Ngày Đăng: 11 Tháng 04 Năm 2010 Nếu không biết nhau từ trước, chỉ tình cờ chạm mặt ở sàn tập hay phòng thu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ Võ Tử Uyên (V.T.U) là nghệ sĩ, bởi ở con người cô, tư chất nghệ sĩ đậm nét hơn là phong cách của một soạn giả hay một biên tập viên – công việc thường ngày của cô ở Đài Truyền hình TPHCM. Nếu Võ Tử Uyên là nghệ sĩ, chắc chắn cô thuộc tín của NS Tài Linh – một cô đào không thể gọi là đẹp nhưng lại mềm mại dễ cảm đến nao lòng.
Cái cốt cách khả ái, đa cảm ấy được Uyên chuyển tải gần như trọn vẹn vào những trang viết. Cho nên những bài ca, những vở diễn do cô chuyển thể hay biên soạn tuy không nhiều, cũng không gây sốc bởi chủ đề, tư tưởng nhưng bao giờ cũng da diết khó quên trong cách thể hiện.
Có lần Uyên tâm sự cô rất dở xây dựng xung đột. Quả thật kịch bản của cô không có một cốt truyện ly kỳ với nhiều tình huống đột biến. CÔ cũng không có một văn phong sắc sảo thể hiện sự sâu sắc, tính triết lý của tư duy. Nhưng có thể bắt gặp trong kịch bản của cô cái hồn hậu giản dị của Ngọc Linh, cái đằm thắm nữ tính của Nhị Kiều, cái mượt mà trao chuốt của Loan Thảo, Yên Lang. Dĩ nhiên chưa thể nói Uyên đã đạt đến tầm vóc của những thầy tuồng “cây đa, cây đề” đó, hay là phong cách của cô kết hợp được nhiều đến thế ưu điểm của những bậc tiền bối. Nhưng nếu số lượng những cây bút trẻ viết cải lương đã ít ỏi, thì Uyên lại là một trong số rất hiếm hoi những soạn giả trẻ viết được cải lương đúng chất của một thời vang bóng: sử dụng bài ca nhiều và đắc địa, tạo được đất diễn cho lừng nhân vật. Một vai dù phụ ít nhất cũng có được một tích tắc thăng hoa, không chỉ đi ra đi vào cho rộn ràng sân khấu. Tôi biết đến tác giả V.T.U lần đầu tiên qua kịch bản “Người chị và mấy đứa em”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Tiếp theo là một vài vở cải lương viết cho Video cải lương, nhưng rồi sau đó thì… Uyên biệt tích.
| Tác giả – nghệ sĩ Võ Tử Uyên |
Không biết là do công việc ở HTV bận rộn, hay vì Uyên cảm thấy mình chưa đủ lực để theo đuổi cái nghề quá gian nan này? Rồi bất chợt “gặp lại” Uyên trong Bến nước Ngũ Bồ. Tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, vở diễn chính thức đoạt Huy chương Bạc. Nhưng thành tựu “không chính thức” của vở: tiếng vang với giới báo chí, ấn tượng trong lòng khán giả thì còn cao hơn thế. Cho dù là Ban tổ chức đã “quên” xướng danh Võ Tử Uyên trong thành phần chế tác vở diễn khi trao giải, nhưng không ai có thể phủ nhận đóng góp của người chuyển thể vào thành công chung của vở. Đặc biệt là khi không có những ngôi sao ăn khách đương thời, thì chỉ có sức bật của kịch bản mới làm vở diễn thăng hoa. Với Bến nước Ngũ Bồ, tôi vui mừng . nhận ra Uyên vẫn trung thành với phong cách viết cải lương của riêng mình. CÔ tâm sự: “Khi mới nhận lời đề nghị của sân khấu Thế Giới Trẻ, tôi hơi băn khoăn với vở kịch thơ của Hoàng Công Khanh. Tôi ngại là câu chuyện không mới, xung đột không nhiều, sẽ không thu hút được người xem. Nhưng khi bắt tay vào viết, cái mạch ngầm đầy sức sống trong từng câu thơ của tác giả đã chinh phục tôi hoàn toàn, và tôi cảm thấy mình phải cố gắng hết sức mới có thể không làm “tầm thường” đi những câu thơ đó. Khi hoàn thành kịch bản, trong đầu tôi chỉ có một mong ước duy nhất là: xem Bến nước Ngũ Bồ, khán giả sẽ cảm nhận được nó là một bài thơ đẹp, vậy thôi.”
Câu chuyện đóng góp thầm lặng của những người thương dân yêu nước trong những thời kỳ chống giặc ngoại xâm quả nhiên là không mới, nếu không muốn nói là quá cũ trên sân khấu cải lương. Nhưng cái cũ lại không hóa ra nhàm chán, không làm chai lì cảm xúc. Thành công của Uyên chính là nhờ sự chừng mực. CÔ không đẩy những hỉ nộ ái ố đến biên độ tận cùng mà giữ nó ở một cung bậc vừa đủ kích thích những rung động cộng hưởng trong lòng khán giả. Và những cảm xúc chưa tới độ trên sàn diễn sẽ tiếp tục chín muồi, òa vỡ dưới khán phòng. Như cách cô xử lý mối quan hệ giữa tráng sĩ Lê Liêm và cô gái chèo đò tên Trinh. Nếu cho họ chính thức yêu đương thề hẹn thì sẽ sáo mòn. Uyên đã dừng ở giới hạn của “tình trong như đã mặt ngoài còn e” lại khéo léo lồng vào mối cảm tình đồng chí, sự mơ mộng thường thấy ở những thiếu nữ đương xuân.
| Võ Tữ Uyên và CVVC 2006 Võ Minh Lâm |
Chàng Lê Liêm đã bày tỏ cùng nàng Trinh rằng: “Xin đừng bận lòng chi người ra đi, chỉ gieo thêm sầu bờ lau hiu hắt dưới sương khuya, bóng trăng sẽ thêm hao gầy con đò buồn ngắm trăng chờ mong, nhưng vó câu chỉ qua một lần biết ngày về có không mà mong?” và nàng Trinh đã đáp lại: “Em đâu dám học thói thường tình nhi nữ, cũng không dám để bận lòng ai trên vạn dặm đăng trình. Dõi bóng chinh nhân, có nhớ thương, cũng xin thương nhớ một mình. Bởi trời đã xui cho bèo mây tương ngộ, thì dù khoảnh khắc tình cờ cũng đã là duyên. Ai cấm được con đò gối bãi chợ trăng, ai ngăn được sương gieo làm sầu hàng lau lách, chỉ có thể giấu nỗi niềm trong ánh mắt và gượng cười cho yên dạ người ra đi”. Tình ý nồng nàn mà nghĩa cử lại trong sáng, cao đẹp, khán giả xem họ mà cứ nghe lòng bâng khuâng man mác. Rồi một vai lão như ông chèo đò, cũng được “ưu ái” ca đến bốn câu vọng cổ. Cho nên, Bến nước Ngũ Bồ đúng là một vở cải lương, khi câu chuyện chỉ là cái cớ để các nhân vật được thể hiện tình cảm, tâm trạng của mình qua những câu ca, chứ không phải là một vở “kịch nói có thêm lời ca”.
Nhưng Bến nước Ngũ Bồ chỉ là thành quả đầu tiên cho sự trở về của Uyên với nghề viết. Sự trở về này bắt đầu khi SKCL xuất hiện một gương mặt mới đầy triển vọng. Cuộc tương hội với Chuông vàng Vọng cổ 2006 Võ Minh Lâm đã mang đến cho Uyên nhiều cảm hứng và động lực để trở lại với “nghề viết” sau một thời gian dài gián đoạn. Nếu ở lĩnh vực sáng tác kịch bản dài, Uyên tự nhận là mình chỉ mới đi những bước đầu chập chững, thì những bài ca vọng cổ (VC) đã mang đến cho Uyên chút tự tin và cả tự hào – tự hào vì mình đã không viết một cách mờ nhạt và dễ dãi. Có thể nói ngòi bút của Uyên và giọng ca của Lâm đã gặp nhau ở đó – ở cái tình yêu dành cho bài vọng cổ. Nghe những bài ca của Uyên qua giọng ca Minh Lâm, sẽ bắt gặp ở đó sự trân trọng, nâng niu qua từng câu chữ để chuyển tải hết cảm xúc đến người nghe. Trương Chi Mỹ Nương, Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca, Trọng Thủy, Tình ta Lý qua cầu, Lòng mẹ, Lời tâm sự là những bài ca được cư dân mạng rất yêu thích. .
Tôi từng nói với Uyên rằng cô thật hạnh phúc khi sống trọn với niềm đam mê của mình. Thật ra tôi còn muốn nói cô thật dũng cảm để lựa chọn niềm hạnh phúc đó. Bởi vì trong tình hình sa sút của sân khấu cải lương nhiều năm qua, những người trẻ tuổi, có tri thức, và có một bằng cấp chuyên môn khác như Uyên hẳn sẽ không chọn công việc của một biên tập viên sân khấu hay một soạn giả cải lương. Phải chăng cách lựa chọn đó cũng mang tư chất nghệ sĩ – bất trắc và cảm tính, tự nguyện và dấn thân. Chỉ mong Uyên sẽ đi trọn con đường với tinh thần nghệ sĩ “con tằm đến thác” để khán giả còn được gặp lại cốt cách cải lương cổ điển trong những vở diễn mới ra đời.
Sources: conhacvietnam |
|
|