Ngày Đăng: 13 Tháng 09 Năm 2016 Danh hài sinh năm 1969 chia sẻ sau khi hoàn thành tâm nguyện lớn nhất, anh không mưu cầu gì ngoài tiếp tục "cháy" với nghề.
Trong ngày 11 và 12/9, nhà thờ tổ sân khấu của Hoài Linh ở phường Long Phước, quận 9, TP HCM tất bật đón khách. Sáng sớm đến chiều tối, không khí ở đây rộn ràng, hương trầm thoang thoảng khắp nơi mang đến cảm giác ấm áp.
Người tất bật nhất là danh hài Hoài Linh. Anh luôn chân tay sắp đặt, bày biện lễ vật, đồ cúng, chỉ dẫn người thân, em út đón tiếp quan khách, nghệ sĩ về thắp hương viếng giỗ tổ sân khấu (vào ngày 12/8 Âm lịch).
Đến chiều, khi dòng người đến thăm thưa chút ít, Hoài Linh ngồi bệt xuống sàn gạch của gian nhà tổ nghỉ ngơi. Người thân của anh cho biết nhiều ngày trước khi mở cửa nhà thờ, anh ngủ rất ít, có khi đến 3-4 giờ sáng mới chợp mắt. "Đi diễn, làm việc nhiều nhưng ba không than phiền mà tâm trạng luôn vui vẻ vì tâm nguyện 16 năm đã thành hiện thực", một người con gái nuôi của nam nghệ sĩ (xin không nêu tên) cho biết.
| "Giờ tôi thấy mình trẻ và khỏe ra", Hoài Linh nói. Ảnh: Mai Nhật. |
Còn danh hài tâm sự: "Ngoài nhà thờ tổ này tôi không ấp ủ hay mưu cầu điều gì to tát. Tôi còn trẻ, khỏe lắm (cười) mà may mắn đã hoàn thành được tâm nguyện nên tôi mãn nguyện với đời mình rồi. Giờ tôi muốn giữ sức khỏe để tiếp tục 'sống chết' với nghề".
Bước vào nghiệp diễn hơn 20 năm, trải qua nhiều thăng trầm, Hoài Linh cho biết, dù có những lúc khó khăn, vất vả, anh không bao giờ cất tiếng than. "Càng gặp khó tôi càng biết cách vực mình dậy. Khóc xong thì chùi nước mắt, đứng lên đi tiếp, không lăn tăn suy nghĩ hay để điều gì níu kéo. Bản tính tôi là người mạnh mẽ", anh tự nhận xét.
Chính vì thế, dù gặp rắc rối về thủ tục hành chính trong quá trình xây nhà thờ tổ, Hoài Linh không buồn hay bị áp lực như lo lắng của nhiều khán giả. Anh nói: "Tôi cứ bình tĩnh làm việc, từ từ giải quyết mọi chuyện, không có gì quá buồn cũng không điều gì khiến tôi phải quá lo".
Công trình khởi công từ năm 2014, đến nay khi thành quả đã trước mặt, Hoài Linh vẫn kiệm lời về công việc. Anh bảo không phải giấu giếm nhưng không thích nghe những lời chê trách vì sao anh không dùng tiền đi làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo lại đổ vào xây nhà thờ tổ.
"Tôi không hiểu tại sao có nhiều người muốn chỉ cách tôi làm từ thiện đến thế. Tôi quan niệm mỗi người có một cách làm. Đâu phải tôi chỉ lo xây nhà thờ tổ mà không hoạt động thiện nguyện. Có đi làm việc thiện tôi cũng không thông báo với mọi người. Làm âm thầm chứ cứ nói ra thì đâu còn gì vui", danh hài bộc bạch.
Nghệ sĩ Ưu tú không phủ nhận mình sống rất tâm linh và thấy vui khi nhiều nghệ sĩ hướng về tâm linh theo cách để giữ gìn đạo đức với nghề. Do vậy, anh mong nhà thờ tổ mình cất công dựng nên sẽ được xem như nhà chung, không chỉ là nơi để thờ cúng tổ nghề, mà còn là chỗ từ các bậc nghệ sĩ lão thành đến gương mặt trẻ có thể thường xuyên quy tụ và có những hoạt động hướng về sân khấu.
| Cô Quỳnh Anh (phải) - người gốc Duy Xuyên, Quảng Nam, đang sinh sống ở TP HCM - đổ đường xa đến nhà thờ tổ của Hoài Linh để thắp hương. Ảnh: Mai Nhật. |
Khách về tham quan công trình của Hoài Linh khá đa dạng, thuộc mọi độ tuổi. Đó là những nghệ sĩ gạo cội của làng nghệ thuật cổ truyền như: NSƯT Út Bạch Lan, NSND Lệ Thủy, NSND Đinh Bằng Phi, NSND Trần Ngọc Giàu..., là rất đông diễn viên trẻ thuộc nhiều lĩnh vực giải trí. Các khán giả ở nhiều tỉnh thành, có người từ Hà Nội, từ các tỉnh miền Tây, từ trung niên đến cao niên, không ngại đường xa đến tận quận vùng ven của Sài Gòn chỉ để được bắt tay chúc mừng Hoài Linh, chụp với anh bức ảnh kỷ niệm.
Hoài Linh không ngại ai thân sơ. Anh nồng nhiệt đón nhận những cái ôm chặt, câu chúc mừng, lời hỏi thăm của mọi người. Dù thấm mệt, anh sẵn sàng nán lại để chụp ảnh với từng người. Giọng nói của các vùng miền vang râm ran ở gian nhà tổ. Giọng Bắc xen giọng Quảng, hòa tiếng miền Tây. Khi nghe có khán giả giới thiệu mình quê Duy Xuyên, anh hớn hở quay sang hỏi thăm về một nữ hộ sinh anh từng biết ở đây.
"Tôi mến mộ Hoài Linh lâu rồi, thích nét chân chất trong diễn xuất của ông ấy từ khi ông ấy hát Than thân trách phận rặt giọng Quảng. Hôm nay, tôi đội mưa rủ bạn đổ đường đến đây xem công trình tâm huyết của nghệ sĩ. Tôi nghĩ ông là người có tâm", bà Quỳnh Anh, 57 tuổi quê gốc Duy Xuyên, chia sẻ.
Cuộc trò chuyện của VnExpress và danh hài Hoài Linh thỉnh thoảng bị ngắt quãng vì anh có khách đến thăm. Nam nghệ sĩ đích thân đi đốt hương để khách thắp bàn thờ tổ nghiệp. Chợt nghe tiếng bầy chim ríu rít bay về đậu trên đầu mái ngói gian nhà, anh quay sang khách vui vẻ bảo: "Vậy là biết sắp 5 giờ chiều rồi đó. Tui quen lịch lũ chim ở đây, cứ đúng giờ là tụi nó về". Đoạn anh nhanh nhẹn bước đến chiếc chuông đồng lớn gióng lên mấy hồi ngân dài trầm bổng.
| Hoài Linh chăm vườn rau nhỏ trong khuôn viên nhà thờ tổ của anh ở quận 9, TP HCM. |
Hoài Linh đã sắp đặt người coi sóc gian nhà thờ tổ. Vì bận đi diễn, anh chỉ có thể về đây một tuần đôi lần. Anh kể cả đời mình không thích ăn uống sang trọng gì, chỉ muốn xới tô cơm ăn với khô cá, mắm, đi chân trần ra khoảnh vườn rau nhỏ phía sau nhà thờ tổ nhìn đám rau muống, rau cải mọc xanh mát mắt, nhìn đám cá đến giờ ăn lại quẫy đạp tung tóe mặt nước. "Khi nào già, tôi sẽ cất cái chòi ở đây sống, chăm lo hương khói chỗ này", anh nói.
Sources: vnexpress |