một hoạn quan Tạ Thanh mà chỉ một cái liếc mắt cũng có thể làm cả khán phòng run sợ. Mọi người dù trong hay ngoài giới vẫn gọi anh là một phù thủy với tài năng đó.

Nhưng Thành Lộc ở cuộc sống đời thường lại đơn giản chỉ là một người đàn ông trung niên với đôi mắt buồn, điều làm anh khác biệt với hàng triệu con người khác chính là anh có một trái tim yêu nghệ thuật mãnh liệt.

Tuổi thơ không bình yên

Thành Lộc sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cha mẹ anh là Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn – Huỳnh Mai, những nghệ sĩ lớn của nghệ thuật hát bội. Anh chị ruột của anh là nghệ sĩ Bạch Long, Bạch Lê đều là những tên tuổi nổi tiếng trên sân khấu cải lương. Tuổi thơ của anh đã phải trải qua trên mảnh đất nằm trong một cái đình, nơi quy tụ hầu hết là những gia đình nghệ sĩ cải lương, hát bội. Đối với anh đó là một tuổi thơ nghèo nàn về vật chất nhưng cũng rất đẹp.

Tuổi thơ của anh còn phải trải qua một biến cố lớn những tưởng anh đã không còn trên thế gian này nữa. Thành Lộc của ngày thơ bé là một đứa trẻ ốm yếu, suốt ngày đau ốm. Trong một lần bị ban sởi nặng, nặng đến nỗi mẹ anh gần như chỉ ẵm cái xác của anh đến cầu cứu một nhà sư ở ngôi chùa mà bà thường đến. Như một điều kỳ diệu, tiếng chuông lớn của nhà sư đã đánh thức anh dậy, và nói như lời của nhà sư ấy anh đã “sống hết một kiếp người, và đây sẽ là một kiếp khác …”.

Cũng theo thời nhà sư ấy, cha mẹ của anh không hợp nuôi con trai trong nhà vì thế từ lúc đó đến khi được 7 tuổi, anh đã phải giả gái, phải mặc đồ như con gái và để tóc dài như con gái. Ngoài ra, anh còn bị kiêng gọi tên thật nên ngoài tên khai sinh Thành Lộc anh còn có một cái tên khác là Thành Tâm.

8 tuổi, Thành Lộc bắt đầu làm quen với sân khấu từ đội múa Nhà thiếu nhi Thành phố, rồi Ban kịch trên Đài truyền hình Thành phố lúc bấy giờ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi những chương trình có anh tham gia được phát sóng, cái tên “bé Thành Tâm” bắt đầu được biết đến và trở nên nổi tiếng.
Và cái tên Thành Tâm đó cũng theo anh suốt cả quãng đường sau này khi anh ngồi trên ghế giảng đường khoa diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Mãi đến khi anh tốt nghiệp bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp, anh mới sử dụng lại tên thật của mình và để đến ngày hôm nay, khán giả yêu kịch mới có được một phù thủy sân khấu mang tên Thành Lộc.

Một con người tài năng

Nhắc đến Thành Lộc, người ta nhớ ngay một Chu Xung thư sinh, non nớt, ngây dại của “Lôi Vũ”, một ông Thiện 50 tuổi si tình một cô gái chỉ mới đôi mươi, và chắc chắn khán giả sẽ không thể nào quên được một ông Tư khóc đó, cười đó trăn trở với những nỗi niềm của người xa xứ. Thành Lộc là tất cả những người đó, và những người đó cũng chỉ là một Thành Lộc. Từ sân khấu của Câu lạc bộ kịch thể nghiệm Tp HCM đến sân khấu Idecaf sau này, hàng trăm vai diễn, hàng trăm vở kịch, nhưng người xem khó thấy được một sự trùng lặp nào trong những lần hóa thân của anh. Thậm chí, với cùng một vai diễn đó, khán giả xem lại vẫn thấy mới.

Anh cũng là một người rất thích đi đầu. Điển hình là vở “Tin ở hoa hồng”, anh là người đầu tiên mang một vở ca vũ nhạc kịch đúng nghĩa đến với khán giả. Anh đặt hàng nhạc sĩ sáng tác riêng ca khúc cho vở kịch, anh dùng âm nhạc để kể chuyện cho khán giả nghe. Bây giờ thì khán giả không còn lạ gì với những vở kịch với nhiều bài ca, nhiều điệu múa của sân khấu “Ngày xửa ngày xưa” của anh, nhưng ở thời điểm của “Tin ở hoa hồng” đó là một thử thách, không phải ai cũng làm được và nhất là không phải ai cũng dám làm.

Anh cũng là người đi đầu trong thể loại kịch với đề tài lịch sử. Vở bi kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” của anh vượt ra khỏi khuôn khổ chức năng giải trí. Câu chuyện của anh kể theo một cách nhìn nhận khác về lịch sử khiến người xem phải suy ngẫm. Sự tồn tại của cái thiện, cái ác khiến người xem không chỉ ngẫm về quá khứ mà còn có thể liên tưởng đến hiện tại. Một vở kịch nặng nề, nhưng nếu không phải là bàn tay của Thành Lộc và ekip của anh thì hẳn sẽ không tạo được tiếng vang lớn như thế.

Ngoài kịch, anh còn đá lấn sang khá nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, ca nhạc và cả người dẫn chương trình truyền hình. Dẫu là ở lĩnh vực nào anh cũng luôn làm tròn nhiệm vụ của mình và luôn làm khán giả hài lòng cho dù sự xuất hiện của anh chỉ là những vai phụ.

Và những khoảng lặng...

Anh cho biết rất nhiều người nghĩ rằng, cho rằng và thậm chí họ chắc chắn một điều rằng “ông Thành Lộc là một người rất cô đơn”. Anh cười, anh bảo rằng: “Tôi cô đơn mà sao tôi không biết nhỉ”. Anh cho rằng, anh đủ bận rộn để không bao giờ cảm thấy mình cô đơn. Thậm chí nếu có ai đó thấy anh ngồi một mình trầm tư thì đó cũng là lúc anh đang sống với những suy nghĩ của mình, như vậy thì làm sao gọi là cô đơn.

Anh luôn bận rộn, đến nỗi anh chẳng bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi. Và cũng vì bận rộn như thế nên anh luôn ghét những ngày nghỉ, những ngày lễ. Anh cho rằng đó là khoảng thời gian người ta nghỉ ngơi vui chơi nhưng anh thì vẫn phải làm, thậm chí, còn phải làm nhiều hơn ngày thường.

Tuy nhiên, anh cũng đã có cho mình 2 tháng không diễn, chỉ nằm một chỗ. Đó là khoảng thời gian anh dưỡng sức, sau cú ngã trong một buổi biểu diễn vở “Cậu bé rừng xanh”, tai nạn này tưởng đã hạ gục một người nghệ sĩ trong lúc năng lượng và sức sáng tạo đang ở đỉnh cao. Anh tâm sự: “Khi tôi ngã từ trên cao xuống, gãy xương sống, có nguy cơ bị liệt vĩnh viễn, tôi cứng cả người vì sợ hãi. Tôi sợ khi mình trở thành gánh nặng của người khác, sợ không đứng trên sân khấu được nữa, không nuôi được mẹ, mà nợ ngân hàng chưa trả hết. Chính nỗi sợ này đã khiến tôi lạc quan chiến đấu với bệnh tật của mình. Và tôi đã vượt qua như một điều kỳ diệu”.

Trở lại sân khấu sau khoảng lặng đó, Thành Lộc như một dây cung bị kéo mãi đến lúc này mới được buông. Anh thỏa sức sáng tạo, vùng vẫy trong môi trường nghệ thuật của mình. Những vai diễn của anh trong “Hợp đồng mãnh thú”, “Sát thủ hai mảnh”, “Tình sử ngàn năm” được anh thể hiện bằng một ngọn lửa ngùn ngụt của lòng yêu nghề, sống chết với nghề. Và con đường nghệ thuật của NSƯT Thành Lộc còn dài lắm, đến bây giờ, có lẽ điều anh luôn cố gắng để thực hiện được đó là đưa hình ảnh của người mẹ của anh – nghệ sĩ Huỳnh Mai lên sân khấu.

Nghệ sĩ Thành Lộc: Tôi không có ý định cưới vợ


- "Tôi là một người có tôn giáo, tôi sống với những tâm nguyện riêng. Tôi không muốn lập gia đình là để được thanh thản...", NSƯT Thành Lộc giải thích cho sự cô đơn của mình.


Anh thường vào vai giả... gái, anh có ngại nếu người ta đặt dấu hỏi to đùng về giới tính của mình?

Tôi cảm thấy rất hào hứng bởi vì tôi làm nghề chứ tôi có làm trò đâu mà tôi phải sợ. Tôi là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, công việc chính của tôi là diễn xuất. Khi gặp một vai có đầy đất diễn như thế thì tôi nghĩ bất cứ diễn viên nào cũng có tham vọng để thể hiện nó cả. Tôi nghĩ những nghệ sĩ và diễn viên khác người ta không dám nhận những vai diễn như thế chẳng qua là họ không có khả năng thôi còn mình có khả năng mà lại được tạo đất để phát huy khả năng của mình thì đó là một cơ hội rất tốt. Do vậy tôi chẳng ngại ngùng gì chuyện đó và không có gì phải sợ cả.

Sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, sức khỏe hiện tại đã có thể giúp anh trở lại với công việc bình thường và đủ để dồn hết cho phim ảnh và sân khấu?

Đúng vậy, hiện tại sức khỏe của tôi đang rất ổn, rất tốt và rất sung sức khi làm việc. Đã qua hơn 20 ngày quay, nó có làm mình mệt nhưng là mệt vì công việc chứ không phải do lý do sức khỏe. Nói chung là qua những ngày làm phim vừa rồi mình cảm thấy theo kịp với tốc độ của công việc. Hiệu quả của công việc cũng tốt nên đã gây cho mình sự hưng phấn nhất định để vượt qua mọi mệt mỏi.

Đã có lúc cận kề với cái chết, khi đã trở lại với cuộc sống, điều làm anh suy nghĩ nhiều nhất và tiếc?

Điều mình nghĩ nhiều nhất lúc này chính là sức khỏe là vàng và vô cùng tiếc khoảng thời gian bị bệnh vì phải mất quá nhiều sức khỏe. Khi lao vào công việc thì người ta sẽ cảm thấy sức khỏe là vô cùng quý giá. Điều tiếc nhất là mình không còn trẻ nữa và đã vào độ tuổi không phải việc mình cũng có thể làm được, phải tiết kiệm sức khỏe để làm những điều thật sự giá trị vì mình không còn là một thanh niên trẻ trung để có thể tiêu pha sức lực như các bạn trẻ được. Đôi khi tôi ước mình có thể trẻ lại được 10 năm tuổi nữa để có thêm sức khỏe làm việc cho tốt hơn.

Có tiếng là một người tham công tiếc việc, dồn hầu hết tâm sức và thời gian cho sân khấu anh còn đóng phim và từng là một MC rất có duyên của show Rồng vàng. Anh sẽ tiếp tục làm MC nữa chứ?

Tôi đã kết thúc hợp đồng 1 năm làm MC cho Rồng vàng và đã chia tay với họ một phần vì muốn tập trung hoàn toàn vào công việc chính cho có chất lượng hơn. Làm MC chắc là không vì ưu tiên số 1 của mình vẫn là sân khấu.

Chưa thấy anh nhắc gì đến những dự định về cuộc sống riêng, vẫn chỉ là công việc và công việc...

Nói về cuộc sống riêng tư là cuộc sống gia đình riêng phải không ạ? Mỗi người chọn cho mình một cách sống. Đối với mình sống và làm việc là một cách sống. Tôi không chú trọng vào cuộc sống riêng tư lắm. Tôi đã có những dự định riêng cho tương lai cuộc đời mình rồi cho nên chuyện gia đình khi đến thì nó đến chứ đó không phải là thứ mình chủ trương hướng tới.

Anh có nghĩ như vậy là quá bất công với chính mình?

Không, chẳng có gì bất công cả. Tôi là một người có tôn giáo, tôi sống với những tâm nguyện riêng với tôn giáo mình theo. Tôi không muốn lập gia đình là để được thanh thản làm việc đạo nhiều hơn. Tôi cũng có một tâm nguyện là sau này nếu mình không còn nữa thì tôi sẽ dùng xác mình vào việc khác chính vì vậy tôi không có ý định lập gia đình.

Hơi tò mò một chút, anh theo tôn giáo nào?

Tôi theo đạo Phật.

Tức là ngày rằm mùng một Thành Lộc sẽ ăn chay và thường xuyên đi lễ chùa?

Tôi theo đạo Phật với cách của tôi, chùa nằm trong trái tim tôi, trong hành xử của tôi và không nhất thiết phải đến chùa một cách thường xuyên. Tôi cũng ăn chay, ăn chay để tâm mình thật tĩnh. Tất cả những cái đó cũng rất đời.

Nghệ sĩ Thành Lộc: "Tôi đang yêu và yêu rất nhiều"

Theo đuổi nghệ thuật và sống với nghề cũng gần 30 năm, dường như tất cả chua ngọt của cuộc sống anh đều nếm trải. Ở anh, tôi bắt gặp cái cảm giác thoáng buồn trong đôi mắt của người nghệ sỹ nhưng anh lại chinh phục tôi và khán giả bởi cái chất hài hước…

Bạn bè hay gọi anh là “con ma” tài tình, ma ở đây có nghĩa là gì vậy?

Đó là cách so sánh thân mật mà “lũ trẻ” ở công ty (các thành viên của sân khấu kịch Idecaf) dành tặng cho tôi. Ma ở đây có nhiều nghĩa lắm.

Về mặt công việc, tôi không phải là người dễ dãi mà rất dữ là đằng khác, rất khó tính, ai làm sai là tôi la, tôi trách. Nhưng thực tế, anh Hữu Châu còn khó tính gấp 10 lần tôi cơ đấy. Lũ trẻ nhìn tôi và anh Hữu Châu là sợ như sợ “ma” ấy.

Ngoài đời, tôi cũng rất nghịch, thích là quậy tưng bừng. Nhiều lúc nhìn bọn trẻ “phát ngán” vì mình bị “lố” quá tôi cũng thấy thương chúng vì phải chịu đựng một người “tưng tửng” như tôi. Nhưng cũng vui vì các em hay tâm sự rằng “Không có con ma như thầy thì sẽ khó có những thiên thần như tụi em”. Lúc đó, tôi chỉ biết cười thật to.

Nghệ sĩ Thành Lộc
Chứ không phải vì anh “ma lanh” quá sao?

(Cười) Tôi thích cụm từ ma lanh này vì đúng thật với con người của tôi. Cái mọi người xung quanh sợ tôi nhất chính là những câu nói sốc của tôi. Tôi thường chọc, phá, hoặc bới móc cho vui mà nhiều lúc không ai đỡ nổi. Tôi nhớ ngày còn đi học, vốn là học sinh cưng của thầy giáo, NSND Văn Thành. Nhưng một lần đang đi trong lớp, thầy chọc, cố ý gạt chân tôi. Chỉ sơ ý vấp ngã, ấy thế tôi đã la toáng lên “Bớ người ta! Lớp già ngáng đường lớp trẻ”. Nhiều người quay lại nhìn khiến thầy cảm thấy ngượng. Giờ nghĩ lại âu cũng là một kỉ niệm đẹp. Tôi “ma” và “lanh” đến thế đấy!

Vậy có nghĩa là anh rất “ác mồm ác miệng” và giỏi la làng?

Đúng, tôi là thế nhưng phải làm rõ thế này. Tôi độc mồm độc miệng nhưng không độc lòng, ác mồm ác miệng nhưng không ác lòng. Lương tâm tôi trong sạch, không chơi xấu hay ghét ai bao giờ. Tôi ngay thẳng, thấy sao nói vậy. Có lẽ vì thế mà nhiều người không thích tôi. Tôi cũng không biết phải nói đó là ưu hay khuyết điểm của mình nữa.

Hình như anh đang muốn nói mình hay bị người khác chơi xấu chơi xỏ?

Tôi bị chơi xỏ nhiều là đằng khác. Nhiều người hôm nay gặp tôi, bắt tay vỗ vai thân mật nhưng ngày hôm sau có thể nói xấu mình lúc nào không hay. Hoặc có những người tôi tin tưởng vừa tâm sự chuyện của mình thì lập tức chưa kịp phản hồi gì đã nghe thấy nhiều lời đồn đại về mình.

Chính vì điều đó, anh bắt đầu “phòng thủ” trong các mối quan hệ của mình?

Tôi có "phòng thủ" nhưng cũng vậy thôi. Tính tôi dễ tin người lại cầu toàn. Tôi chỉ nghĩ khi mình đã chơi tốt với một ai đó thì người ta cũng sẽ đối xử tốt lại với mình. Thú thật, nhiều lúc tôi biết họ như vậy nhưng cũng chẳng để ý làm gì.

Sao anh không chơi trò “ăn miếng trả miếng”?

Tôi không thích như thế. Tôi sống theo tâm linh, mọi chuyện đều có nhân quả, báo ứng. Mình làm xấu cũng có ngày sẽ gánh chịu những hậu quả do mình gây ra mà thôi. Mình làm tốt thì không việc gì phải sợ.

Cuộc sống của anh hiện giờ thế nào?

Rất bình dị và đầy ý nghĩa. Sống trong nghệ thuật, tận hưởng niềm vui của cuộc sống. Muôn màu muôn vẻ không còn gì đẹp bằng.

Làm việc là để hưởng thụ, vậy là anh đang hưởng thụ phải không?

Tôi đang hưởng thụ nhưng ở đây không phải thiên về vật chất mà cả tinh thần nữa. Hàng ngày, tôi vẫn làm việc đều đều, rảnh rỗi đi ăn đi uống, đi xem cine. Tôi rất có tâm hồn ăn uống, thích "khám phá" những món ngon món lạ.

Nhưng tận hưởng cuộc sống như vậy mà lúc nào cũng chỉ một thân một mình thì còn gì thú vị nữa?

Sao lại không thú vị! Khi chỉ mình bạn mới cảm nhận được cái đẹp thật sự của vạn vật. Nó tuyệt lắm. Khi đó, tôi thấy được tự do về mặt tư tưởng. Rõ ràng là chính vì điều ấy mà tôi đã ngộ ra nhiều thứ và diễn thành công rất nhiều vai đấy chứ. Nếu mọi người để ý sẽ thấy nhà tôi ít có khách vì tôi không tiếp khách ở nhà bao giờ. Đó là chốn riêng tư của tôi, tôi không muốn ai phá vỡ sự yên tĩnh ấy.

Rõ ràng là anh đang cố gắng ngụy biện cho cái sự cô độc của bản thân?

Tôi không hề cô độc, một thân một mình là tôi muốn có sự yên tĩnh. Còn khi vui tôi vẫn gặp gỡ và đi chơi cùng mọi người. Tôi có nhiều bạn, đủ mọi tầng lớp. Tôi có những người bạn cuộc sống gia đình đầy đủ, có vợ con nhưng lại hay đến gặp tôi than vãn đủ thứ. Mà tôi thấy những người đến tâm sự với tôi hầu như họ đâu có một thân một mình như tôi.

Thành Lộc trong một vở kịch dành cho thiếu nhi
Nếu ngày ấy không theo nghệ thuật thì giờ đây anh là…?

Là giáo viên. Tôi rung động đầu đời sớm lắm. Khi học lớp 6 tôi đã thích cô giáo dạy Văn của mình. Chỉ vì nguyên nhân đơn giản là cô ấy… quá đẹp đến nỗi khiến tôi si mê. Tôi đã mong muốn một ngày nào đó được trở thành một giáo viên dạy Văn như cô ấy. Nhưng sau này vì theo nghệ thuật nên tôi đành bỏ lỡ.

Chuyện tình cảm của anh như thế nào rồi?

Tôi đang yêu, yêu rất nhiều. Phải nói là yêu một lúc nhiều người nữa đấy chứ.
Những người nghệ sỹ như anh thì sẽ thường phong lưu, yêu nhiều như vậy đúng không?

Nghệ sỹ chúng ta thấy họ phong lưu, lăng nhăng vì họ là người của công chúng nên bị chú ý nhiều hơn chứ thật sự ai cũng vậy, bất cứ trong ngành nghề nào họ cũng phong lưu chứ riêng gì nghệ sỹ. Tạo hóa ban cho chúng ta có tình yêu thì tại sao lại không yêu, quan trọng là cuối cùng sự lựa chọn của mình là như thế nào thôi. Tôi nghĩ thoáng lắm, không thích ràng buộc, hãy cứ yêu đi để thấy cái đẹp của tình yêu.

Cú sốc lớn nhất trong cuộc đời anh là gì?

… (suy nghĩ). Nếu một con người sốc nhất chắc là mất đi người thân. Nhưng đối với tôi đó vẫn chưa phải là cú sốc lớn nhất và tôi chưa thấy cú sốc nào mạnh mẽ và quyết liệt cả. Tôi chấp nhận mọi thứ với tâm trạng rất thanh thản.

Nhiều người nói anh rất khác người, sao anh lại phải tự làm mình khác người đến thế?

Tôi sống thật, không giả tạo, tôi không làm khác người mà tôi rất giống người. Chỉ có điều tôi hơi “khùng” và “tưng tửng"! (cười).

Khùng đến cỡ nào vậy?

Một ngày rảnh rỗi, không vướng bận công việc, tôi ngủ dậy thật trễ và khi thức giấc nhìn ra ngoài, trời đang mưa tầm tã. Nhìn thấy mưa tâm trạng tôi sung sướng vô cùng, vội đánh răng rửa mặt thật nhanh, sau đó xách cái ô và gọi taxi chạy ra đường Đồng Khởi. Đến nơi, tôi xuống xe, che ô và tự đi bộ một mình dưới trời mưa, tận hưởng cảm giác của mưa. Được một tiếng sau, tôi phát hiện mình hẹn một phóng viên mà quên mất, lúc ấy tôi chỉ biết ba chân bốn cẳng che dù chạy thật nhanh đến chỗ hẹn. Đến nơi, tôi vẫn che ô chạy vào trong quán café mặc dù trời đã tạnh mưa. Hoặc như tôi rất thích tầm 1, 2 giờ đêm, xách xe chạy lòng vòng ngoài đường để được nhìn ánh đèn điện chiếu xuống. Khung cảnh lúc đó thật đẹp và tôi cảm thấy hạnh phúc.

Như vậy, chẳng phải anh đã quá lãng mạn?

Ôi! Tôi yêu sự lãng mạn và thích đắm chìm trong cái lãng mạn, trong cái du dương của tình yêu. Nó khiến tôi phải si mê đến tột cùng.

Sources: phununet

Thành Tôn, Thành Lộc
Tiểu Sử Thành Tôn
Tiểu Sử Thành Lộc
  » Chân Dung Người Cha Nổi Tiếng Của Nghệ Sĩ Thành Lộc
  » Gia Đình Nghệ Sĩ Thành Tôn - Bạch Lê
  » Gia Đình Của Nghệ Sĩ Thành Lộc Và Những Điều Chưa Bao Giờ Biết
  » “Ăn Cơm Tổ” Ba Đời - Kỳ 1: Ba Tôi - NSND Thành Tôn
  » Rạng Danh 5 Đời Theo Nghề Hát
Những Tin Tức Nghệ Sĩ Khác
  » Quyền Linh Khóc Khi Nhắc Đến Người Cha Vắng Bóng Trong Cuộc Đời Mình
  » Chồng Đại Gia Mừng Sinh Nhật Trịnh Kim Chi
  » Vân Dung Tích Cực Khoe Con Trai Long Vũ
  » Ảnh Sao 17/8: Con Gái Quyền Linh Diện Đầm Hai Dây Ôm Sát Dạo Biển
  » Hôn Nhân 22 Năm Bên Chồng Kém 7 Tuổi Của NSND Thanh Ngoan
  » Vợ Và Con Gái Quyền Linh Cùng Dàn Sao Chúc Mừng Quốc Thiên
  » Việt Hương Mặc Xẻ Ngực Sâu Sánh Đôi Ông Xã
  » Nghệ Sĩ Hữu Độ Qua Đời
  » Ảnh Sao 3/8: Lâm Vỹ Dạ Nịnh Chồng, Gọi Hứa Minh Đạt Là Hạnh Phúc
  » Cháu Gái NSƯT Vũ Linh Bế Tắc Vì Bị Tẩy Chay
  » Ảnh Sao 22/7: Tự Long Mừng Con Trai Út Hai Tuổi
  » Tuổi U50 Của NSƯT Trọng Tấn
  » Nhan Sắc Tuổi 59 Của MC Kỳ Duyên
  » Ảnh Sao 21/7: MC Cát Tường Thăm Các Nghệ Sĩ Ở Viện Dưỡng Lão
  » Hoàng Mập Khoe Ảnh Cưới 26 Năm Trước
  » Tiệc Kỷ Niệm 18 Năm Ngày Cưới Của Việt Hương
  » Ảnh Sao 8/7: Chí Trung Tận Hưởng Cuối Tuần Bên Bạn Gái
  » Bà Xã Vượng Râu Hiếm Hoi Khoe Body Sau Khi Có 5 Con
  » Ảnh Sao 7/7: Con Gái Điệu Đà Bên Phan Hiển
  » Cuộc Sống Diễn Viên Kiều Linh Sau Ly Hôn Mai Sơn