Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Nghệ Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Nghệ Sĩ » Gia Đình Nghệ Sĩ Thành Tôn - Bạch Lê Ca Sĩ: Thành Tôn, Bạch Lê    
Ngày Đăng: 12 Tháng 08 Năm 2015

Gia đình nghệ sĩ có nhiều thế hệ nối tiếp nhau theo nghề hát, sau gia đình Minh Tơ phải kể đến gia đình nghệ sĩ Thành Tôn.

NSND Thành Tôn và vợ NS Huỳnh Mai cùng hai con trai NS Bạch Long - NSƯT Thành Lộc.

Ông Thành Tôn tên thật là Nguyễn Thành Tôn, sinh năm 1913 tại xã Trường Thọ, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, mất ngày 8.11.1997 tại bệnh viện Nguyễn Trãi, Sài Gòn. Ông cố là Nguyễn Văn Sĩ, ông nội là Nguyễn Văn Luông (bầu Luông), thân phụ ông là Nguyễn Văn Nở và một số rất đông bà con thân thuộc đều theo nghề hát bội từ cuối thế kỷ trước đến hết thế kỷ này. Riêng ông Thành Tôn đã có 65 năm nổi trôi với nghề hát bội.

NGHỆ SĨ THÀNH TÔN VÀ CÁI NÔI HÁT BỘI

Từ năm 13 tuổi, ông đã thôi học chữ, trở về quê để đi theo gánh Phước Long Ban của ông nội ông là bầu Luông. Phước Long Ban là một đại ban, chuyên hát bội ở các tỉnh miền Tây, mỗi lần di chuyển phải sử dụng hơn 10 chiếc ghe chài lớn nhỏ mới đủ chuyên chở các nghệ sĩ, công nhân khuân vác và những dụng cụ dựng rạp hát như vải bố, tăng, ghế sắt. Đến địa phương nào không có đình, miễu, rạp hát thì Phước Long Ban sẽ bao nhà lồng chợ. Tuy là theo gánh hát nhà nhưng ông Thành Tôn vẫn phải học hát theo đúng trình tự, nghĩa là phải học từ vai quân hầu, quân canh, quân chạy hiệu, cho đến khi Thành Tôn được 17 tuổi mới được đóng vai kép con. Ông Nhưng Sửu (Bến Tre) là người thầy đầu tiên dạy cho ông Thành Tôn đóng vai Hoàng tử trong tuồng San Hậu.

Lúc tôi còn cộng tác ghi chép tuồng hát bội cho anh Thành Tôn trong Ban Vân Hạc (Sáu Vững) ở Đài phát thanh Sài Gòn, anh Thành Tôn thường kể cho chúng tôi nghe những cực nhọc khó khăn khi anh mới bước vô nghề hát. Hồi xưa đó… Gánh hát Phước Long Ban cứ “6 tháng làm, 6 tháng ăn”, nghĩa là từ tháng giêng đến cuối tháng 4 là “hết chầu”, gánh hát quay về quê quán, chia tiền cho anh em, sau đó vừa tập tuồng mới vừa làm ruộng để sống. Chia tiền thù lao là theo thứ tự cao thấp trong gánh hát, trước hết là ông bầu Luông, ông Nhưng, ông biện tuồng (tức là soạn giả), người có nghề giỏi rồi mới đến kép, đào, sau đó mới đến tướng, quân chạy hiệu. Thu nhập chính là nhờ làm ruộng và có vậy người yêu nghề mới gắn bó với hát bội được.

NSND Thành Tôn và con trai út NSƯT Thành Lộc

Từ năm 1930 đến 1945, hát bội càng lúc càng mất khán giả. Ở thành thị, gánh hát cải lương được khán giả ưa thích vì cũng là những tuồng Tàu như bên hát bội, nhưng hát cải lương y trang đẹp hơn, lời ca điệu hát dễ nghe, dễ hiểu hơn. Gánh Phước Long Ban của bầu Luông muốn tồn tại phải cải tiến thành hát bội “kim thời”, có vẽ phong cảnh thay vì dàn cảnh tượng trưng một cách thô sơ như xưa. Bớt hát Nam, bớt hát khách, thay vào đó đào kép phải học ca cải lương (những bài bản nhỏ, ba Nam, sáu Bắc và vọng cổ). Anh Thành Tôn đã lên Vĩnh Long rước được ba nhạc sĩ nổi danh là Hai Bá (đờn tranh), Năm Bửu (đờn cò) và anh Bảy Thu (đờn gáo) để về dạy cho đào kép Phước Long Ban ca cải lương, và có được thêm sự cộng tác của soạn giả cải lương Nguyễn Thành Thế nên gánh Phước Long Ban sửa chữa những vở hát bội đã có, thêm nhiều lớp diễn và bài bản như bên cải lương. Về trang phục thì mua y trang mũ mãng của các đoàn hát Quảng Đông ở Chợ Lớn. Sau thời gian canh tân hóa hát bội nầy, anh Thành Tôn đã biến gánh hát của ông nội anh (bầu Luông) thu hút được đông đảo khán giả hơn các gánh đồng nghiệp khác. Thành Tôn cũng học ca cải lương và học được đờn kìm, đờn cò, đờn sến của thầy Hai Bá ở Thiềng Đức nên khả năng của anh về nghệ thuật hát bội và cải lương đều vượt trội hơn các bạn đồng trang lứa.

Năm 1940, ông nội anh mất, cha anh buồn không muốn tiếp tục lèo lái gánh hát nên cho Phước Long Ban rã, anh đi hát cho gánh Thạnh Hưng Ban của ông bầu Hùng ở huyện Trà Ôn (Cần Thơ). Năm 26 tuổi, anh đã làm kép chánh khi anh rời quê hương lên Sài Gòn hát cho gánh Tấn Thành Ban của bầu Cung ở đình Cầu Muối. Một năm sau anh qua gánh Vĩnh Xuân Ban của bầu Thắng, anh là kép chánh ăn khách nhất lúc bấy giờ.

NSƯT Thành Lộc và chị gái Bạch Lựu

Mang danh một kép hát nhà quê, anh ráng học hỏi, tự rèn luyện nghề ca hát nên được báo chí và bạn bè đồng nghiệp nhìn nhận anh là một diễn viên có thực tài, giỏi về mọi mặt trong nghệ thuật hát bội truyền thống và trong nghệ thuật cải lương tân thời. Anh nổi danh các vai võ mặt trắng như: Triệu Tử Long, Chu Du, Lữ Bố, Dương Tôn Bảo, Tiết Nhơn Quý, Tiết Đinh San, Tiết Ứng Luông, La Thành… Rất thành công trong các vai kép võ mặt đỏ: Cao Quân Bảo, Ngũ Vân Thiệu, Địch Thanh, Địch Luông, Nhạc Lôi… Và đóng rất đạt các vai quan trọng như: Tống Nhơn Tôn, Dự Nhượng, Trần Nhựt Chánh, Lý Đán, Bá Ấp Khảo…

Anh đã cộng tác với nhiều ban hát ở Sài Gòn: Nghĩa Thành (Biện Dực), Hoa Xuân (Mười Vàng), Minh Tơ, Huỳnh Long. Từ những ngày mới thành lập, anh Thành Tôn được bầu vào Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ tương tế ai hữu ở Sài Gòn.

Anh là tác giả kiêm chỉ huy nghiệp vụ cho Ban hát bội Vân Hạc, Đài phát thanh Sài Gòn từ 1948 đến 1975. Năm 1952, anh Thành Tôn là một thành viên quan trọng trong việc điều hành mọi hoạt động của Hội Khuyến lệ cổ ca Sài Gòn, một hội đoàn tư nhân có chủ trương duy trì, phục hồi sân khấu hát bội đang hồi sa sút từ những thập niên 50, 60, 70…

MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG VỚI NGHỀ

Anh Thành Tôn là một tấm gương sáng cho những nghệ sĩ ham học, siêng năng trau dồi nghề nghiệp. Anh thấy nghệ sĩ nào hay, “miếng nghề” nào giỏi có thể ứng dụng nâng cao nghệ thuật ca hát, anh đều cố gắng học hỏi, ghi chép và nhờ có tài năng riêng, anh sáng tạo sao cho thích ứng với sàn diễn và đem kinh nghiệm chỉ dạy lại cho các thế hệ diễn viên đàn em, đàn cháu.

Nghệ sĩ Bạch Lê cùng chồng, nghệ sĩ Thanh Bạch

Khi ban Vân Hạc mới thành lập, anh đã viết lại 9 vở tuồng Tàu mà trước đó các gánh thường diễn cương. Biện tuồng nói lớp, phân vai rồi mỗi diễn viên diễn cương theo tài năng riêng của mình, do đó tuồng không được “lập thành”, văn chương thiếu phần trau chuốt và cũng không đoàn nào hát giống đoàn nào, thậm chí đêm nay lớp nầy hát như vầy, đêm sau cũng lớp đó mà hát lại khác đi.

Chín vở tuồng Tàu mà anh viết cho ban Vân Hạc hát trên Đài phát thanh Sài Gòn được các hãng đĩa Béka, Asia, Oria thâu ép thành đĩa nhựa, bán rộng rãi giúp cho sự truyền bá và cổ vũ cho nghệ thuật hát bội.

65 năm trong nghề hát bội, anh Thành Tôn đã viết lại 9 vở tuồng Tàu cũ (trước đó tác giả là vô danh): Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Mộc Quế Anh dâng cây, Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính giải giáp Thọ Châu, Tiết Giao đoạt ngọc, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, La Thông tảo Bắc, Xử nữ Phi Giao, Tiết Đinh San chinh Tây. Sáng tác 15 tuồng lịch sử và dã sử: Hận Nam Quan, Dưới cờ Thuận Thiên, Trưng Nữ Vương khởi nghĩa, Triệu Thị Trinh, Ngô Quyền hưng quốc, Mai Hắc Đế, Lý Bôn lập quốc, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau, Triệu Quang Phục, Lê Triều Lý Thị, Trần Hưng Đạo - Bạch Đằng giang, Tổng đốc Hoàng Diệu, Thục Phán hưng vương, Trọng Thủy - Mỵ Châu, Triệu Vũ Vương.

Ngoài ra, anh còn sáng tác 3 tuồng Phật (Thích Ca đắc đạo, Quan Âm Thị Kính, Thiện hữu - Ác hữu), 3 tuồng đồ (Bá Nha ngộ Tử Kỳ, Lý Bạch đầu Đường, Văn Ngươn Hạnh, Võ Lợi Trinh), 4 tuồng giễu: Hồng Cẩm Miêu, Cao Phi viễn tẩu, Kén rể đầu xuân, Em bé ngoan cường (viết chung với Đinh Bằng Phi).

THẾ HỆ TIẾP NỐI

Học trò hát bội của anh Thành Tôn có nhiều người rất nổi danh như danh hề Châu Kỹ, cô đào Kim Thanh mà người trong giới khen là giỏi tương đương với cô Năm Đồ đang thời xuân sắc, cô Ngọc Khanh và những tài năng trẻ như Minh Tốt, Ngọc Sanh, Xuân Qua, Hữu Danh, Nguyễn Hoàn, Ngọc Nga, Kiều Nga, Kim Nên, Thiên Kim. Những tài năng trẻ hát bội được nêu danh trên đây tương đương với các nghệ sĩ bên cải lương mà nhiều người quen tên biết tiếng như: Thanh Thanh Hoa, Ngọc Hương, Tài Linh…

Ngoài việc đào luyện thế hệ trẻ, anh Thành Tôn còn đạo diễn dàn dựng cho nhiều tuồng hát bội và tổ chức tái diễn những vở tuồng thầy như: San Hậu (trọn tuồng ba thứ), Tam nữ đồ vương, Hộ sanh đàn, để các vở hát bội mẫu mực đừng bị mất chìm trong quên lãng.

Sau năm 1975, khi có cơ hội thuận tiện, anh tập hợp những diễn viên có tay nghề, làm thành nhóm để diễn các trích đoạn: Phàn Diệm đại chiến Tạ Ôn Đình, Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. Nhờ kiên trì, anh lôi cuốn được anh em đồng nghiệp trở lại sàn diễn, đào tạo thêm thế hệ diễn viên trẻ, làm nền cho việc xây dựng lại đoàn hát bội chuyên nghiệp của thành phố.

Những người con của NSND Thành Tôn đều thành danh trên sân khấu. Trong ảnh: Nghệ sĩ Bạch Lê và NSƯT Thành Lộc trong vở cải lương tuồng cổ thuộc hàng kinh điển: Câu thơ yên ngựa - Ảnh: Hòa Bình

Năm 1985, anh sáng tác và đạo diễn tuồng Trần Liễu, tập cho các diễn viên trẻ và anh thủ diễn vai Trần Liễu, đi lưu diễn miền Trung (Quy Nhơn, nơi đã sản sinh ra nghệ thuật hát bội) được ngợi khen nhiệt liệt. Đây là vai diễn sau cùng của cuộc đời nghệ thuật của anh Thành Tôn vì lúc nầy anh đã cảm thấy yếu lắm rồi (73 tuổi).

Người bạn đời của anh: Chị Bảy Huỳnh Mai (em ruột của nghệ sĩ Minh Tơ) cũng là một nghệ sĩ hát bội tài danh. Các con như: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc, đều là những nghệ sĩ sân khấu có thực tài.

Bạch Liên và Bạch Lý chuyên hát tân nhạc. Bạch Liên là công chức Tòa Đô chánh Sài Gòn, có chồng sĩ quan, đi diện HO, hiện nay định cư tại San José, California. Bạch Lê có chồng là nghệ sĩ Thanh Bạch, cả hai đều nổi danh về cải lương và Hồ Quảng. Bạch Lê có thu nhiều tuồng Hồ Quảng, vai đào chánh với nghệ sĩ Hùng Cường như: Vạn lý trường thành, Thanh xà - Bạch xà, Thượng Dương hoàng hậu, Mạnh Lệ Quân thoát hài... Bạch Lê từng là đào chánh đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và đoàn Huỳnh Long một thời gian dài. Nghệ sĩ Thanh Bạch (chồng của Bạch Lê) là con của đôi nghệ sĩ hát bội tài danh Bảy Huỳnh - Ngọc Hương. Thanh Bạch có những anh chị em là nghệ sĩ cải lương tuồng cổ lừng danh như đào Bạch Mai, chồng là Đức Lợi, các em Bạch Lan, Kim Phượng, Tám Anh, và hai đứa em trai, chuyên viên làm mão, may phục trang tuồng cổ. Thanh Bạch và Bạch Lê hiện nay định cư ở Pháp (Paris). Bạch Lê và Thanh Bạch đã có 3 con, thôi hành nghề nghệ sĩ sân khấu. Thỉnh thoảng nhớ nghề và khi có điều kiện thì đôi nghệ sĩ tài danh tuồng cổ này hát giúp cho Hội người Việt ở Pháp.

Bạch Lựu từ năm 1978 làm Phó trưởng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, chuyên lo về hành chính và kiểm soát thu chi của đoàn; năm 1987, theo chồng định cư ở Úc.

BẠCH LONG VÀ THÀNH LỘC

Bạch Long thừa hưởng được chân truyền nghệ thuật của cha là nghệ sĩ tài năng Thành Tôn, đã nối chí cha, mở lớp Đồng Ấu Bạch Long, đào tạo nhiều diễn viên trẻ. Ba huy chương vàng giải Trần Hữu Trang 1995 - 1996, 1996 - 1997, 1997 - 1998 được trao cho các cô Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân, và các cô huy chương vàng này đều được đào tạo trong lớp Đồng Ấu Bạch Long. Có đến tận nơi xem cách dạy hát, dạy vũ đạo, dạy ca của lớp Đồng Ấu Bạch Long mới thấy bề dày kinh nghiệm qua nhiều chục năm trui rèn trên sân khấu tuồng cổ của nghệ sĩ Thành Tôn đã được đứa con yêu nghề Bạch Long nâng niu, chọn lọc những nét đẹp nhất, hay nhất, có hiệu quả sân khấu nhiều nhất để truyền dạy lại cho các học viên trẻ. Các trường sân khấu chính quy cũng chưa thể nào đào tạo được mỗi năm một diễn viên huy chương vàng và liên tục được trong 3 năm như Đồng Ấu Bạch Long. Mỗi lớp diễn mẫu được phân tích kỹ, vũ đạo đâu ra đó, không có động tác thừa trong cách ra bộ của các học viên: vai văn ra văn, võ ra võ, chứ không nhập nhằng giữa các loại vai với nhau. Về ca, ngâm, bài bản cải lương, ca Hồ Quảng đều được phân biệt cho đúng cách. Lớp học của Đồng Ấu Bạch Long làm tôi nhớ lại lớp Đồng Ấu Minh Tơ, nơi đã đào tạo ra nhiều nhân tài sân khấu mà đến nay khó có người thay thế như Thanh Tòng, Ngọc Đáng, Bửu Truyện, Thanh Thế, Đức Lợi, Bạch Mai… Lớp của Đồng Ấu Bạch Long đã đào tạo được Vũ Luân, Tâm Tâm, Binh Tinh, Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân… Và hiện nay Bạch Long thực hiện những chương trình truyền hình cho thiếu nhi và trên sân khấu kịch Idecaf.

Thành Lộc, đứa con trai út của nghệ sĩ hát bội và cải lương tuồng cổ Thành Tôn lại rẽ bước sang ngành kịch nói. Không phải Thành Lộc không có hơi ca, ca không hay mà đành bỏ cái sở trường được cha mẹ và anh chị truyền dạy để dấn thân vào một môi trường nghệ thuật mới lạ. Từ khi Thành Lộc mới tham gia ngành kịch nói, báo chí và giới am hiểu nghệ thuật đã khẳng định Thành Lộc là một tài năng không chỉ biểu thị cho một cá nhân xuất chúng mà còn biểu thị cho một thế hệ nghệ sĩ kịch nói Việt Nam từ sau 1975. Ở Thành Lộc, mỗi bước di chuyển trên sân khấu, mỗi động tác, mỗi liếc mắt, một nụ cười, mỗi giọng nói đối thoại vui, buồn hay giận dữ đều như được hấp thụ và phát huy từ nguồn sân khấu truyền thống: Hát bội, cải lương kết hợp với cái tinh xảo của phương pháp biểu diễn hiện đại. Có thể kể các vai diễn “để đời” của Thành Lộc trong các vở kịch: Lôi vũ, Dạ cổ hoài lang, Tiếng chim vườn Ngọc Lan, Giấc mộng kê vàng…

Có thể tôi không nhớ đầy đủ hết các hoạt động nghề nghiệp của các con của anh Thành Tôn, nhưng chỉ bằng những gì tôi nhớ được, kể ra trên đây cũng có thể nói ra được rằng gia đình nghệ sĩ Thành Tôn quả xứng đáng được vinh danh là MỘT ĐẠI GIA của sân khấu cải lương.

Sources: baomoi

Thành Tôn, Bạch Lê
Tiểu Sử Thành Tôn
Tiểu Sử Bạch Lê
  » Chân Dung Người Cha Nổi Tiếng Của Nghệ Sĩ Thành Lộc
  » Gia Đình Nghệ Sĩ Thành Tôn - Bạch Lê
  » Gia Đình Của Nghệ Sĩ Thành Lộc Và Những Điều Chưa Bao Giờ Biết
  » “Ăn Cơm Tổ” Ba Đời - Kỳ 1: Ba Tôi - NSND Thành Tôn
  » Rạng Danh 5 Đời Theo Nghề Hát
Những Tin Tức Nghệ Sĩ Khác
  » Biệt Phủ 8.000 M2 Của NSND Phạm Phương Thảo
  » Ảnh Sao 29/3: Phan Hiển Nịnh Khánh Thi
  » Cuộc Sống Ở Tuổi 55 Của Phước Sang
  » Diệp Lâm Anh Diện Bikini Tí Hon Tắm Biển Cùng Hai Con
  » Ảnh Sao 24/3: NSND Việt Anh Tình Tứ Với Cô Gái Trẻ
  » Biệt Thự Mới Giá 1,8 Triệu Đô Của Danh Hài Bảo Quốc Ở Mỹ Sang Chảnh Cỡ Nào?
  » Ngoại Hình 'Lột Xác' Sau Giảm Cân Của Hồng Vân, Lê Tuấn Anh
  » NSND Lê Khanh: 'Ngày Xưa, Tôi Make Up, Chọn Váy Đẹp Khi Đi Đẻ'
  » Sắc Vóc Và Phong Cách Trẻ Trung Của NSƯT Thoại Mỹ
  » Hoa Hồng Nở Rộ Trong Biệt Thự 500 M2 Của Quyền Linh
  » Ảnh Sao 14/3: Hai Con Gái Đến Phim Trường Thăm Quyền Linh
  » Ngân Quỳnh Thích Thú Cuộc Sống Dân Dã Trong Nhà Vườn
  » Con Gái Quyền Linh Gây Mê Với Visual Ngọt Ngào, Nhan Sắc So Với Thuở Nhỏ Chẳng Khác Là Bao
  » NSƯT Hoài Anh: 'Hạnh Phúc Vì Cân Đối Được Giữa Nghề Múa Và Vun Vén Gia Đình'
  » Cuộc Sống Của Vợ Đầu NSND Công Lý: Làm BTV, Nhan Sắc Một Thời Chẳng Kém Hoa Khôi
  » Trường Giang Đưa Nhã Phương Đi Nghỉ Dưỡng Đà Lạt
  » Biệt Thự 1.500 M2 Ở Sài Gòn Của Việt Hương
  » Ảnh Sao 22/2: NSND Công Lý Mừng Sinh Nhật Vợ
  » NSND Mỹ Uyên Nhiều Năm Đón Tết Trong Hậu Trường Sân Khấu
  » Nghệ Sĩ Hai Nhất Quây Quần Con Cháu Sau Cơn Bạo Bệnh