Ngày Đăng: 01 Tháng 03 Năm 2015 Không nổi tiếng lẫy lừng như kép đẹp cùng thời, nhưng cái tên Giang Châu có một chỗ đứng riêng, rất vững chắc trong lòng công chúng. Tính cách vai diễn trên sân khấu lẫn ngoài đời cho thấy ông là một con người có cá tính mạnh mẽ. Thế nhưng, người nghệ sĩ vừa bước vào tuổi 64 này đã chuẩn bị cho mình một chốn bình yên Thất Sơn huyền bí.
Nghệ sĩ Giang Châu có 2 người con gồm 1 trai và 1 gái. Con trai Thế Sơn thừa hưởng gen nghệ thuật và cá tính độc đáo của cha nên dần dần khẳng định mình trong lĩnh vực sân khấu. Thế thay, hơn 1 năm trước, truyền nhân duy nhất của nghệ sĩ Giang Châu đã lìa xa trần thế. Ngay sau đám tang con, nghệ sĩ Ngọc Hiền tức vợ nghệ sĩ Giang Châu chính thức xuất gia tại một ngôi chùa xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ngôi chùa đó do chính người anh ruột của nghệ sĩ Giang Châu làm trụ trì. Vì vậy, ông đã xây sẵn một cái am chuẩn bị tới một lúc nào đó lìa xa cát bụi hồng trần lánh thân tu hành tại đây.
| Nghệ sĩ Giang Châu và 2 cháu ngoại |
Sở dĩ Giang Châu chưa thể xuất gia trong hiện tại là vì ông còn trách nhiệm chăm lo cho 2 cháu ngoại còn quá nhỏ và còn mê hát. Nếu như trước đây khi còn phục vụ cho đoàn Sài Gòn 1, Sài Gòn 2 ông chạy show năm này qua tháng nọ, còn bây giờ ông hát trung bình chừng 4 lần. Hầu hết các show diễn này diễn ra trong các buổi tiệc gia đình như đám ma và đám cưới. Tiền catse không nhiều nhưng cũng đủ giúp ông trang trải cho cuộc sống bình dị không quá xa hoa.
Từng vang danh với vai Trùm Sò trong vở Ngêu sò ốc hến và nhiều vai trước trong các vở Tiếng hò sông Hậu, Tìm lại cuộc đời… nhưng ông chấp nhận hát ở nơi không phải là sân khấu đúng nghĩa là bởi thế thời buộc người nghệ sĩ phải thế. Trong bối cảnh cải lương không có nhà hát, nếu không chịu hát ở đó thì những nghệ sĩ có tuổi ít còn cơ hội hát ở đâu khác, và đồng nghĩa không còn thu nhập chân chính. Nghệ sĩ Giang Châu nhớ lại: “Khoảng năm 1990 sân khấu khủng hoảng, tôi chấp nhận hát cho đám cưới. Lần đầu tiên hát trong một bữa tiệc mà người ta chỉ lo ăn uống, nói chuyện inh ỏi, tôi thật sự bị sốc. Ngay đêm đó, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ chấp nhận hát ở chốn như thế. Nhưng rồi anh em nghệ sĩ nổi tiếng hơn tôi cũng phải chấp nhận điều đó. Vì việc mưu sinh tôi gạt bỏ cái tôi của mình chấp nhận phục vụ trong các bữa tiệc. Riết rồi thành quen vì nhận ra người ta có quý mến mình mới mời mình cho dù lúc hát họ không tập trung nghe”.
Sau này, ông được mời hát đám ma. Lúc đầu cũng nghĩ rằng do tâm thế buồn bã thì ai nghe mình hát nhưng được mời thì cứ hát. Thế nhưng khi hát trong dịp này ông nhận ra cảm xúc mình dạt dào hơn vì người nghe lắng nghe một cách nghiêm túc. Vì vậy, ông mới có câu trào lộng với bạn bè “hát đám ma vui hơn đám cưới”. Dần dần hát đám ma, đám cưới mãi cũng quen và gắn bó. Bởi vì, trong những dịp như thế ông gặp được những khán giả thực sự yêu quý tiếng hát của mình. Họ mời cá nhân ông hát chứ không phải một đoàn hát, nghĩa là họ yêu quý ông hơn những nghệ sĩ khác. Suy nghĩ này an ủi ông tiếp tục gắn bó với nghề.
Giờ đây, sau nỗi buồn vì cải lương sa sút và sự ra đi của người con trai, nghệ sĩ Giang Châu tự tìm vui bằng cách sáng đánh cầu lông, trưa cafe với bạn bè nghệ sĩ đồng niên để ôn lại chuyện xưa và tán gẫu chuyện vui. Trong những buổi tối không diễn, tụ họp anh em ngoài nghề trà dư tửu hậu. Việc gặp gỡ bạn bè cho ông niềm vui và tiếp thêm sức sống cho ông. Theo Giang Châu, ông hài lòng với cuộc sống hiện tại dù không con huy hoàng như xưa. Để rồi đến lúc 2 cháu ngoại cứng cáp hơn một chút, ông sẽ tạm biệt Sài Gòn, tạm biệt sân khấu để hưởng một cuộc sống an lạc nơi cửa Phật.
Sources: sankhaucailuong |