Ngày Đăng: 30 Tháng 07 Năm 2012 Được đến thăm đôi nghệ sĩ Thanh Tú – Trang Bích Liễu là một may mắn rất lớn. Món quà đầu tiên mà tôi nhận được từ nghệ sĩ Thanh Tú – Trang Bích Liễu truyền sang chính là sự lạc quan yêu đời mặc dù cô đã 66 tuổi, còn chú đã 73 và sức khỏe hiện nay của chú cũng chưa được tốt vì cách đây bốn năm chú bị tai biến và nhũn não.
| NS Thanh Tú - Trang Bích Liễu: Còn hơn cả thủy chung son sắt...! |
Năm 1993, đôi nghệ sĩ Thanh Tú – Trang Bích Liễu rời ánh đèn sân khấu để lại trong lòng khán giả bao nỗi nhớ thương và luyến tiếc. Mở quán ăn tại nhà để xoay sở cuộc sống và đôi khi cũng tham gia vài show lẻ khi có lời mời. Cô Trang Bích Liễu cười tươi chia sẻ, hồi đó “Ổng” còn khỏe lắm cô tính sơ sơ một tháng uống trên 350 chai bia, đôi lúc còn uống khuyến mãi với khách nữa mà bây giờ sức khỏe như thế này, nhiều khi nói chuyện còn khó khăn. Chú cười dí dỏm chắc hồi đó nói nhiều quá nên bây giờ tu là vừa. Nếu ai đã từng được trò chuyện cùng cô chú, chắc chắn sẽ không bao giờ quên vì cô chú rất gần gũi, dễ thương và vui tính… .
Vậy đó, dù khó khăn bệnh tật nhưng cô lúc nào cũng ở bên chú không rời một bước. Cô chăm sóc chú rất kỹ nên mặc dù đang mang bệnh trong người nhưng chú vẫn phong độ và thần thái rất tốt như ngày nào. Sợ phải phụ lòng khán giả, đôi nghệ sĩ Thanh Tú – Trang Bích Liễu rời sân khấu vì hơi ca của mình không còn như lúc trẻ, để rồi cứ nuôi trong lòng hoài nỗi quay quắt nhớ nghề và cứ âm thầm hồi tưởng lại những kỷ niệm xa xưa…
NHỮNG HỒI ỨC VÀNG…
…Chú là người con của mảnh đất Cà Mau. Có lẽ vì được nuôi dưỡng bằng mảnh đất màu mỡ giàu tình đất tình người, và sự che chở của biển cả bao la nên dáng vóc rất đậm nét của người nông dân Nam bộ: hình tướng to cao, da dẻ mặn mòi, nét mặt rất điển trai cương nghị và tâm tính lại chất phác hiền lành, cộng với một giọng ca rất hào sảng, trầm ấm nên nhanh chóng nổi danh trên sân khấu ở thập niên 60.
Hai mươi tuổi vào nghề ở các sân khấu đoàn tỉnh, năm 1961 chú được Thầy là cố NSƯT Út Trong giới thiệu vào Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, một đoàn cải lương thuộc hạng đại ban nhất nhì lúc bấy giờ. Trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga, nghệ sĩ Thanh Tú được diễn chung với “Nữ hoàng sân khấu – NSƯT Thanh Nga”, NSƯT Thanh Sang trong rất nhiều vở diễn thuộc hàng kinh điển như: Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Tấm lòng của biển, Phấn bụi phù hoa, Phu tử tùng tử, Mưa rừng, Người chồng triệu phú… và cả thể loại tuồng hương xa kiếm hiệp như Trăng rụng bến Từ Châu, Võ Tắc Thiên…
Hai năm sau đó, năm 1963 chú đạt huy chương vàng giải Thanh Tâm qua vai diễn Lưu Kiến Xuân trong vở Khói Sóng Tiêu Tương. Đây là một dấu ấn đặc biệt đối với chú vì giải thưởng Thanh Tâm lúc đó vô cùng danh giá, hàng năm chỉ trao cho những nghệ sĩ có vai diễn phải thật sự nổi bật, lại phải cạnh tranh với rất nhiều nghệ sĩ giỏi nghề. Năm đó chú vừa 24 tuổi đạt giải cùng lúc với các nghệ sĩ NSND Bạch Tuyết, NSND Diệp Lang, NSƯT Tấn Tài, NS Mộng Tuyền và NS Trương Ánh Loan.
Sự nghiệp thăng tiến, lúc này tên tuổi của chú được rất nhiều đoàn ngắm nghía và đặc biệt là các hãng phim. Tham gia đóng rất nhiều phim nhưng có lẽ vai ông tướng Ngọc Liên trong phim Biệt Động Sài Gòn là một kỷ niệm đẹp và khán giả nhớ về chú rất nhiều qua vai này.
Năm 1969, chú về hát ở đoàn Ánh Chiêu Dương của NSND Năm Châu. Tại sân khấu này nghề nghiệp của chú càng vững vàng hơn khi được hai Thầy là NSND Năm Châu và NSND Phùng Há truyền nghề. Đây có thể nói là một đặc ân mà Tổ nghiệp đã dành cho chú vì Thầy Năm Châu, Phùng Há là hai bậc “kỳ tài” của sân khấu cải lương. Những bài học của Thầy truyền dạy đã chắp cánh thêm cho tài năng ca diễn của chú qua các vai diễn trong các vở Vợ và tình, Sân khấu về khuya… và đặc biệt là chú được cùng với Thầy của mình đi sang Pháp, Anh… biểu diễn.
…Thấm thoát mà đã mấy mươi năm trôi qua, ngày đó chú còn là một thanh niên trai tráng đi hát mà không bao giờ biết mệt. Vậy mà giờ đây ba hồi mệt ba hồi tỉnh thất thường mỗi tháng đều đi khám và lấy thuốc, cũng còn may là không đứt mạch máu não, hồi đó uống rượu tối ngày giờ uống thuốc tối ngày may là nhờ có “bả”. Giờ mỗi sáng thức dậy lúc 5g30 đi thể dục ở công viên nhỏ trước nhà đến 7g00, cũng may hồi xưa chú tập thể thao dữ lắm nên bây giờ mới được như vầy đó chứ - chú cười tươi, giọng nói của chú vẫn còn đớt vì hậu quả sau cơn tai biến.
Thật vậy, cũng may là có “bả” – Nghệ sĩ Trang Bích Liễu. Năm 1971 chú về hát chánh với nghệ sĩ Phượng Liên trên sân khấu Đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân. Các vai diễn trong các vở Bọt biển 3, Người dừng chân đêm mưa, Kẻ sợ tình,… được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Rồi chú gặp cô trên sân khấu này khi chú mới có 32 tuổi nhưng đã gãy đổ hôn nhân đến cả ba lần, các con chú đều được ông bà nội cưu mang. Còn cô là một tiểu thư nhà giàu vừa mới ra trường Quốc Gia Âm Nhạc. Cô hồi tưởng, cuộc tình của cô chú như mối tình của chàng Trần Minh khố chuối và nàng Tiểu thư Quỳnh Nga, của chàng Trương Chi xấu xí và nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Mẹ cô sợ cô khổ nên cấm đoán dữ lắm, đi đâu bà cũng kêu đứa em đi cùng để canh chừng vì bà nghĩ “ổng – NS Thanh Tú” chắc phải có cái gì dữ lắm nên mới ba lần gãy gánh. Yêu nhau 7 năm mới được mẹ cô chấp nhận, tổ chức đám cưới mà không ai tin.
Tình yêu vợ chồng đã chắp thêm đôi cánh cho tình yêu sân khấu của nghệ sĩ Thanh Tú và Trang Bích Liễu. Cô chú đã lập ra gánh hát cho riêng mình để tạo dựng sự nghiệp và ổn định cuộc sống gia đình. Mải miết trên con đường lưu diễn ở các tỉnh miền Tây với gánh hát đầu tiên mang tên Thanh Tú – Trang Bích Liễu, mà thành phần nghệ sĩ trong đoàn cũng xếp vào hàng thượng thặng như NS Thanh Hải, NS Hoàng Giang, NS Kim Giác…
Cô hồi tưởng, đoàn hát thứ hai của cô chú là đoàn Kim Tinh cũng giải thể vì nhiều lý do năm 1976 đến nổi cô chú phải bán nhà để trả nợ. Sau một thời gian dài bôn ba với bao vất vả, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn và đặc biệt lúc này chú đã tạo dựng được “niềm tin” với mẹ vợ, nên cô và chú đã về thành phố hát ở các đoàn Thanh Minh, Phước Chung, Văn Công Thành phố, Trần Hữu Trang.
Năm 1989 khi đó chú đã 50 tuổi, cô và chú lại lập đoàn Sân khấu mới Tiền Giang đi lưu diễn khắp các tỉnh miền Nam. Hoạt động được một thời gian, lúc này sân khấu cải lương đã rơi vào giai đoạn khó khăn, đoàn hát của cô chú cũng không ngoại lệ nên cũng giải tán sau bốn năm thành lập, gom góp hết vốn liếng và gầy dựng đoàn cải lương Thanh Nga… .
Nghệ sĩ Thanh Tú – Trang Bích Liễu để lại cho sân khấu các vai diễn vàng trong các vở Hòn Đảo Thần Vệ Nữ, Đôi Mắt Tình Yêu, Khói Sóng Tiêu Tương, Vợ và tình, Sân khấu về khuya, Màu xanh mái tóc… Đặc biệt trong vở Bên Cầu Dệt Lụa nghệ sĩ Trang Bích Liễu đằm thắm, dịu dàng qua vai Tiểu thư Quỳnh Nga, vai Nhuận Điền của nghệ sĩ Thanh Tú đã in sâu trong lòng rất nhiều thế hệ khán giả mộ điệu, vì đây là một vở diễn kinh điển cho đến hôm nay khán giả vẫn có thể xem lại một cách dễ dàng trên các trang mạng. Trên sân khấu bên cạnh các nghệ sĩ khác, nghệ sĩ Thanh Tú vẫn bật sáng một cách kỳ lạ, nét diễn chân phương gần gũi, giọng ca sang sảng và một phong cách rất nhà quê như chính bản thân của chàng trai sông nước Cà Mau vậy. Nghĩ cuộc đời cũng lạ, đôi khi có những bất ngờ mà mình không biết trước – chú chia sẻ, vai diễn Nhuận Điền ban đầu chú chỉ diễn thế vai cho nghệ sĩ Hương Huyền vậy mà vai diễn này hình như Tổ nghiệp đã dành sẵn cho mình. Vậy đó mà chú có một vai diễn để đời, khán giả cứ nhớ một Thanh Tú – Nhuận Điền mặc dù chú đạt huy chương vàng giải Thanh Tâm qua vai diễn Lưu Kiến Xuân trong vở Khói Sóng Tiêu Tương ở mãi… thập niên 60.
Hạc Lâm
Sources: cailuongvietnam |