Ngày Đăng: 14 Tháng 10 Năm 2013 Một trong những “đại thụ” của đờn ca tài tử (ĐCTT) đã ra đi vĩnh viễn nhưng tên tuổi và tiếng hát mê đắm lòng người của bà vẫn vang danh hậu thế. Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ sẽ luôn sống mãi trong lòng giới mộ điệu đờn ca tài tử (ĐCTT).
Giới mê ĐCTT ở TP HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ có lẽ không thể quên hình ảnh bà cụ tóc bạc, tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn nặng nghiệp cầm ca, luôn chăm chút từng câu hát ngọt ngào, mê đắm lòng người trên sân khấu các kỳ liên hoan. Với giọng ca trời phú, khi còn tại thế bà luôn cố gắng truyền nghề cho thế hệ sau. Một thời, Bạch Huệ từng là đệ nhất danh ca ĐCTT, từng dạy rất nhiều thế hệ học trò, được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân dân gian.
Có lần ghé thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM, tình cờ được nghe bà kể về cái duyên nghề với ĐCTT đầy hào hứng. Bà Huệ lúc ấy đã bước qua tuổi 77, sức khỏe và trí nhớ không còn minh mẫn như xưa nhưng hễ ai nhắc đến ĐCTT là mắt bà lại sáng rực lên. Những chuyện mấy chục năm trước, tưởng chừng trở thành ký ức, trôi theo thời gian bỗng chốc được bà kể lại đầy đủ, vẹn nguyên.
| Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ. Ảnh: tư liệu |
Dù xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (cha là nhạc sư Sáu Tửng, chuyên đờn kìm, anh là nhạc sĩ tân nhạc Huỳnh Anh - PV) nhưng bà không được cha ủng hộ khi chọn ĐCTT. Ông tìm mọi cách để “cách ly” bà với niềm đam mê cháy bỏng nhưng tất cả đều hoài công vô ích khi đam mê đó đã ăn sâu trong tâm hồn cô gái trẻ Bạch Huệ.
Theo lời kể của bà trên các phương tiện truyền thông, từ năm 10 tuổi, Bạch Huệ đã mê mẩn tiếng đàn vang lên từ những buổi họp mặt ĐCTT ở miền quê sông nước. Cũng thời đó, bà thường xuyên trốn gia đình đi xem, thậm chí có lúc làm thuê cũng lén nghe ĐCTT. Dần dà, vì quá đam mê và yêu thích, bà tham gia vào các buổi sinh hoạt ĐCTT ở địa phương, được các nhạc sĩ dạy cho cách ca bài bản.
Khi lên Sài Gòn, bà có cơ hội tiếp xúc và học về ĐCTT nhiều hơn. Bà được mời vào ca ở Đài Phát thanh Pháp Á rồi vào ban Việt Nam Cổ nhạc đoàn của danh ca Tám Thưa, trình diễn trên đài phát thanh và ở các sân khấu ở Sài Gòn. Kể từ đó, tiếng hát của Bạch Huệ trở nên rất quen thuộc qua sóng phát thanh, đĩa và ở lại trong lòng người nghe vào những năm thập niên 1950 .
Đúng lúc, ông bầu Ba Bản vừa là bầu gánh hát Thủ Đô, vừa mở một hãng dĩa có tên là Hoành Sơn mời Bạch Huệ và Thành Công song ca. Đó cũng là lúc tên tuổi Bạch Huệ và Thành Công trở nên vang dội trong giới như một “hiện tượng”. Mỗi lần nhắc đến, bà không quên tên hai tuồng: Lâm Sanh - Xuân Nương và Thoại Khanh – Châu Tuấn đã giúp tên tuổi bà ghi dấu ấn trong lòng khán giả thời ấy. Không chỉ vậy, bà cùng nghệ sĩ Thành Công được độc giả của tờ báo Tiếng Dội (của ông chủ bút Trần Tấn Quốc) bình chọn là “Đệ nhất danh ca” lúc bấy giờ. Năm ấy, Bạch Huệ vừa tròn 18 tuổi…
Bạch Huệ được đánh giá là giọng ca hiếm có! 60 năm cống hiến cho nghệ thuật đờn ca tài tử, năm 2007, bà được công nhận là Nghệ nhân dân gian về ĐCTT.
Không chỉ nổi tiếng là một danh ca, Bạch Huệ còn là một người thầy tận tuy với công việc giảng dạy. Sau năm 1975, bà được mời giảng dạy ở Viện Nghiên cứu âm nhạc TP HCM, Trường Sân khấu - điện ảnh TP HCM, cố vấn cho CLB đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TP HCM... Không thể đếm hết đã có bao nhiêu thế hệ người trẻ được bà hướng dẫn, chỉ dạy đến với bộ môn nghệ thuật này.
Trải qua bao thăng trầm dâu bể của cuộc đời, ngay cả khi tuổi về già bà vẫn nặng nợ với nghề. Dẫu di chuyển khó nhọc nhưng bà vẫn ngồi trên sân khấu, cất giọng mượt mà, ngân lên từng tiếng hát sâu thẳm tận đáy lòng làm rung động biết bao con tim mỗi dịp tham gia liên hoan ĐCTT. Rồi lại thấy bà cần mẫn dạy các lớp ca tài tử từ vỡ lòng đến lớp cao với 20 bài bản tổ ở TP HCM và một số tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Cần Thơ. Khi được mời vào ghế giám khảo, bà cũng nhận lời không do dự.
Nói đến việc gắn đời mình cùng ĐCTT, bà hay bảo đó là cái nghiệp đã trót mang, kiếp tằm thì phải nhả tơ, nhả cho đến những sợi tơ cuối cùng…
Sources: nld |