Ngày Đăng: 17 Tháng 03 Năm 2016 Trần Lập đã trải qua tuổi thơ túng quẫn, tuổi trẻ bươn chải khẳng định bản thân, tuổi trung niên kiên cường chống chọi ung thư và để lại cho đời tinh thần âm nhạc đầy lạc quan.
Nhạc sĩ Trần Lập qua đời mang đến niềm hụt hẫng trong lòng hàng triệu người hâm mộ, gia đình và bạn bè của anh. Trái với những lo lắng, xót xa của người thân, suốt 4 tháng kiên cường chiến đấu cùng căn bệnh ung thư trực tràng, Trần Lập vẫn giữ được cho mình niềm lạc quan đến những ngày cuối cùng. Trong thái độ bình tĩnh cho đến tận giai đoạn cuối đời của anh toát lên niềm tin, sự hy vọng và sự trân trọng từng khoảnh khắc quý giá của cuộc sống. Đúng với tinh thần mà các bài hát của Bức Tường - nhóm nhạc anh làm thủ lĩnh - truyền tải.
| Trần Lập và những người bạn trong nhóm Bức Tường. |
Trần Lập sinh năm 1974, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình nghèo đông anh em. Những năm đầu thập niên 1990, khi bước sang tuổi 17-18, Trần Lập - với ước mơ ca hát nảy nở từ bé cùng tình yêu nhạc Rock - đã hướng tới một khát khao rõ ràng hơn: trở thành ca sĩ và có một ban nhạc riêng. Tuy vậy, cuộc sống khó khăn không phải là mảnh đất tốt lành để nuôi dưỡng những "mầm" ước mơ trong anh.
Hồi ấy, nam ca sĩ sống cùng cha mẹ sống trong căn hộ 16 mét vuông của một khu tập thể xập xệ ở quân khu Nam Đồng. Bố anh bị liệt nửa người do tai biến, trong khi mẹ cũng gần như bại liệt vì căn bệnh thấp khớp mãn tính. Gia đình đông con, các chị đều đương phải mưu sinh ở nước ngoài, anh trai có cuộc sống riêng cần lo toan. Cậu em út Trần Lập gần như phải tự lập hoàn toàn từ cơm nước, nhà cửa đến chăm sóc vệ sinh cho bố mẹ ốm. Ngay cả chuyện bươn chải cơm áo gạo tiền cho gia đình, đích thân anh cũng phải tự làm, dù chỉ đang ngồi trên ghế nhà trường.
Anh tâm sự nhiều khi nhìn cảnh nhà u tối, rồi lại nhìn sang cuộc sống vô tư của bạn bè đồng trang lứa mà không tránh khỏi những suy nghĩ bồng bột của tuổi mới lớn. Nhiều lúc túng quẫn quá, Trần Lập chỉ muốn tung hê hết tất cả, "nhảy béng từ tầng ba xuống cho xong hết những cục uẩn ức, nặng nề". Nhưng vì thương bố mẹ, nam ca sĩ lại gồng mình vừa đi học, vừa chăm sóc gia đình rồi vừa tìm cách kiếm tiền. Lơ ngơ bước vào đời, Trần Lập đều xắn tay vào hết mọi việc có thể làm. Có những công việc đẩy anh đứng ở ranh giới sáng - tối, chỉ cần sảy chân là cuộc đời rẽ sang ngõ tối.
Đến khi lớn hơn, Trần Lập dần tự tìm thấy lối đi cho mình. Anh khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật khi theo học lớp kỹ thuật biểu diễn và thanh nhạc của khoa Sân khấu, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 1993. Anh cũng theo học và tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2001.
| Trần Lập có sự chín chắn từng trải nhưng cũng có chút ngạo nghễ bất cần. |
Năm 1994, anh cùng một số bạn hữu thành lập ban nhạc Rock Bức Tường và giữ cương vị thủ lĩnh. Ban nhạc do Trần Lập đứng đầu có thể coi là "anh cả" trong làng nhạc Rock Việt. Bức Tường không theo đuổi hình ảnh của kẻ chơi Rock màu mè và phù phiếm. Trần Lập và những người bạn bước vào cuộc chơi âm nhạc một cách bụi bặm và giản dị. Âm nhạc của họ khiến khán giả mọi lứa tuổi dễ dàng chấp nhận chứ không chỉ giới trẻ. Sức hút này chỉ có thể được lý giải từ việc đằng sau sự gai góc, các bài hát của Trần Lập và Bức Tường mang thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Trần Lập được ví von như linh hồn của Bức Tường. Anh đảm nhận vai trò sáng tác và hát chính với hơn 30 ca khúc được đông đảo khán giả yêu mến như Tâm hồn của đá, Mắt đen, Cây bàng, Bông hồng thủy tinh... Mọi nét đặc trưng trong âm nhạc Bức Tường đều hội tụ ở con người Trần Lập. Đó là chất rock bụi bặm nhưng giản dị. Đó còn là tinh thần lạc quan lồng ghép trong từng ca từ, giai điệu. Các sáng tác của Trần Lập cũng giống như con người anh, vừa có sự chín chắn từng trải của người đàn ông trưởng thành, vừa có sự ngạo nghễ bất cần của các chàng trai trẻ.
Lúc sinh thời, Trần Lập từng trải lòng: "Thực sự chúng tôi rất cần tiền để tiêu xài, mua biệt thự, hưởng thụ những thành quả mà mình đã cống hiến suốt 20 năm cho âm nhạc. Chúng tôi cũng muốn có tiền tái đầu tư cho âm nhạc, xây phòng thu, để các thành viên của Bức Tường không phải bôn ba nhiều nơi để kiếm tiền. Nhưng chúng tôi không có nó. Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là tình yêu âm nhạc". Dường như "chặng đường" âm nhạc nhiều chông gai mà Trần Lập đã trải bước hơn hai thập kỷ vừa qua cũng đã có lúc khiến anh đau đớn. Dù có thế nào, anh vẫn vững vàng với một niềm tin sắt son vào đam mê dành cho âm nhạc.
| Trần Lập ra đi để lại sự tiếc nuối cho người hâm mộ cũng như bạn bè, người thân. |
Khi biết tin Trần Lập mắc bệnh ung thư, trong lúc gia đình, bạn bè và người hâm mộ đứng ngồi không yên, chỉ người thủ lĩnh Bức Tường bình tĩnh đối mặt. Căn bệnh đã ủ trong cơ thể anh được thể ba năm. Lúc phát hiện, bệnh ung thư đã sang giai đoạn cuối. Anh sụt 6 kg trong một tháng, Trần Lập cũng chỉ phản ứng bằng sự bình tĩnh đến ngạc nhiên. Anh quyết định phẫu thuật. Chỉ hai ngày sau, ca mổ được tiến hành.
Bước ra khỏi cuộc phẫu thuật, Trần Lập vẫn phải gánh chịu những cơn đau không dứt từ tác dụng phụ của thuốc đến sự dày vò của bệnh tật. Giọng hát anh yếu đi hẳn, cơ thể sinh quá nhiều hạch khiến đôi chân mất khả năng đi lại một thời gian. Hàng đêm, nam ca sĩ cũng phải cố nhắm mắt để tìm đến cơn mơ trong khi tâm trí đang cố quên đi cơn đau quằn quại phát ra từ ổ bụng.
Nhưng suốt thời gian mệt mỏi ấy, ít người thấy Trần Lập kêu than. Tất cả những gì khán giả thấy chỉ có một nụ cười. Trên trang cá nhân, người hâm mộ cũng chỉ nhin thấy hình ảnh anh vui cười trong những chuyến đi hay tưởng tượng về điều tốt đẹp sẽ xảy ra khi mình khỏi bệnh. Anh tìm đến những cuốn sách, tìm về Phật pháp để giúp mình củng cố thêm niềm tin.
Anh cũng sớm gọi các con lại, nhẹ nhàng nói về bệnh tình của mình, và khẳng định chắc nịch: "Bố có thể chiến đấu được" để trấn an các con. Nam ca sĩ đã cùng vợ cố gắng để các con được sống trong một môi trường bình thường nhất có thể. Anh không muốn khi lớn lên, các con mình bị ám ảnh bởi những tháng ngày với người cha ủ ê bên giường bệnh. Và điều quan trọng hơn cả, trước mắt, anh vẫn còn đó một gia đình với người vợ kiên cường và luôn ủng hộ anh trong mọi chuyện.
Đầu năm 2016, khán giả vẫn thấy hình ảnh một Trần Lập hết mình với âm nhạc trên sân khấu liveshow Đôi bàn tay thắp lửa. Người hâm mộ được nghe lại những Mắt đen, Bông hồng thủy tinh, Tâm hồn của đá... đình đám một thời qua giọng hát không còn sung sức của anh. Hàng nghìn người hâm mộ rớt nước mắt khi chứng kiến những lời xúc động của con người sắp ra đi ấy khi anh hát tặng vợ ca khúc Mắt đen. Trong thời gian chữa bệnh nhiều khó khăn, Trần Lập vẫn trích 100 triệu đồng thu được từ liveshow để hỗ trợ các em nhỏ bị ung thư tại một bệnh viện ở Hà Nội. Tấm lòng của anh khiến khán giả vừa xót xa, vừa nể phục.
Trần Lập đã ra đi nhưng âm nhạc và tinh thần sống lạc quan của anh vẫn còn vang vọng mãi. Như tác giả của cuốn Rong chơi - Trần Lập, Rock, mô tô và những cung đường viết: "Đâu phải tự nhiên mà đối với chuyện đi, anh thường nhắc lại một điều: 'Đi là để trở về'. Trở về để thấy trân trọng hơn ngôi nhà mình đang có, với chiếc giường êm, những đứa trẻ quấn quýt vui vầy, với một người vợ đảm đang, luôn hết lòng tin tưởng mình". Có lẽ, sự ra đi vĩnh viễn của Trần Lập cũng chỉ là sự trở về. Đó là cuộc trở về với yêu thương, trở về những chính những gì mình từng sống và tin tưởng.
Sources: Vnexpress |