Ngày Đăng: 06 Tháng 01 Năm 2016 Nghệ sĩ Anh Tú đạo diễn vở "Hamlet" thổ lộ tin vui này và cho biết điều này tiếp thêm sức mạnh để anh lên kế hoạch thực hiện tác phẩm nhạc kịch Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trong năm 2016.
| NSƯT Anh Tú bên tượng sáp của NS Hoài Linh |
Tối 5-1, nhạc kịch Hamlet của Anh Tú đạo diễn đã công diễn tại Nhà hát TP, được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Anh Tú thông tin rằng Hội đồng Anh tại London đã mời vở này sang đấy biểu diễn. Đây là tin vui đầu tin anh muốn chia sẻ.
“Tác phẩm của tôi được đánh giá cao về mặt sáng tạo trong việc đưa thể điệu múa dân gian Việt Nam cũng như sử dụng trống chầu của Hát Bội vào vở. "Hamlet" đáp ứng được mục đích xây dựng tác phẩm kịch kinh điển cho sân khấu trong nước nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của nhà viết kịch đại tài Shakespeare...” – Anh Tú tâm sự.
| NSƯT Anh Tú nhận hoa chúc mừng của khán giả trong đêm công diễn vở Hamlet tối 5-1 tại Nhà hát TP |
Niềm vui thứ hai với nghệ sĩ này là anh được "Dự án Bảo tàng sáp Nghệ sĩ Việt" mời đến lấy số đo để đúc tượng anh với vai Vũ Như Tô trong tác phẩm sân khấu cùng tên. Anh Tú kể rằng vai diễn này được đạo diễn NSND Phạm Thị Thành giao cho khi anh vào giai đoạn sung sức nhất của nghề. Và hẳn nhiên, nó để lại dấu ấn khó quên với anh.
| Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Diện đo chỉ số khuôn mặt của NSƯT Anh Tú với nhân vật Vũ Như Tô |
Vũ Như Tô là một kiến trúc s tài ba thời Lê, được cho là tác giả phác thảo kiến trúc Cửu trùng đài và cung điện trăm nóc, một công trình kiến trúc tráng lệ trong Hoàng Thành Thăng Long. Trong sử sách, ông bị kết tội gian thần làm hại nước.
Tuy nhiên, thực tế, ông chỉ là một kiến trúc sư, làm theo lệnh vua, vốn không đủ cái tri thức để hiểu thời cuộc và chỉ dùng tài của mình để phụng sự hôn quân. Việc kết tội sâu dân mọt nước của các sử quan đối với ông có phần nặng nề.
| NSƯT Anh Tú và NSND Doãn Châu tham quan xưởng đúc tượng sáp nghệ sĩ |
"Hiểu nỗi oan khuất này, năm 1941, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết kịch bản gồm năm hồi mang tên "Vũ Như Tô" và đăng trên tạp chí Tri Tân vào năm 1943. Kịch bản sau đó được xuất bản thành sách năm 1946. Tác phẩm phần nào nương nhẹ ngòi bút với Vũ Như Tô, phân trần cho ông vì làm theo lệnh vua, phần nào cũng tiếc nuối cho một tài hoa và một công trình dân tộc vĩ đại. Với tôi, vai diễn nhắc mình phải nỗ lực hơn trong việc xây dựng hình tượng với công chúng” - Nghệ sĩ Anh Tú tâm sự.
Và tin vui cuối cùng đối với nghệ sĩ Anh Tú, ngày 10-1, anh nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, do Nhà nước trao tặng tại Nhà hát lớn Hà Nội.
“Tôi được đón nhận danh hiệu NSND trong giai đoạn này là một niềm hạnh phúc, bởi sợ nhất là không có tác phẩm được công chúng đón nhận. Danh hiệu phải đi đôi với việc làm mới có được sự tôn trọng trọn vẹn” – Anh Tú nói.
| NSƯT Anh Tú và NSND Doãn Châu, Đoàn Dũng, Thế Anh cùng chụp ảnh lưu niệm với ba nhà điêu khắc: Nguyễn Thị Diện, Nguyễn Văn Đông, Thái Ngọc Bình chiều 5-1. |
Sources: NLD |