Ngày Đăng: 16 Tháng 10 Năm 2017 Với nhiều người cố cựu ở Sài Gòn (TP.HCM ngày nay), nói đến cải lương phải nhắc đến “bậc kỳ tài của thiên hạ” chính là cô Năm Phỉ. Cô là người đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu khán giả.
Thậm chí, khi đang diễn có người muốn lên hành hung nhân vật phản diện, hoặc có người lên xin tha cho người bị lỡ đường do cô thủ vai. Thế nhưng, cô Năm Phỉ bỗng chốc ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ đã làm cho hàng triệu người phải đổ lệ.
Trong lúc tìm kiếm các tư liệu cho một bài viết tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM thì PV bất ngờ thấy bức chân dung của một cô bé với dấu hỏi chấm rất to đăng trên tuần báo Điều tra – Phóng sự số 9, xuất bản từ ngày 5 – 11/6/1954 với câu hỏi: “Bức ảnh này của ai?”. Muốn tìm hiểu bức ảnh gì có nội dung là gì, PV liền vào cuộc tìm hiểu. Ngay sau đó, tôi không khỏi giật mình, bởi đây chính là “cô đào” cải lương từng làm nức lòng bao trái tim giới mộ điệu thời bấy giờ.
Cô Năm Phỉ là ai?
Giới mộ điệu cải lương thời ấy không ít người mang theo bên mình hình ảnh của những Bàng Quý Phi (vở Xử án Bàng Quý Phi), Điêu Thuyền (vở Phụng Nghi Đình), Lan (trong Lan và Điệp)... Đặc biệt, vai diễn Bàng Quý Phi đã đưa tên tuổi của cô Năm Phỉ lên tới tột đỉnh vinh quang. Đến mức, hễ tụm năm tụm bảy là người ta lại bàn về cái “ngọt” của cô Năm Phỉ trong các vai diễn.
Nhiều người phải xuýt xoa và vỗ đùi cái “bét” như uống được ngụm rượu ngon khi nói về cô Năm Phỉ. Với vai diễn đẳng cấp này, gánh hát của chồng cô là Phước Cương đã được mời sang Pháp biễu diễn. Sau khi xem, khán giả Pháp cũng không kiềm nén được cảm xúc và hết sức mến mộ tài năng của cô Năm Phỉ. Ngoài vở Xử án Bàng Quý Phi, cô Năm Phỉ còn hóa thân trong nhiều vai nức tiếng khác, đặc biệt là Lan của vở Lan và Điệp. Sau khi kết thúc vai này, nhiều người lo lắng không biết rồi ai sẽ là người làm được như cô Năm Phỉ.
Có người viết, khởi thủy tuồng Lan và Điệp là một trong những vở tuồng làm sáng danh “cô đào” Năm Phỉ. Trước mấy ngày nữ nghệ sĩ Năm Phỉ đột ngột qua đời, xuất hiện lần cuối trên sàn diễn, cô Năm Phỉ hát thật xuất sắc vai Lan. Năm đó, cô Năm Phỉ 47 tuổi, nhưng phải hóa trang khéo léo để thể hiện đúng nhân vật Lan mới có 18 tuổi. Vậy mà cô Năm Phỉ làm được.
| Bức chân dung của cô Năm Phỉ hồi còn thơ ấu. |
Cô bước ra sân khấu, khán giả trầm trồ nét duyên dáng thanh xuân, đúng phong cách nhân vật trong tuồng. Đêm hát cuối cùng ấy, cô Năm Phỉ đóng vai Lan đóng cặp với nghệ sĩ Thanh Tao vai Điệp. Nữ nghệ sĩ tiền bối Năm Phỉ nằm xuống, ai là người đủ khả năng để thay thế cô Năm Phỉ? Câu hỏi hóc búa ấy vẫn còn thách đố cho đến ngày nay. Tuy có những nhân vật khác cũng nổi đình nổi đám không kém nhưng tài nghệ của cô Năm Phỉ thì khó ai có thể bì kịp.
Với vai Bàng Quý Phi, cô Năm Phỉ đã nhận được 4 huy chương vàng của bốn quốc gia, 186 bức thư tỏ tình, 1.009 tấm danh thiếp gởi đến để ngợi khen, 167 kiểu ảnh chụp và 420 bài báo viết về sự thành công rực rỡ của cô. Cô Năm Phỉ cũng rất thành công trong nhiều vai khác, trong các vở Tứ đổ tường, Mộng hoa vương, Cánh buồm đen...
Nghệ thuật diễn xuất của cô đã hấp dẫn, lôi cuốn khán giả, gây xúc động, làm cho bao người phải bùi ngùi, xót thương. Nhiều cụ già và phụ nữ lấy khăn lau nước mắt. Có nhiều bà cụ mếu máo khóc thành tiếng. Tiếng hát của cô có giọng trầm trầm, hơi khàn khàn, bất hủ qua những bài văn thiên tường, vọng cổ, trường tương tư...
Sắp xếp cho một cuộc đi xa
Ngày cô Năm Phỉ mất, báo chí thời ấy đã theo dõi sát sao các hoạt động. Báo Tiếng Dội đã loan tin đầy đủ liên tiếp trong nhiều số báo về cái chết đau đớn và bất ngờ của cô Năm Phỉ: “Một đào hát danh tiếng nhất trong ca kịch giới Việt Nam, một kịch sĩ tiền phong xứ này”.
Còn báo Điều tra – Phóng sự lại có những tư liệu hết sức sinh động nói về những điềm báo trước khi cô Năm Phỉ qua đời... do chính miệng cô nói ra. Không ai ngờ, chính những lời trăng trối ấy mang lại tang tóc thật. Theo đó, thời gian gần lúc cô đột ngột ra đi, các em cô thường nghe thấy những lời trăng trối của chị mình. Ban đầu, ai cũng nghĩ chỉ là chị đùa. Thế nhưng, nó xuất hiện liên tục làm cho ai cũng phải giật mình.
Có lần cô nói với mấy em: “Chị Năm cầu xin lo xong xuôi mả của má đâu đó đàng hoàng, rồi chị sẽ chết”. Theo tìm hiểu của cánh ký giả thời đó thì thân mẫu của cô Năm Phỉ tử nạn vào tháng 10/1951 dương lịch trên đường đi Cần Thơ – Vĩnh Long. Câu nói của cô Năm Phỉ khiến ai cũng chạnh lòng và nghĩ rằng, đấy chỉ là lời nói của cô lo lắng cho mồ mả của thân mẫu, chứ không ai để ý nhiều đến đoạn sau “rồi chị sẽ chết”. Bởi có điều gì làm cô phật lòng hay sự bức bách nào xảy ra với cô đâu.
Sau đó, cách một tuần trước khi cô mất, nhân buổi cơm tại nhà riêng ở hẻm số 39A, đường Monceaux (nay là Huỳnh Tịnh Của, đoạn từ Trần Quốc Toản đến Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM); đường được xây dựng từ thập niên 1900, lúc đầu mang số 26, từ năm 1906 được đặt tên là đường Monceaux nhưng dân chúng quen gọi là đường Mới) gồm có gần như đầy đủ anh em, cô Năm Phỉ lại buột miệng: “Tôi chết và thế nào tôi cũng chết”, rồi cô lại quay các em nói tiếp: “Chị muốn chết quá””.
Nghe vậy, cô Chín Bia (em thứ 9 của cô Năm Phỉ) nói với cô: “Chị không chết đâu. Chết là tôi chết đây nè vì tôi bệnh hoạn liên miên, chớ chị thì đâu có chết”. Cô Năm Phỉ đáp lại: “Không, chị biết thế nào chị cũng chết mà...”. Nghe cô cứ than vãn về cái chết, nhiều người em cô không khỏi giật mình và cố tìm cách gạt ý nghĩ quái gở ấy ra khỏi đầu chị mình.
| Chân dung cô Năm Phỉ trên đỉnh vinh quang danh vọng. |
Cô Chín Bia nói đùa cho vui, hòng qua câu chuyện: “Chị cứ than chết hoài. Thôi bây giờ chị muốn cho tụi tui món gì trong nhà này thì làm chúc ngôn (di chúc) đi, để sau khi chị chết tụi tui giành nhau dữ lắm à vì đồ đạc của chị nhiều quá kia mà”.
Cô Chín Bia pha trò, nói cho vui chuyện làm ai cũng cười. Thế nhưng, cô Năm Phỉ lại nghĩ khác. Vừa dứt câu nói của cô Chín Bia, cô Năm Phỉ đứng bật dậy, níu tay mấy em nói ngay: “Chị nói thiệt à, tụi bây vô đây tao chia cho...”. Nói là làm, cô Năm Phỉ dẫn mấy người em vào trong và chỉ từng món đồ rồi nói với các em: “Cái “đi văng” này chị cho Duy Lân để nó nằm. Cái buồng ngủ chị cho con Kim Cương...”. Cứ thế, cô Năm Phỉ chỉ hết cái này sang cái khác, cho người này người kia.
<Con đường nghệ thuật của cô Năm Phỉ
Lê Thị Phỉ, sinh năm 1907, mất năm 1954, tại làng Điều Hòa (tỉnh Mỹ Tho cũ; nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình công chức. Thân phụ cô là cụ Lê Tấn Công, một trí thức Tây học nhưng chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo sâu nặng. Ông có cả thảy 11 người con và đặt tên thành một câu rất có ý nghĩa: Công (tên cụ), Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để…
Trong số 11 người con của cụ Lê Tấn Công thì có 5 người là nghệ sĩ nổi tiếng như: cô Ba Danh, cô Năm Phỉ, cô Bảy Nam, cô Chín Bia, cô Mười Truyền. Hậu duệ của cô Bảy Nam là Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương.
Ngay từ nhỏ cô Năm Phỉ đã có giọng ca thiên bẩm. Chất giọng trời cho ấy được ông Hai Cu, một thợ bạc ở cùng dãy phố với gia đình cô phát hiện. Ông Hai Cu có người con trai tên Hai Giỏi, lớn hơn cô Năm vài tuổi, cũng có giọng ca rất truyền cảm.
Do ham mê nghệ thuật nên ông Hai Cu vận động giới thợ bạc ở Mỹ Tho đóng góp tiền bạc để lập gánh hát Nam Đồng Ban cho Hai Giỏi làm kép chánh và cô Năm Phỉ làm đào chánh. Vậy là sự nghiệp cải lương của cô Năm bắt đầu từ đó.
Năm 1921, kép Hai Giỏi bị bệnh qua đời, cô Năm Phỉ phải về thọ tang, gánh Nam Đồng Ban tan rã. Sau đó, cô theo hát cho gánh Tái Đồng Ban. Năm 1926, Tái Đồng Ban cũng giải thể, cô Năm Phỉ đi hát cho gánh Văn Hí Ban của ông Huỳnh Văn Vui, và tiếp đến là gánh Phước Cương.
Năm 1954, cô Năm Phỉ bất ngờ qua đời, để lại trong lòng công chúng và người hâm mộ nỗi thương tiếc không nguôi, cô Bảy Phùng Há lúc đang diễn ở Long Xuyên, nghe tin cô Năm Phỉ mất đã xúc động ngất xỉu. Sau đó cô Bảy tức tốc về Sài Gòn để đưa cô Năm đến nơi an nghỉ cuối cùng và để lại những tiếng kêu than xé lòng về người chị nghệ thuật đột ngột ra đi.
Sources: congly |