Ngày Đăng: 27 Tháng 04 Năm 2016 TT - 4g40 sáng 23-9-2008, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã từ giã cuộc đời tại Bệnh viện Quân dân miền Đông sau gần một tháng chống chọi với căn bệnh xơ gan cổ trướng tái phát.
| Những nén hương tiễn biệt Lê Vũ Cầu của đông đảo bạn bè, giới nghệ sĩ |
TT - 4g40 sáng 23-9-2008, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã từ giã cuộc đời tại Bệnh viện Quân dân miền Đông sau gần một tháng chống chọi với căn bệnh xơ gan cổ trướng tái phát.
Không gia đình, không người thân, ở bên cạnh Lê Vũ Cầu phút cuối đời là những người bạn thân thiết nhất của anh: đạo diễn Thế Ngữ và nghệ sĩ Lê Tuấn Anh.
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (tên thật là Lê Bửu Cầu) sinh năm 1956 tại Cà Mau. Cuộc đời của anh được bạn bè ví như câu thơ “giang hồ mê chơi quên quê hương”. Từ một đứa trẻ mồ côi, anh bắt đầu cuộc sống lang thang phiêu bạt, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Có lúc anh trôi dạt ra tận miền Trung làm nghề đánh giày, bảo kê, ăn xin..., thậm chí sa vào con đường nghiện ngập. Nhưng rồi một giọng hò miền Nam trong những bài vọng cổ đã kéo anh ra khỏi quãng đời tăm tối. Tấm màn nhung của sân khấu mở ra với Lê Vũ Cầu bằng những công việc nhỏ nhặt nhưng lương thiện: kéo micro, hậu đài, soát vé, đóng vai phụ... Rong ruổi theo đoàn hát đi đây đó để thỏa chí giang hồ, từ chính những thăng trầm của mình, Lê Vũ Cầu đã đưa những khắc nghiệt của cuộc sống vào các vai diễn trên sân khấu.
Khán giả vẫn không thể quên hình ảnh của Lê Vũ Cầu trong những vai diễn hay: Vũ Như Tô, Chí Phèo, “Ông mất nết” trong tiểu phẩm hài nổi tiếng Bà mất gà, ông mất nết, chùm hài kịch Vợ thằng Đậu... Lê Vũ Cầu từng thẳng thắn tâm sự: “Chính sân khấu đã cứu đời tôi, nếu không có nó tôi đã chết vì chiến tranh, ma túy hay đâm chém”. Những năm cuối đời, căn bệnh xơ gan đã khiến Lê Vũ Cầu phải rời xa sân khấu, xa những buồn vui vay mượn dưới ánh đèn, xa những vở kịch đang ấp ủ...
Trước khi linh cữu Lê Vũ Cầu được đưa về quàn tại nhà truyền thống Hội Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM (133 Cô Bắc, quận 1), bạn bè quyết định để anh được nằm ngay tại nhà mình một ngày. Nhà Lê Vũ Cầu chính là quán cơm chay từ thiện ở Thủ Đức, nơi mỗi ngày có hàng trăm người nghèo được anh đãi cơm chay miễn phí suốt ba năm nay. Ngày 23-9, họ vẫn đến rất đông vào giờ phát cơm mỗi ngày nhưng không ăn mà để thắp lên những nén nhang đưa tiễn một tấm lòng về với cát bụi. Nhiều anh chị em nghệ sĩ cũng đến đây, gương mặt ai cũng trầm ngâm nghĩ ngợi dẫu nỗi buồn này đã được báo trước từ lâu. Giữa hương khói và những bài thánh ca dìu dặt, mọi người đi quanh quan tài và nhìn anh lần cuối. Lê Vũ Cầu nằm đó, những phong trần của một đời người, những buồn vui của một đời nghệ sĩ dường như cũng nén lại ở đó.
Sources: thanhnien |