Ngày Đăng: 28 Tháng 09 Năm 2015 Sẽ có 100 tượng nghệ sĩ bằng sáp được dựng để tôn vinh công lao đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà
15 bức tượng sáp đầu tiên trong số 100 tượng của nghệ sĩ sân khấu được dựng tại nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ thuộc dự án Tổ đình sân khấu do nghệ sĩ Hoài Linh chủ trì đang được thực hiện. Theo kế hoạch, 100 tượng này sẽ được trưng bày ở nhiều nơi trước khi được trưng bày cố định tại Tổ đình sân khấu.
Đồng cảm sâu sắc
Không được đào tạo qua trường lớp nhưng bằng niềm đam mê và suy nghĩ phải tạo dựng công nghệ làm tượng sáp Việt, 2 nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Thái Ngọc Bình đã trở thành những người đầu tiên đưa loại hình mỹ thuật này về Việt Nam với việc thành lập Công ty CP Tượng sáp Việt, đồng thời triển khai dự án thực hiện hơn 100 bức tượng nghệ sĩ sân khấu đã có nhiều công lao cống hiến tài nghệ cho nước nhà, qua đó biểu thị tấm lòng biết ơn tiền nhân.
| Ảnh lớn: Anh Thái Ngọc Bình và nghệ sĩ Thanh Sang trong ngày lấy các thông số để đúc tượng Ảnh nhỏ: Khuôn mặt của soạn giả Viễn Châu đã được đúc xong |
Danh hài Hoài Linh cho biết để có được thành quả như hôm nay, 2 anh Đông và Bình đã trải qua hơn 12 năm tìm hiểu từ các viện bảo tàng sáp quốc tế, internet, sách báo... để đúc kết kỹ thuật làm tượng sáp. Đến năm 2013, họ mới tạo hình thành công tượng sáp đầu tiên của mình. “Khi họ bày tỏ ý định thực hiện công trình tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam nhằm tri ân những tài năng nghệ thuật đã có nhiều công lao phục vụ công chúng và ghi tạc dấu ấn đậm nét của họ trong đời sống văn hóa nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, chúng tôi đã có sự đồng cảm sâu sắc nên đôi bên bắt tay tiến hành công việc ngay” - danh hài Hoài Linh cho biết.
Ứng dụng công nghệ Việt
Theo nhà điêu khắc Thái Ngọc Bình, tượng sáp là loại hình mỹ thuật còn khá mới mẻ ở Việt Nam song trên thế giới, loại hình này đã xuất hiện từ rất lâu và mỗi quốc gia đều có bí quyết riêng trong quá trình sản xuất và bảo quản. Theo giới chuyên môn, tượng sáp được xem là tinh hoa trong lĩnh vực điêu khắc tạo hình. Do yếu tố bí truyền về nguyên liệu chế tác nên việc làm tượng sáp chỉ mới phổ biến tại một số ít nước trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... Người Việt Nam muốn có tượng sáp phải nhập từ nước ngoài với mức giá rất cao, từ 1.200 USD/tượng trở lên.
| Ba tượng sáp gồm Bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thứ, nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được Công ty Tượng Sáp Việt hoàn tất khâu thành phẩm. |
“Chính vì thế, hành trình 12 năm đi tìm công nghệ làm tượng sáp quả thật rất chông gai đối với chúng tôi. Nay nhận được sự tín nhiệm của nghệ sĩ Hoài Linh, sản phẩm của chúng tôi nhờ vậy có được đầu ra nên chúng tôi an tâm đầu tư vốn để thiết kế, sản xuất thành phẩm” - nhà điêu khắc Thái Ngọc Bình nói.
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông cho biết để tạo hình được một tượng sáp, người tạo tác cần hơn 500 số đo từ người thật. Với người đã khuất thì họ cần phải có rất nhiều ảnh để có thể đo đạc tạo hình mẫu. Sau đó, họ phải mất khoảng 2 tháng để cho ra đời 1 bức tượng sáp. Các tượng sáp người thường có tỉ lệ 1:1 tức là giống với người thật. Để lột tả được thần thái của tượng sáp giống như người thật, các bộ phận tượng cũng phải được làm từ vật liệu tốt như tóc thật, mắt y tế, răng nha khoa, bàn tay và bàn chân đều được làm mềm để khi mọi người chạm tay vào có thể có được cảm giác như thật. Chính vì những đặc điểm đó mà tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam sẽ có những nét riêng so với tượng sáp trên thế giới. “Để độ chính xác đạt ở mức rất cao và ngoại hình tượng gần giống như thật đòi hỏi người làm nghề tạo hình tượng sáp phải cẩn thận, tỉ mỉ. Quan trọng hơn hết vẫn là năng khiếu, niềm yêu thích sân khấu của người tạc tượng để có thể cảm nhận về thần thái của mỗi nghệ sĩ, từ đó “thổi hồn” vào từng bức tượng” - điêu khắc gia Nguyễn Văn Đông nói.
Anh Đông còn cho biết các nghệ sĩ tiền bối mà họ dự định sẽ đúc tượng để tri ân công đức như Phùng Há, Năm Châu, Năm Đồ, Bảy Nam, Trần Hữu Trang, Thanh Nga, Ba Vân, Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang... rất cần nhiều hình ảnh, tư liệu để có thể đặc tả cốt cách của từng nghệ sĩ trong cuộc sống và trên sàn diễn.
Công trình đáng ghi nhận
15 nghệ sĩ đầu tiên đã được mời đến để đo các thông số, trong đó có Viễn Châu, Kim Cương, Thanh Tòng, Châu Thanh, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Cẩm Tiên, Hữu Châu, Hoài Linh, Trọng Hữu, Hồng Vân...
Nói về việc đúc tượng này, nghệ sĩ Thanh Tòng bày tỏ: “Theo tôi, đây là công trình đáng ghi nhận khi những người trẻ, trong đó có Hoài Linh, muốn tri ân công lao của tiền nhân. Mong muốn lớn nhất của tôi là công trình sẽ lưu giữ những giá trị nghệ thuật bên cạnh tượng sáp”.
Danh hài Hoài Linh cho biết: “Để khác với các công trình tượng sáp về danh nhân văn hóa, các chính trị gia, tượng sáp nghệ sĩ theo tôi cần đặc tả thông qua vai diễn nổi tiếng của họ. Tượng đặt trong khu trưng bày với cảnh trí sân khấu cải lương xưa, ánh sáng được thiết kế như một rạp hát của giai đoạn 1960-1970, trên đó các tượng sáp được đúc theo nhân vật mà họ đang hóa thân, âm nhạc đặt trong khu trưng bày này cũng rất đặc trưng, đó là âm nhạc ngũ cung và trích đoạn các bài bản, bài ca cổ nhịp tư, nhịp tám thật xưa. Chúng tôi sẽ có sự thống nhất trong trưng bày để từng khu trưng bày mang ý nghĩa riêng biệt, gợi cho khán giả nhiều cảm xúc khi đến thưởng lãm”.
Tượng sáp nghệ sĩ Việt khi trưng bày sẽ là điểm đến cho du khách và khán giả yêu thích sân khấu, nghệ thuật. Theo Hoài Linh, mỗi lần đặt thêm 1 tượng sáp mới vào khu trưng bày, anh sẽ tổ chức lễ đặt tượng, giới thiệu về thân thế nghệ sĩ đó qua các vai diễn, vở tuồng nổi tiếng của họ ngay tại nơi trưng bày. Dự án này còn nhằm mở rộng cánh cửa quảng bá, giới thiệu nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến giới trẻ, góp phần xây dựng điểm hẹn văn hóa nghệ thuật mới tại TP HCM.
Mong ước có bảo tàng bằng tượng sáp
Anh Thái Ngọc Bình chia sẻ: “Chúng tôi mong ước có điều kiện mở một bảo tàng trưng bày nét văn hóa của 54 tộc người Việt Nam thông qua hình ảnh tượng sáp. Mục đích của tôi là quảng bá hình ảnh, giới thiệu những nét đẹp về sinh hoạt, văn hóa của các dân tộc anh em cho đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến”.
Sources: Nld |