Ngày Đăng: 05 Tháng 06 Năm 2006 Cũng từ mái ấm đoàn đồng ấu Minh Tơ mà Bửu Truyện đã gặp Thanh Thế. Họ trở thành đôi bạn tri kỷ trong nghề, dù cả hai ít có dịp đóng chung. Bởi Bửu Truyện có kỳ tài vào những vai phản diện, có tính cách độc đáo, còn Thanh Thế là cô đào của đợt sóng mới, mang lại cho sân khấu Hồ Quảng lúc đó nhiều bất ngờ thú vị khi chị diễn chung với Thanh Tòng. Những vai phụ để đời của Bửu Truyện phần nhiều đều là những vai được đúc kết bằng kinh nghiệm quan sát thầy cô đi trước để hình thành nên tính cách nhân vật. Anh hiền lành ít nói nhưng khi lên sàn tập, lúc ra sân khấu trình diễn thì anh thay đổi một cách lạ kỳ. Đôi mắt bỗng sáng linh hoạt, vũ đạo và võ thuật được vận dụng chính xác, điêu luyện. Có thể nói khi nhắc đến sự nghiệp sân khấu của Bửu Truyện, không biết bao nhiêu vai diễn đã đi qua cuộc đời của anh.
Tôi nhớ nhất là vai Phàn Định Công (vở San Hậu). Từ cái liếc nhìn khi hay tin dữ, đến việc tức giận thổ huyết trước cơn phong vũ làm gãy đại kỳ. Những bước lia nhanh nhạy trên đôi chân rắn chắc của anh đã làm người xem hồi hộp, xao xuyến. Làn hơi mạnh mẽ của anh cũng làm khán giả xúc động trước những câu oán, đảo ngũ cung thật xót xa.
Vai Tống Địch Thanh trong vở Vó nglta cuồng chinh cũng là một nhân vật nổi tiếng của Bửu Truyện. Thời đó anh sắm tuồng rất dẹp, anh quan niệm khán giả mua vé vào xem mình ca diễn là phải nhìn thấy mình đẹp. Không thể chỉ diễn qua loa cho xong mà phải tạc cho bằng được ấn tượng. Tống Địch Thanh - một anh kép oai phong, bao giờ cũng tự đắc về những chiến tích lẫy lừng nhưng có những phút xao động trước nỗi niềm gia quyến. Vũ đạo của Bửu Truyện đẹp mắt đến lạ lùng, tạc vào tâm trí người xem sự kiêu hãnh của một trong những hậu bối mà Minh Tơ dã truyền đạt.
Sau này anh còn diễn các vai phụ xuất sắc : An Dương Vương (Chiếc nõ trần), Trần Trung Tá (Tô Hiến Thành xử án), Đổng Trác (Phụng Nghi Đình)... Tất cả đều được anh thể hiện trên cả sự bất ngờ mà khán giả chờ đón ở anh. Có thể nói sân khấu cải lương tuồng cổ đã sản sinh ngũ hổ tướng - năm nam nghệ sĩ một thời lừng lẫy về sự hóa thân của họ trên sân khấu : Thanh Tòng, Bửu Truyện, Hữu Lợi, Trường Sơn, Vũ Linh. Riêng với Bửu Truyện, anh luôn dè dặt trong việc thể nghiệm trong nghệ thuật diễn xuất. Vì anh muốn tham khảo ý kiến bạn bè đồng nghiệp, đồng thời lắng nghe những góp của khán giả để vai diễn hoàn thiện trước khi ra mắt người xem. Sau này khi anh đứng vào vị trí đạo diễn, các vở tuồng mà anh đã dàn dựng cho các tuồng cổ như : Song nữ loạn viên môn, Hoàng hậu Hồ Ly Tinh, Anh hùng náo Tam Môn Giai.. đã là cơ hội đẹp để anh truyền hết kinh nghiệm cho thế hệ diễn viên trẻ.
Nói về anh trong niềm thương tiếc NS Thanh Tòng vẫn thán phục nghị lực lao động hết mình cho mỗi vai diễn của Bửu Truyện : ''Đêm cuối cùng tôi gặp anh là tại sân khấu ốc đảo Công viên Văn hóa Đầm Sen, anh diễn trích đoạn An Dương Vương cùng với Phượng Hằng. Căn bệnh hiểm nghèo làm cho anh ốm đi nhiều và đau rất dữ, nhưng anh vẫn cố diễn thật hoàn chỉnh vai diễn của mình. Sau này tôi nghe chị Thanh Thế kể, đêm đó về anh thao thức cả đêm, vì biết mình đã lực bất tòng tâm. Bửu Truyện dã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp sân khấu, anh ra đi để lại niềm thương tiếc cho nhiều NS cải lương tuồng cổ chúng tôi. Hiện Thanh Dũng - con trai của NS Bửu Truyện được nhạc sĩ Minh Tâm (em của NS Thanh Tòng) truyền đạt nhiều kinh nghiệm trong việc hòa âm, phối khí và đệm đàn cho các tiết mục tuồng cổ. Để ngày nay bên cạnh một Minh Tâm dày dạn kinh nghiệm thì Thanh Dũng có thể nói là hậu duệ của Minh Tâm.”
Trở lại với những vai phụ của Bửu Truyện, khi anh còn sống, lúc tôi đến thăm anh đang dạy Khánh Tuấn múa đao trên sân khấu rạp Thủ Đô. Nhìn anh mướt môi hôi giữa trưa mùa hè trên sàn tập chỉ có một ngọn đèn nhỏ xíu, tôi không khỏi chạnh lòng. Bửu Truyện luôn hết mình với đàn em và thường khuyên họ hãy biết nâng niu, trân trọng vai phụ. Vai phụ hay là nhờ vào sự động não, nghiên cứu để người nghệ sĩ hoàn thiện phong cách ca diễn của mình. Đời người nghệ sĩ có nhiều vai phụ thì nấc thang đi tới những vai quan trọng mới vững vàng, chín chắn. Nói về việc rèn luyện hơi ca. Tôi nhớ anh Bửu Truyện đã từng kể, để có được hơi ca cho khỏe. Thuở lên 9, lên 10 thầy Minh Tơ đã dạy phải chui đầu vào cái lu hét to cho vỡ giọng ra, rồi cả việc ngậm muối, khò từng ngụm nước ấm cho dây thanh quản nở. Luyện thanh trong nghệ thuật ca diễn tuồng cổ không phải đơn giản như hát tân nhạc, mà phải biết cách ém hơi, lấy hơi, nhấn nhá từng cách hát, cách cười. Mỗi cái liếc mắt cũng là nghệ thuật tinh vi để người xem công nhận mình là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Vai phụ của Bửu Truyện được khắc họa bởi hành trang vào nghề dày dạn kinh nghiệm và khổ luyện ấy
Sources: sankhaucailuong |
|
|