Ngày Đăng: 17 Tháng 06 Năm 2013
Về vùng núi, bà ngoại đã sáng tạo làm món chè sắn. Sắn là món ăn phát oải của trẻ nông thôn ở đây, thì qua bàn tay khéo léo của bà, trở thành món quà lạ miệng.
Cuối năm 1964, chiến tranh leo thang, miền Bắc bị ném bom liên tục khiến nếp sống người Hà Nội xáo trộn bởi lệnh sơ tán. Cuộc sống của gia đình tôi cũng vậy, chúng tôi lập tức phải rời thành phố như các gia đình khác. Chỉ có vài ngày để dọn dẹp đồ đạc và hành lý, cả gia đình chúng tôi lên chiếc xe tải của Đoàn cải lương Nam bộ chuyển tới huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Trong mấy căn phòng phên tre, mái tranh và ánh đèn dầu tù mù leo lét tại khu vực miền núi này, những đứa bé sinh ra và lớn lên ở những khu phố trung tâm Hà Nội phồn hoa như chúng tôi quả là khó thích nghi. Đêm nào mấy anh chị em tôi cũng khóc thút thít, nhớ nhà, nhớ bạn bè cùng những trò chơi và cả những quà vặt như bánh tro, bánh giò, bánh cuốn, ốc mút… Bà ngoại phải dỗ dành lũ cháu nhỏ đang sống quen mùi phố thị trong rất nhiều ngày. Giải pháp chữa chán nản được đưa ra là đi ngủ sớm. Cứ sẩm tối, vừa lên đèn là mắt cũng díp lại. Ngủ cho quên buồn!
| Hàng đầu từ trái qua: ba Hà Quang Định, má Ái Liên và một số anh chị em trong gia đình Ái Vân. |
Về vùng núi, bà ngoại đã sáng tạo làm món chè sắn. Sắn là món ăn phát oải của trẻ nông thôn ở đây, thì qua bàn tay khéo léo của bà, trở thành món quà lạ miệng cho tụi trẻ thành phố chúng tôi và lập tức được lũ cháu “chiếu cố” tận tình. Không còn những trò kiểu như đi bấm chuông điện phá đám hàng phố nữa, tụi tôi được bà dạy cho cách nấu cơm, luộc rau và luộc trứng. Cuộc sống mới rồi cũng quen dần. Dưới sự hướng dẫn của lũ trẻ địa phương, chúng tôi đã biết cách ra suối bắt cá mương hay lên đồi học trồng sắn, hoặc vào rừng tìm những quả tóc tiên về chơi. Nhiều khi mải mê ngoài suối mấy tiếng đồng hồ, nhưng khi chộp được vài con cá mương bé tí xíu, chúng tôi cũng cảm thấy hào hứng và vui vẻ vô cùng.
Một hôm, ba tôi được nhà trường triệu tập gấp, lý do anh Thành đánh nhau với bạn cùng lớp, cũng là học sinh sơ tán. Nghiêm trọng hơn, anh đã lôi ra cả một con dao găm để doạ nạt. Ba tôi sợ quá, tức tốc chạy bộ một mạch đến trường cách nhà chừng 4 km. Tới nơi mới biết cậu bé kia lại là con trai của người bạn rất thân của ông. Nhà trường thấy phụ huynh là bạn của nhau nên tha cho anh Thành về. Nhưng ba tôi thì không chịu. Ông không biết nói nhỏ vào tai thầy giáo điều gì, mà lúc sau thầy xuất hiện cùng bác bảo vệ. Hai người nói học trò Thành cần phải bắt giam để giáo dục cho triệt để. Anh Thành nghe thế sợ quá, van xin rối rít và hứa sẽ chừa, không bao giờ tái phạm. Ba tôi lúc đó mới ra mặt can thiệp: "Cháu đã biết sợ thì gia đình xin bảo lãnh về". Ra khỏi cửa, ba tôi không quên nháy mắt với thầy giáo và bác bảo vệ thay lời cảm ơn.
Anh Thành về nhà, đang ăn cơm thì ngoắc chị Mai và tôi ra một góc, hỏi mượn mấy cái áo. Chúng tôi hỏi anh mượn làm gì thì anh nhất định không nói. Ăn xong một lúc thì ba tôi gọi: "Thành đâu, ra đây!". Bữa ấy, ba tôi đánh anh Thành nhừ đòn, phải tới hai chục roi. Tôi thương anh quá khi nghe thấy tiếng roi quất vun vút lẫn trong tiếng anh Thành năn nỉ: "Con lạy ba rồi. Con lạy ba rồi". Lát sau được tha, anh Thành lại gọi riêng hai chị em tôi, rồi rút mấy cái áo trong người ra trả. Anh nói: "May mà lót mấy thứ này chứ không đêm nay lại phải nằm sấp để ngủ".
Trong mắt những người hàng xóm, ba tôi là người có tính cẩn thận và chỉn chu. Cậu hàng xóm tên Trần Hồng Quân mới đây đã kể lại, trong ký ức của cậu, ba tôi vì nghiện cà phê nên ông thường tự rang và xay lấy. Hồi đó vào cuối những năm 70, anh Thành nhà tôi còn chưa lấy vợ, anh Sơn vừa lập gia đình, còn anh Văn đang luyện tiếng Nga để đi Liên Xô. Khoảnh sân trước nhà anh Sơn còn rộng rãi nên ba tôi trồng một giàn nho và ở giữa có một cây, không rõ là cây gì, chỉ nhớ rằng đó là cây tán thấp. Những ngày hè, ba tôi rất chăm tưới cây, khi rảnh rỗi, ông cũng thường nằm đọc báo dưới tán cây này, tay phe phẩy quạt nan. Cũng chính nơi đây, ông hay ngồi rang cà phê. Mỗi lần rang, ba tôi thường kéo một cái lò nhỏ, bỏ cà phê hạt vào và rang nhỏ lửa trên một chiếc nồi than hoa. Dụng cụ rang cà phê của ông nhìn rất lạ, nó giống cái khoang máy giặt bây giờ, nhỏ thôi, bằng đồng mà ông giữ gìn rất cẩn thận. Mỗi lần ba tôi rang ít cà phê một, khoảng hai bát ăn cơm, quay nhẹ và đều tay dưới than hồng.
Một lần, vào ngày cuối tuần, cậu bé Quân hàng xóm đã qua nhà bạn chơi, đúng lúc gia đình bạn mở hũ rượu rắn, lấy rượu và bỏ bã. Đó là những con rắn đã được ngâm hàng năm trời, nên Quân xin một con về nghịch, vốn chỉ tính mang đến lớp dọa bọn con gái. Khi mang về nhà thì gặp "Tướng" Thành ở ngoài cửa. Gặp "Tướng", tụi trẻ ngày ấy thường phải đứng nghiêm chào, nhưng lúc đó tay của Quân bị vướng cái túi rắn nên "Tướng" đã kiểm tra và tịch thu, nói rằng để trưng dụng cho... tác chiến. Nhìn thấy con rắn, "Tướng" khoái quá, bảo Quân, mày nghe lời tao thì tao thăng chức cho mày làm đại tá, còn không sẽ ăn đòn!
| Từ trái qua: Anh trai Hà Quang Tuyên, Ái Vân, vợ anh Hà Quang Hiến và cháu gái - con của anh Tuyên. |
Chiều hôm sau ba tôi lại vác lò ra rang cà phê, cậu bé Quân lại được ba tôi gọi quạt lửa dùm như mọi bữa. Đang lom nhom quạt, "Tướng" Thành vẫy Quân chạy ra ngoài. "Tướng" nói Quân "Mày cầm con rắn khô này, kín đáo bỏ đằng sau lưng của ông nhé. Mày còn nhỏ ông không nghi ngờ gì đâu!". Bé Quân định từ chối thì bị ông tướng búng một cái rõ đau cảnh cáo vào tai nên đành phải tuân lệnh.
Khi thấy Quân đã hoàn thành nhiệm vụ, anh Thành tôi la lớn: "Ba, ba, có con rắn kìa!". Ba tôi nháo nhác nhìn quanh và thấy con rắn, ông liền nhẩy phắt dậy, chúi đầu lao về phía trước, đá đổ cả lò than và cái nồi rang cà phê, than đỏ và cà phê văng tung toé khắp nơi, khói um hết cả lên. Sau đó, ba tôi lập cập đạp qua cả than, cả lò và những hạt cà phê đen, chạy quáng quàng ra đường, mặt hoảng hốt, miệng ú ớ. Trong khi đó, anh Thành tôi và đám trẻ đang đứng rình xem thì bò lăn ra cười. Nghe tiếng đổ vỡ ồn ào, mẹ tôi chạy từ trong nhà ra xem, thấy vậy cũng phì cười vì trò con trẻ dọa ba, nhưng khi thấy ông thất thần quay vào, khò khè khó thở vì quá sợ, thì bà lại nổi giận, quát ầm lên. Riêng anh Thành bị gọi vào nhà "sạc" cho một trận. Kể từ đó, mỗi khi rang cà phê, ba tôi cấm đứa trẻ nào lảng vảng lại gần. Riêng ông thì chuyển chỗ, ngồi sát tường cho an toàn, mặc khói bay cay xè mắt...
Trong thời gian chiến tranh, gia đình tôi sơ tán rất nhiều nơi như Hòa Bình, Hà Bắc, Sơn Tây, Hưng Yên. Nhờ những người nông dân chất phác và tốt bụng mà hầu hết những nơi chúng tôi đến ở nhờ đều được gia đình chủ nhà dành cho những chỗ ở cũng như mọi tiện nghi tốt nhất mà họ có. Tôi vẫn còn nhớ gian giữa của căn nhà mà cả gia đình tôi đã tới ở nhờ tại Hà Bắc. Chủ nhà đã nhường cho khách vị trí tốt nhất trong nhà, còn gia đình họ thì ở hai chái bên cạnh, nhỏ hẹp vô cùng.
Trong lúc má tôi và anh Văn suốt ngày bận rộn tập vở diễn thì bố con, bà cháu tôi ở nhà lo ổn định cuộc sống gia đình. Hàng ngày khi bà ngoại nấu ăn, ba tôi cùng tôi và Ái Xuân đi khênh nước đổ đầy vào cái lu đặt ở ngoài sân. Thông thường thì khoảng 14 thùng đã đầy lu rồi, nhưng vì cả 3 bố con đều lóng ngóng chẳng biết làm sao nên cứ xách từng thùng một, rất mất thời gian. Một bữa ba bảo, thôi hai đứa ở nhà, để mình ba đi gánh nước cho nhanh. Ba đi được một lát, tôi nghe thấy tiếng gọi: “Vân - Xuân ơi, ra giúp ba với! ”. Chạy vội ra, chúng tôi vừa buồn cười vừa thương khi thấy ba đang còng gập người xuống, cái đòn gánh đang bập bềnh ở giữa lưng. Khổ quá, người ta gánh nước bằng vai, còn ba tôi thì "cõng" nước bằng đòn gánh trên lưng, làm gì mà chẳng đau. Thương ba quá, bữa sau tôi quyết một mình đi gánh nước. Lúc đầu cũng chỉ gánh được một nửa thùng thôi, sau quen nặng được thì phăm phăm hai bên hai thùng đầy về nhà. Từ đó, tôi trở thành người đảm trách việc gánh nước đổ vào lu.
Những khi trời đổ mưa, các cô chú trong Đoàn cải lương Nam bộ cùng sơ tán ở gần đó bèn đi bắt cóc, nhái, ếch để cải thiện bữa ăn. Mới đầu, chúng tôi sợ không dám ăn. Sau, được anh Văn nhử bằng một cái đùi xào lăn thấy thơm quá, thì thích mê. Vậy là lũ trẻ chúng tôi được giao nhiệm vụ hàng ngày làm thịt cóc, thịt nhái. Làm thịt cóc là cực nhất. Trước tiên do cảm giác ghê ghê vì nhựa cóc, sau là phải hết sức cẩn thận và thật tinh mắt, khi tách gan và mỡ không được sót bất kỳ một cái trứng cóc nào. Chỉ cần dính một quả trứng cóc bé tí xíu thôi mà ăn vào sẽ ngộ độc chết ngay lập tức.
Hồi ấy, Đoàn cải lương Nam bộ đi sơ tán đến đâu, lúc đầu còn nghe thấy tiếng ếch nhái kêu râm ran, chỉ một thời gian sau là thấy im thin thít hết, bởi tất cả đã theo nhau vào nồi rồi. Khi cóc, nhái, ễnh ương chẫu chuộc đã hết thì bắt đầu chuyển sang đến món ốc sên. Thú thật, ếch nhái tôi còn thấy ngon, chứ ốc sên thì quả thật là khó nuốt. Đặc biệt nhớt của ốc sên là nỗi ám ảnh của tôi cả những năm về sau. Sợ lắm! Nhưng dù sao cũng phải công nhận những món "đặc sản quê" đầy sáng tạo bắt nguồn từ các cô chú trong Đoàn cải lương Nam bộ hồi ấy cũng giúp lũ trẻ đang tuổi lớn chúng tôi có thêm khẩu phần đạm trong bữa ăn vốn nghèo nàn toàn rau xanh...
| Ca sĩ Ái Vân. |
Ở nơi sơ tán mới, bà ngoại còn học được cách làm nước mắm cua. Cua được ướp trong 3 tháng với muối là thành nước mắm. Màu nước mắm cua vàng ươm, đẹp vô cùng. Ở nơi sơ tán thiếu thốn, nước mắm cua cũng trở thành món ăn đặc sản hiếm hoi, quý giá.
Lúc này anh Thành, Ái Xuân và tôi chỉ khác lũ trẻ con nhà quê ở mỗi điểm là quần áo lành lặn hơn, có màu sắc rực rỡ hơn. Ngoài ra thì đứa trẻ nào cũng chân đất đi câu cá, cất vó tôm, đến mùa gặt thì đi mót thóc, xem đập lúa hay xay lúa, giã gạo. Ngày mùa, làng trên xóm dưới rộn ràng, thích nhất là sân đình những đêm trăng đập lúa. Dù lúc ấy tôi thấy khắp người cứ nổi mẩn ngứa điên vì dậm thóc nhưng chỉ cần dội xong vài gáo nước giếng là khỏe liền. Thỉnh thoảng, bác chủ nhà luộc một rổ khoai lang, khoai sọ, cả nhà lại trải chiếu giữa sân ngồi ăn khoai uống nước chè tươi, nói chuyện, vãn gió. Gió mát hiu hiu, nhiều bữa chúng tôi ngồi hóng chuyện người lớn mà nằm lăn ra ngủ say lúc nào không biết.
Ở quê, thấy đám trẻ địa phương bơi lội thoăn thoắt dưới ao nên tôi muốn học bơi lắm. Nghe mọi người nói chỉ cần cho chuồn chuồn cắn rốn là bơi tốt ngay. Vậy là tôi bắt luôn một con chuồn chuồn ngô to tướng, răng thật sắc và để vào rốn cho cắn, đau không chịu nổi. Xong, tôi ôm chặt đầu gối nhảy xuống ao, thấy lưng nổi lên mặt nước thì chắc mẩm phen này là bơi ngon lành! Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chưa kịp sải tay bơi được nhát nào bỗng tôi thấy một con đỉa to bám chặt vào thành bụng. Sợ chết khiếp, nhìn quanh cả ao chỉ có một mình tôi tập bơi, không cầu cứu được ai, đành lấy khăn dứt mạnh con đỉa ra rồi chạy một mạch về nhà. Từ nơi miệng đỉa cắn, máu chảy không cầm nổi. Vừa nhìn thấy má, tôi khóc òa lên. Vậy là kết thúc mộng học bơi trong... máu và nước mắt!
Lần sơ tán tiếp theo về Hưng Yên thì gia đình tôi ly tán. Ba tôi và hai cô con gái, Ái Vân - Ái Xuân ở xã Lạc Đạo vì ở đó mới gần trường cấp một, còn má tôi, anh Văn và em út Ái Thanh thì ở xã Như Quỳnh, nơi Trường sân khấu được sơ tán về. Thời gian này, má và anh Văn đã về trường dạy học. Cứ một, hai tuần, ba lại đưa chúng tôi sang Như Quỳnh để thăm má. Khi đi thì như ngày hội, lúc về thì ủ ê như con gà rù.
Má ở chùa Nôm xã Như Quỳnh. Mỗi khi đi qua chiếc cầu đá với những viên đá xanh mát mịn là biết sắp đến chùa Nôm, hai chị em đạp dấn xe vọt lên trước để mau đến gặp má. Má đón chúng tôi bằng tình yêu thương qua những món ngon nhất có thể. Má nấu cả chè chuối theo kiểu người Nam, bên trên rắc lạc rang thơm phưng phức.
Có khi chúng tôi tới vào ngày Rằm hay Mùng Một thì lại được xem đóng oản và hưởng lộc của nhà chùa. Trong chùa có gian phòng nhỏ luôn đóng kín. Tò mò, tôi nép mình nhìn qua khe cửa. Phát hiện ra trong phòng, rất nhiều người đang lên đồng. Các bà, các cô mặc quần áo sặc sỡ và phấn son lòe loẹt. Người nhập đồng mặt đỏ lựng, say trầu, say thuốc và say cả không gian mờ ảo của đồng, của cốt trong tiếng nhạc khi khoan nhặt, lúc rộn ràng đầy hưng phấn và thăng hoa của các cô đồng, cậu đồng, của cung văn và những người hầu giá xung quanh. Tan buổi chầu, tôi bắt gặp các khuôn mặt đỏ bừng của các bà, các cô, điều đó luôn khơi dậy trong tôi sự tò mò khủng khiếp!
Còn tiếp...
Sources: giadinh |
|
|