Ngày Đăng: 06 Tháng 07 Năm 2012 Cô là một trong số những ngôi sao hàng đầu của nghệ thuật cải lương (CL) Việt Nam. Vóc dáng sáng đẹp, sang trọng (tẩm cỡ mỹ nhân khi đang xuân); giọng đồng trong trewo rất riêng; diễn xuất đa năng qua những trình thức lão luyện, ảo diệu. Cô Ba Thanh Loan thuộc trường phái diễn, nhưng lại ca rất hay, căn bản và chắc nhịp.
Tôi được hân hạnh làm quen với giọng hát của cô qua bộ dĩa Chiêu Quân cống Hồ; Chiêu Quân Thanh Loan đóng cặp với Hán đế Tám Thưa, danh ca sáng giá thời thập niên 40 (thế kỷ XX). Lúc ấy tôi vừa lên 5, với ký ức ban đầu. Cô là nghĩa nữ của NSND Phùng Hà. Họ kết nghĩa mẹ con lúc cô Ba mới vào nghiệp ca cầm. Cô học từ cô Bảy nhiều điều về nghề, về đời. Và con đường cô đi đến thành tựu rõ ràng có bóng dáng bậc tiền bối mẹ nuôi tâm lành như Bồ Tát. Trong 5 người con kết nghĩa của cô Bảy Phùng Há còn tại thế, ngoài NSUT Nam Hùng, bốn người kia có rõ biết mối kỳ duyên mẫu tử của “mẹ Bảy và chị Ba”?
Hồi cô cộng tác đoàn Năm Châu (lúc thành danh), chú Tiểu Lan là vai diễn để đời của cô. Tiểu Lan là nhân vật chính của vở ca kịch Hồn bướm mơ tiên được soạn giả Nguyễn Thành Châu chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của văn hào Khái Hưng; và nghệ sĩ Năm Châu hóa thân cậu Ngọc – vai Tiểu Lan rất khó diễn vì thuộc dạng “tĩnh”, cái tĩnh trong bối cảnh thiền môn được cộng hưởng cùng cái tĩnh từ tâm lý nhân vật: kẻ tu hành. Phải là người tài năng tuyệt vời vận dụng được mạch ngầm kỹ năng riêng đưa chất tĩnh của nhân vật tiếp cận đối tượng khán giả; và khi nó đã nhập vào tâm thức họ, tĩnh sẽ chuyển hóa thành xung động của sự cảm nhiễm khiến thổn thức tâm can. Cô Ba Thanh Loan đã làm được, làm xuất sắc điều ấy. Bởi đó là vai khó, nên sau cô chỉ có nữ nghệ sĩ Kim Lan (em ruột cô Hai Kim Cúc) đảm nhiệm vai này. Và rồi sau đó, đến nay không ai dám chịu khó dựng lại Hồn bướm, dù đó là một vở tầm cao trí tuệ, tiêu biểu của sân khấu Thật và Đẹp.
Sau thời gian xa vắng sàn diễn nhiều năm, cô Ba trở lại nghề Tổ, gia nhập đoàn Thanh Minh (1958). Vai diễn “chào sân” của cô là bà mẹ nghèo trong kịch bản xã hội Chén cơm đô thành của soạn giả Bảo Quốc (bút danh của ông bầu – NS Năm Nghĩa). Còn cậu bé Bảo Quốc (con trai ông Năm Nghĩa và bà bầu Thơ) lúc ấy được 9 tuổi (sinh năm 1949, Kỷ Sửu) rất tròn trịa, phương phi, rất đáng yêu từ cái nhìn đầu tiên. Quốc thủ vai cậu bé nghĩa hiệp, bạo ăn bạo nói, bênh vực lẽ phải, dám nghênh ngang đối đầu, vạch mặt kẻ xấu. Quốc đã gặt nhiều pháo tay tán thưởng. Vai diễn ấy chính là cái mầm giống tốt mới vạch đất nhú chồi, hứa hẹn trở thành cây đại thụ tiếu hài của sàn diễn Việt Nam.
Cô Ba Thanh Loan với vai diễn trong vở vừa kể đã đạt độ khá, do gián đoạn nghề khá lâu; lại cũng do tình huống kịch thiếu yếu tố cho cô vận dụng. Tuy vậy, sự tái xuất của một ngôi sao lớn như cô đã khiến người sành điệu nô nức, xôn xao.
Vở Áo cưới trước cổng chùa của soạn giả Kiên Giang lần đầu tiên ra mắt khán giả đại ban Thanh Minh đã lập tức gây tiếng vang lớn, có sự góp mặt của cô Ba Thanh Loan, vai Xuân Mẫu, một bà mẹ mù lòa. Từng động tác thể hình, từng biểu cảm nội tâm trên gương mặt, từng câu thoại, ca từ,… cô đã phục hồi phong độ ngôi sao, và cùng Xuân Tự - Thanh Nga khiến bao khán giả thổn thức, nhòa lệ cảm (lớp Xuân Tự trở về nhà từ chùa Phù Dung để chứng kiến lễ cưới của Tô Châu – Phương Thành).
Nhưng đến Nửa đời hương phấn, vai bà Hai Lung chuyên cho vay cắt cổ, cô Ba đã tạo nên một hình tượng độc đáo đến quý hiếm trong nghiệp diễn. Sự cổ vũ nhiệt tình từ khán phòng không khiến cô bốc đồng đến vượt giới hạn, kỷ cương của nội dung kịch bản để diễn cường điệu, quá lố, lệch đường dây, gây khó và sự bất mãn nơi các bạn diễn.
Vở Lỡ bước sang ngang (soạn giả Hoàng Khâm – Thu An), cô Thanh Loan nhập vai bà chủ tiệm cầm đồ, một người phụ nữ tham lam như chồng (Hoàng Giang). Mẫu nhân vật không mới mẻ, nhưng nhờ tài năng trác tuyệt, cô và những Hoàng Giang, Kim Quang, Út Trà Ôn (vai chú Ba tài xế) đã rất ăn ý, quăng bắt, tung hứng tuyệt diệu. Mỗi lần họ xuất hiện như có hào quang tỏa sáng, sàn diễn nóng lên; những nét diễn, câu thoại, lời ca điệu nghệ được công chúng ngợi khen nhiệt liệt. Sự tưởng thưởng dành cho bước thăng hoa quả xứng đáng.
Vở Rồi 30 năm sau, cô Ba đóng vai người đàn bà phản trắc, hại chồng, bỏ con. Suốt 30 năm bà sống bằng nỗi ray rứt, lương tâm dằn vặt, nên chay lạt, kệ kinh sám hối. Cô Ba Thanh Loan hóa thân với dáng vóc thanh mảnh, chiếc áo dài màu tối, gương mặt hóa trang trắng tái, môi không son, xuất hiện rất lặng lẽ, hạn chế tối đa cử động hình thể. Nên khi nhân vật được hiển thị đã gây ấn tượng lạnh lẽo. Khán phòng lặng lẽ, người xem bị cuốn hút từng lời thoại thăm dò, dè dặt… từng câu giải đáp đậm tính phán xét, hằn học, oán hận về oan trái 30 năm xưa giữa cô và ông Khách (Việt Hùng). Thì ra, người đàn bà hại chết chồng, bỏ con thơ vì chạy theo dục tình. Khi biết ông khách vốn là đồng hương, bà ta hỏi dò tông tích đứa con trai. Thế là ẩn số cuộc đời người đàn bà tội lỗi được giải mã. Ông khách chính là em chồng khi xưa. Bằng giọng bi phẫn, em chồng hạch tội chị dâu lăng loàn. Đài từ của hai diễn viên trong lớp thoại thật xúc cảm đến độ hoàn hảo. Cô Ba Thanh Loan đứng bất động như hóa đá, mặt tái nhợt, biểu hiện sự ăn năn tột cùng; thân hình có lúc hơi chao như chực đổ, tai lắng nghe lời trách móc êm nhẹ đến não lòng của em chồng. Rồi mấy câu vọng cổ được soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng thiết kế đúng tình huống, nâng bi chất lên cao. Việt Hùng ca câu 3 dây đào; sang câu 4, đàn đổi dây kép, cô Ba Thanh Loan ca lòn hơi. Kép ca dây đào, đào ca dây kép, sự tréo ngoe trái khoáy tưởng như cầu thủ đá lạc đội hình. Nhưng không hề. Cả hai diễn viên đã kiến tạo một lớp ca diễn xuất thần đậm tính kinh điển, lung linh dấu ấn để đời. Rất tiếc, phút giây quý báu liên thành đã trôi lặng lẽ theo bụi cát thời gian, vì đất nước ta chậm tiến kỹ thuật truyền thông, đã chẳng thể bảo lưu để hậu thế chiêm ngưỡng đỉnh cao tài năng Việt! Một phân đoạn diễn ca Thật và Đẹp, sang trọng đến nao lòng, đầy niềm tự hào dân tộc.
Con gái chị Hằng, đất thao diễn riên dành riêng cho những Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Tám Vân. Cô Ba Thanh Loan thủ một vai khiêm tốn, thời lượng hơn 5 phút: người đàn bà ghen. Mấy phút ngắn ngủi ấy cũng đủ cho một tài danh thi triển bản lĩnh. Người đàn bà bắt gặp chồng và chị Hằng trong một phòng trọ, nên đã “lên lớp” Hằng bằng một… diễn văn độc thoại rồi bỏ về. Chỉ có vậy. Nhưng diễn viên phải thể hiện sao cho khán giả cảm, đồng thuận; sao cho chị Hằng “thấm”; con chị Hằng nhục nhã, tạo tiền đề cho Trinh bỏ mẹ theo cha (ông Phùng) mà tình huống kịch không rơi vào chỗ gượng gạo. Một ông trí thức trung niên ngồi kế nhìn tôi và nói: “Người tài, đóng tí xíu cũng thấy hay”. Tôi đáp: “Ông Năm Châu nói không có vai chánh, vai phụ; chỉ có diễn viên giỏi hay tồi”.
Trên sàn diễn, cô rực rỡ anh hoa; ngoài đời, cô bình dị đến độ đến rạp chuẩn bị biểu diễn, cô đi bằng xe đạp nhờ người quen chở. Nhà báo Thanh Tâm, người chồng ly hôn đã lâu thấy vậy cám cảnh bằng câu khen tặng trên báo. Gần giữa thập niên 60, cô Ba rời sân khấu vào chiến khu chiến đấu. Sau 30/04/1975 vài năm, cô từ trần vì tuổi tác. (cô gọi cô Bảy Phùng Há bằng mẹ là mẹ nghệ thuật. Thực sự, cô trẻ hơn cô Bảy độ chục năm).
Nhớ về cô, ta có thể nghe qua các CD Nửa đời hương phấn bộ cũ (Út Bạch Lan – Thành Được), Con gái chị Hằng (Thanh Nga – Thành Được). Các CD trên đã được hãng dĩa Việt Nam tái bản (số 82 Hồ Tùng Mậu – Q.1).
Sources: sankhaucailuong |
|
|