Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Ca Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Ca Sĩ » Nhạc Bolero - Thể Loại Dễ Nghe Nhưng Khó Hát Ca Sĩ: Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Phương Dung    
Ngày Đăng: 05 Tháng 05 Năm 2015

Ca từ giản dị, giai điệu sâu lắng khiến nhạc Bolero được nhiều người nghe và hát theo. Nhưng cách dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng khi biểu diễn thể loại này lại là một thách thức với nhiều ca sĩ.

Bolero là thể loại nhạc trữ tình với giai điệu chậm, có xuất xứ từ các nước Latin. Thể loại này bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 với tên gọi bình dân như nhạc "sến", nhạc "nước máy". Theo nhạc sĩ Đức Trí, nếu âm nhạc hiện đại gọi nhạc trữ tình là Ballad thì đối với các nước Latin, nhạc trữ tình gọi là Bolero.

"Các nhạc sĩ Việt Nam đã khéo kết hợp nhạc Bolero với các làn điệu dân ca truyền thống, tạo nên những giai điệu mượt mà, dễ đi vào lòng người. Có thể nói, Bolero giống như một sự cách tân nhạc cổ của người miền Nam", nhạc sĩ Bảo Thu nhận xét về nét đặc trưng của nhạc Bolero khi du nhập vào Việt Nam.

Sau thời kỳ hoàng kim vào thập niên 1980 - 1990, nhạc Bolero trở lại mạnh mẽ khi một số ca sĩ hải ngoại từng nổi tiếng với dòng nhạc này như Giao Linh, Chế Linh, Hương Lan... về nước biểu diễn. Từ chỗ được hát tại phòng trà và phát hành băng đĩa, nhạc Bolero được vinh danh trên những sân khấu lớn, trong các chương trình Sol Vàng, Tình khúc vượt thời gian. Giữa sự lên ngôi của nhạc trẻ, nhạc hiện đại, Bolero vẫn có chỗ đứng riêng bởi sự đồng điệu sâu sắc với nhiều thế hệ, tầng lớp khán giả.

Nhóm yêu nhạc Bolero hát bên mộ nhạc sĩ Anh Việt Thu trong ngày giỗ của ông.

Theo nhạc sĩ Đài Phương Trang, sở dĩ nhạc Bolero có sức sống lâu bền như vậy là do ca từ cũng như nhạc điệu mỗi bài hát dễ tạo nên cảm xúc khi nghe. Qua câu chuyện được kể trong từng tác phẩm, tình cảm và tâm tư của các nhân vật gặp được sự cộng hưởng của nhiều tâm hồn đồng điệu. "Trong bối cảnh xã hội trước và sau năm 1975, con người dù ở tầng lớp nào cũng chất chứa nhiều tâm sự. Những bản tình ca Bolero đã chạm được đến góc sâu kín nhất đó nên nhiều người, nhiều thế hệ nhớ và hát chúng", nhạc sĩ Đài Phương Trang nói.

Một nghệ sĩ hát rong cho biết, anh chọn loại nhạc này để mưu sinh trên đường phố và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân. "Nhạc Bolero hay và sâu lắng. Ở làng quê của tôi, người ta vẫn hát say sưa mà không sợ bị chê là hát nhạc 'sến'. Quan trọng là họ tìm thấy cái tình của họ, cuộc sống của họ trong đó", anh tâm sự.

Hồng Phúc, sinh năm 1992, người đứng đầu một nhóm yêu nhạc xưa chia sẻ, anh và các bạn thích nhạc Bolero vì lời ca giản dị, dễ hiểu, gần gũi với đời sống. "Từ chuyện tình yêu lứa đôi đến tình yêu quê hương, đất nước, các nhạc sĩ viết bằng cảm xúc của chính mình mà như nói hộ tâm trạng của nhiều người. Quan trọng là ai cũng có thể hát được loại nhạc này, hát hay hay không lại là một chuyện khác", Hồng Phúc cho biết.

Nhạc sĩ Bảo Thu từng đào tạo nhiều ca sĩ hát nhạc Bolero. Ông cho biết kỹ thuật dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng... rất quan trọng khi thể hiện một bài hát.

Một trong nhiều lý do tạo nên sức lan tỏa của nhạc "sến" chính là việc ai cũng có thể hát và chơi được nhạc cụ với Bolero. Tuy vậy, ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, Bolero dễ hát nhưng không phải ai hát cũng hay. "Từ hát được đến hát hay là cả một quãng đường dài mà nhiều người đi hoài, thậm chí cả đời cũng không tới", nữ ca sĩ từng nói.

Giới chuyên môn nhận định, Bolero là thể loại kén người hát bởi những đặc trưng riêng của nó.

Nhạc sĩ Y Vũ cho biết, Bolero khi du nhập vào Việt Nam mang nhiều đặc trưng giai điệu của hình thức ca vọng cổ miền Nam. Theo đó, cách hát cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng. Một trong những kỹ thuật hát vọng cổ là cách giữ hơi để xuống giọng cho "mượt". "Câu ca vọng cổ rất dài nên ca sĩ phải biết cách nín hơi để giữ giọng cho từng đó ca từ trong một quãng nhạc. Với Bolero cũng vậy, người hát cần sở hữu một làn hơi dài để tránh ngắt câu nhiều. Không những thế, họ cần biết dàn trải làn hơi một cách điêu luyện theo tiết tấu bài hát để không bị phô khi hát dài", nhạc sĩ cho biết.

Còn nhạc sĩ Bảo Thu nhận định, do ảnh hưởng của nhạc truyền thống miền Nam nên Bolero không có những tiết tấu trúc trắc hay những cú gằn giọng. Theo ông, hát nhạc Bolero giống như kể một câu chuyện tình, ca sĩ phải vừa nhập tâm vào nội dung bài hát, vừa phải điều khiển kỹ thuật để chuyển tải tốt nhất thông điệp về tình cảm của tác giả. "Ngoài chuyện điều khiển âm lượng to, nhỏ theo giai điệu, ca sĩ cần biết nhả chữ (lơi chữ) đúng điểm nhấn cảm xúc. Ngoài ra, người hát còn phải để ý đến kỹ thuật chuyển giọng giữa giọng ngực và giọng giả thanh. Người hát giỏi là không để khán giả nhận ra đoạn chuyển giọng của mình", Bảo Thu nói.

Chính kỹ thuật dàn hơi và nhả chữ khi hát Bolero tạo nên ở mỗi ca sĩ từng phong cách khác nhau.Nhạc sĩ Tuấn Khanh từng viết: "Sài Gòn vào những thập niên 1950 - 1960 có những lò luyện 'gà' ca hát thường là những thầy nhạc và thầy đàn có kinh nghiệm, biết cách bẻ giọng hát theo những kiểu luyến láy đặc biệt mà chỉ Bolero mới có. Cách thả chữ, xuống câu... luôn là phương thức để đánh giá trình độ hát và năng khiếu của người ca sĩ. Do đó Sài Gòn mới hình thành những cái tên khó ai quên như “nữ hoàng sầu muộn Giao Linh”, đã hát là như níu tim người vò xé, hay “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, tiếng hát bay bổng và dìu dặt khó quên".

Từ trái qua: ca sĩ Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Phương Dung trên sân khấu Sol Vàng.

Lý giải thành công của thế hệ ca sĩ hát nhạc Bolero sau này, Tuấn Khanh cho rằng, ngoài chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, các ca sĩ này còn sở hữu âm vực "bẹt" và chân chất của người miền Nam. Với trường hợp của Lệ Quyên, nhạc sĩ giải thích: "Lệ Quyên với cách pha trộn kiểu hát giọng Bắc hơi Nam, bỏ vào một ít kỹ thuật của phong trào thanh nhạc hôm nay. Nhờ đó tạo nên làn sóng thưởng thức mới, gom hết phần khán giả khó tính còn lại vào thánh đường cách tân của Bolero".

Người yêu nhạc Bolero cũng không khó để phân biệt giọng hát của mỗi ca sĩ. Thành viên có tên Sutherland chia sẻ trên một diễn đàn yêu nhạc xưa: "Dù sở hữu một giọng hát đẹp rực rỡ và một làn hơi dài đặc trưng, cô Hoàng Oanh không dàn trải hơi tốt như những người khác. Hương Lan là con của cố nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nên khả năng điều khiển làn hơi của cô gần như vô địch. Như Quỳnh điều khiển hơi rất lạ, nhiều chữ bị ngắt ra tưởng chừng như sắp đứt hơi, nhưng kỳ thực lại kéo dài vô tận".

Sources: vnexpress

Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Phương Dung
Tiểu Sử Phương Dung
Tiểu Sử Trang Mỹ Dung
Tiểu Sử Giao Linh
  » Chồng Danh Ca Giao Linh Qua Đời
  » Danh Ca Phương Dung: 'Ca Sĩ Mặc Hở Hang, Khêu Gợi Tôi Cho 0 Điểm'
  » Phương Dung: 'Thí sinh thi hát đừng vì danh hiệu'
  » Tuấn Vũ Kết Hợp Giao Linh Làm Đêm Nhạc
  » Phương Dung Từng Bị Thí Sinh Mắng Vì Là Giám Khảo Khó Tính
  » Nhạc Sĩ 'Chiều Mưa Biên Giới' Qua Đời
  » Giao Linh: 'Giờ Đi Hát Tôi Luôn Mang Thuốc Trợ Tim Bên Người'
  » Phương Dung Kể Chuyện Tình Buồn Của Nhạc Sĩ Anh Bằng
  » Phương Dung Chê Người Đẹp Hát Bolero Đơn Điệu
  » Phương Dung Muốn Tặng Thí Sinh Hát Bolero 100 Điểm
  » Danh Ca Giao Linh Tái Xuất Sau Phẫu Thuật Nhồi Máu Cơ Tim
  » Bolero - Thể Loại Xưa Gây Tranh Cãi Chuyện Nhạc Việt Tiến Hay Lùi
  » Danh Ca Giao Linh Tạm Nghỉ Hát Vì Nhồi Máu Cơ Tim
  » Giao Linh Từng Mất 48 Lần Thu Âm Một Ca Khúc
  » Chồng Giao Linh Ngồi Ghế 'Nóng' Đoán Giọng Của Vợ
  » Ca Sĩ 9x Bị Chê Khi Hóa Thân Thành Giao Linh
  » Trang Mỹ Dung: 'Giờ Tôi Đi Hát Không Phải Vì Tiền'
  » Đức Huy, Phương Dung Tranh Cãi Khi Ngân Quỳnh Hát Sai Lời
  » Giao Linh Kể Chuyện Tình Với Người Chồng Ba Đời Vợ
  » Ngày Ấy - Bây Giờ Của Những Nữ Danh Ca Sài Gòn
  » Phương Dung Rưng Rưng Trước Giọng Ca Của Chi Dân
  » Phương Dung Không Chấp Nhận Thí Sinh Hát Sai Lời
  » Ý Lan Diện Áo Dài Trễ Vai
  » Chế Linh Song Ca Với Phương Dung
  » Hồng Ân Mời Bốn Danh Ca Hải Ngoại Song Ca