Ngày Đăng: 09 Tháng 02 Năm 2014 Năm 2010, NSND Diệp Lang cùng vợ là bà Thu Phong lặng lẽ ra sân bay sang Mỹ khiến nhiều khán giả ngẩn ngơ thương tiếc. Năm nay, hai ông bà về nước ăn tết với những điều đáng mừng cho tuổi già xế bóng…
| NSND Diệp Lang vai Nguyễn Du trong vở Kim Vân Kiều - Ảnh: H.K |
Thật sự năm đó NSND Diệp Lang phải “trốn” khán giả để đi, bởi chỉ cần biết tin là mọi người sẽ kéo tới đưa tiễn rầm rộ. Ngay cả người thân và báo chí cũng không được biết nhiều. Và thấm thoắt đã 4 năm… Nhìn thần sắc hai ông bà, tôi không khỏi ngạc nhiên. Trắng, hồng hào, thon thả, tiếng nói khỏe khoắn. Hóa ra, ông bà ở tại TP.San Diego, căn nhà cất trên một vùng cao ráo và mát mẻ tựa Đà Lạt, khí hậu trong lành, ăn uống đầy hoa trái thơm ngon... Buổi sáng ông bà đi dạo như tập thể dục, sức khỏe rõ ràng cải thiện, được hỗ trợ điều trị bệnh miễn phí, không phải lo lắng gì về tiền bạc nên đầu óc cũng nhẹ nhàng phấn khởi. Bởi vậy, dù ông 74 tuổi, còn bà 62, nhưng bây giờ lại thấy trẻ ra.
Nhớ “mùi Việt Nam”
Và gia đình hạnh phúc của ông bà đáng cho người ta ngưỡng mộ. Cô con gái Thanh Tuyền mở tiệm nail rất đắt khách, chàng rể có nghề thợ bạc, hai cháu ngoại đứa lên 7 đứa lên 5 ngoan hiền xinh xắn. Sáng các cháu đi học, chiều cha mẹ chở về giao cho ông bà ngoại, rồi đi làm tiếp tới 7 - 8 giờ tối. Hai ông bà chăm cháu thật chu đáo, và dạy tiếng Việt cho cháu. Ông kể: “Có lần tôi nói con đừng có bê bối nghen. Nó hỏi bê bối là gì vậy ông? Thế là phải tìm từ ngữ giải thích. Mình ráng dạy tiếng Việt cho cháu kẻo nó vô trường nói tiếng Anh riết rồi quên gốc tích quê hương. Lần trước tôi về quê gần một tháng, trở qua là tụi nhỏ nói cứng giọng liền”.
| Vợ chồng NSND Diệp Lang - Thu Phong |
Chỉ có điều, xứ lạ vẫn không thể giống hẳn quê nhà. Dù bên đó có đủ thức ăn Việt, từ phở tới hủ tiếu, rau thơm, nước mắm…, nhưng ông nói “vẫn không có cái mùi Việt Nam”. Ông từ tốn: “Bây giờ sức khỏe mới là quan trọng nhất đối với chúng tôi, được điều trị ổn định như vầy là vui lắm rồi, mấy thứ khác đều chịu được hết”. Nói vậy chứ khi vừa xuống xe bước vào căn nhà quen thuộc ông bà đã chảy nước mắt. Gian phòng vẫn y như cũ, phố xá vẫn thân quen, hàng cây vẫn rủ bóng bên quán cà phê vỉa hè… Quê hương là không gì thay thế được, nên ông bà vội về Đồng Tháp thăm làng Bình Tiên của mình, nơi ngày xưa ông lẽo đẽo theo ông nội đi ăn hủ tiếu, nghe đọc thơ, đọc chữ Hán, nghe tiếng đờn kìm của cha buồn buồn trôi vào đêm vắng… Ông ngậm ngùi: “Mình không hay mình già. Chớp mắt mà thất thập cổ lai hy…”.
Nỗi niềm sân khấu
Và ông dường như vẫn chưa thôi khắc khoải về nghệ thuật cải lương. Thực ra khán giả và bầu sô bên Mỹ nghe ông qua định cư thì mừng lắm, có đánh tiếng mời ông biểu diễn. Nhưng ông từ chối, vì sức khỏe tuy ổn định nhưng không bảo đảm an toàn khi ông bước lên sân khấu. Nhưng ông bất ngờ hỏi tôi: “Có nên đi diễn không hả Hoàng Kim?”. Câu hỏi không chờ câu trả lời, mà thật sự chính là nỗi niềm bâng khuâng nhớ nghề của ông. Ông chưa bao giờ dám nói hai chữ “bỏ nghề”, vì đó là điều kiêng kỵ của nghệ sĩ, mà chỉ như người tạm ẩn mình chờ đợi. Chờ tới bao giờ thì chưa biết được…
Nhưng ông có chút niềm vui là con trai ông đã nối tiếp con đường nghệ thuật của ông. Tết này về nước ông kịp đi xem vở kịch Kỳ án 292 do Diệp Tiên viết kịch bản và đạo diễn tại Sân khấu Phú Nhuận. Dù khiêm tốn nhưng ông vẫn nói thật là thấy con có khả năng, có hy vọng phát triển. Ông nói: “Anh chị nó rất cần nó sang phụ giúp, nhưng thôi nó mê nghề quá cứ để nó làm cho thỏa”. Nói gì thì nói, cái máu văn nghệ trong ông vẫn chảy, nếu ông thấy con mình theo được sân khấu thì chắc ông cũng đỡ nhớ nhung, khắc khoải. Vậy đi. Tuổi già còn có bao nhiêu niềm vui nữa đâu.
Ông cười thanh thản: “Chuyến này đi rồi lâu lắm mới về được nghen. Con cháu bận rộn quá, mỗi lần về mỗi lần khó. Chỉ mong cải lương đừng mai một thì dù tôi ở phương trời nào cũng thấy gần gũi quê hương”. Chợt hình dung ra hình ảnh ông ngồi bên chiếc ti vi lắng nghe từng câu vọng cổ… Tiếng hát vượt trùng dương bay đến bên ông để thay cho sàn diễn một thời ông gắn bó. Thương biết bao nhiêu…
Sources: thanhnien |