Ngày Đăng: 05 Tháng 07 Năm 2014 Thong dong, vững chãi suốt 5 thập niên qua, tiếng hát của Trang Mỹ Dung không bao giờ bị quên lãng trong lòng công chúng yêu dòng nhạc trữ tình
Đến tận năm nay, nữ ca sĩ từng được mến mộ qua nhiều ca khúc: Mưa nửa đêm, Phận nghèo, Tách bến, Xa nhau từ đó, Phượng buồn... mới cảm nhận rõ ràng rằng đã đến lúc bà cần hạn chế lên sân khấu, xa dần sàn diễn. Trang Mỹ Dung chia sẻ bà có ý định dần rời sàn diễn từ nhiều năm trước do sức khỏe không còn tốt. Dẫu vậy, bà muốn lặng lẽ rời sân khấu, không tổ chức đêm diễn cuối cùng và chỉ tri ân khán giả bằng việc tham gia một số chương trình văn nghệ từ thiện khi có dịp.
Danh ca thầm lặng
Hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, Trang Mỹ Dung có những đóng góp nhất định cho làng nhạc Việt. Bà vẫn giữ được sự mộc mạc vốn có trong giọng hát của mình, chinh phục khán giả yêu thích dòng nhạc trữ tình suốt bao năm. Mặc dù được người hâm mộ công nhận là danh ca nhưng Trang Mỹ Dung ngoài đời sống rất khiêm tốn. Bà được nhiều nhạc sĩ như Châu Kỳ, Anh Bằng, Mạc Thế Nhân, Ngọc Sơn, Phạm Đình Chương, Hoàng Trang… quý mến.
| ừ trái sang: Các ca sĩ Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Phương Dung trong đêm nhạc chia tay sân khấu của ca sĩ Trang Mỹ Dung |
Do tính cách khép kín, Trang Mỹ Dung không thuộc dạng thích bon chen danh vọng. Bà nhẹ nhàng đến với nghề và mong ước nhẹ nhàng rời sân khấu. Mới đây, nữ ca sĩ này cùng với 2 người bạn là Giao Linh, Phương Dung hát chung trong đêm nhạc mà chỉ có bà biết sau đêm này mình sẽ xa dần sàn diễn. Vì thế, bà hát, tâm sự với khán giả một cách chân thành, tha thiết như chưa bao giờ được hát khiến người nghe bâng khuâng, bồi hồi xúc động. Để rồi, khi kết thúc, Trang Mỹ Dung lặng lẽ rời đi, chưa dám nói với những người yêu mến mình lời giã từ.
“Sẽ không có đêm diễn cuối cùng, tôi mong mình rời sân khấu trong lặng lẽ và tri ân khán giả bằng việc tham gia một số chương trình văn nghệ từ thiện có chọn lọc. Nhìn lại quá trình từ lúc đến với sân khấu rồi được mến mộ, tôi thấy mình diễm phúc hơn nhiều người. Nếu nói sự từng trải, đau thương trong đời thực thường giúp người ca sĩ có giọng ca da diết, chứa đầy tâm sự, tôi không thuộc những ca sĩ đó. Bởi tôi được gia đình quan tâm, chăm sóc, bên cạnh mình lúc nào cũng có người thân. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng vẫn để lại dư vị đẹp của tình bạn. Tôi sống nội tâm, suy nghĩ nhiều nhưng ít bộc lộ mà đem tất cả cảm xúc đó vào ca khúc phù hợp với mình” - ca sĩ Trang Mỹ Dung tâm sự.
Hai ca sĩ Giao Linh, Phương Dung là những người bạn thân của bà đều khẳng định Trang Mỹ Dung hiền và ít nói về bản thân. Bà chỉ bộc lộ cảm xúc về bài hát được nghe, được xem do đồng nghiệp biểu diễn, sống khép kín, hiếm có bạn nhưng hễ gắn kết với ai, bà mãi mãi xem là tri âm. Trang Mỹ Dung cũng là người quan tâm đến đồng nghiệp, hễ bất kỳ ai gặp khó khăn, bà đều có mặt để sẻ chia, an ủi.
Duyên may
Trang Mỹ Dung sinh năm 1951 tại Phan Thiết trong một gia đình không ai theo nghề ca hát. Năm 6 tuổi, bà theo ba mẹ vào Sài Gòn sinh sống. Đến năm 1967, bà ghi danh tham dự cuộc thi tuyển chọn ca sĩ trẻ do Đài Truyền hình Sài Gòn tổ chức.
Theo nhạc sĩ Mạc Thế Nhân, sau buổi sơ khảo cuộc thi trên, nhạc sĩ Anh Bằng đã khuyến khích Trang Mỹ Dung theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Sau đó, được sự đồng ý của ba mẹ, bà tham gia học lớp thanh nhạc do nhóm Lê - Minh - Bằng (gồm Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng) sáng lập.
Học được 1 năm, Trang Mỹ Dung được nhạc sĩ Anh Bằng giới thiệu đến thu âm cho hãng dĩa Asia - Sóng Nhạc, một thương hiệu rất nổi tiếng thời đó. Sau nhiều ca khúc được đón nhận nồng nhiệt, bà được nhiều hãng dĩa khác mời cộng tác và có mặt trong các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp. Nữ ca sĩ này từng gặp tai nạn giao thông trong một chuyến lưu diễn ở miền Trung thời trẻ, bị bể xương hàm và tạm dừng biểu diễn một thời gian.
“Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, nếu lấy nghệ danh là Mỹ Dung, thời đó lại trùng tên với một ca sĩ đàn chị nên khi tôi mời cô ấy vào ban Tạp Lục hát hằng tuần trên sóng phát thanh, Dung đã sửa lại nghệ danh là Trang Mỹ Dung, tương tự các học trò khác của tôi như: Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến và Trang Kim Phụng. Kỳ thực, những ca sĩ này không họ hàng gì với nhau” - danh hài Tùng Lâm kể.
Tâm sự thêm về cơ duyên đến với nghề dẫu lặng lẽ nhưng “nước chảy đá mòn”, “mưa dầm thấm lâu”, giọng ca của bà thấm sâu vào lòng người hâm mộ, Trang Mỹ Dung thổ lộ bà nghĩ ba mẹ mình đã gieo duyên lành để mình được khán giả yêu quý.
“Khi tôi mới vào nghề, một số người quen thắc mắc tại sao gia đình công chức mà lại cho con gái theo nghề xướng ca. Ba tôi cười bảo rằng đó là duyên may vì đem lời ca tiếng hát truyền cảm xúc để người ta sống tốt, sống thiện thì rất đáng trân quý. Mẹ tôi chưa bao giờ đòi hỏi tiền thù lao đi hát của con gái phải cao hơn danh ca này, ngôi sao khác; chưa hề dạy tôi phải tranh giành ai để có được sô diễn. Tất cả đều là duyên may, ngay cả việc tôi tạm rời sàn diễn một cách lặng lẽ cũng là duyên may, chứ ở tuổi này mà còn làm ầm ĩ trông rất kỳ” - Trang Mỹ Dung chia sẻ.
Bà không nói đến thời điểm quay lại nhưng lịch thu âm những bài hát cho Phật giáo, những chương trình thiện nguyện giúp trẻ em mồ côi, khuyết tật và người già neo đơn thì bà vẫn nhận. Thong dong, vững chãi 5 thập niên qua, tiếng hát của Trang Mỹ Dung không bao giờ bị quên lãng trong lòng công chúng mộ điệu dòng nhạc trữ tình.
Da diết nhưng không bi lụy
Về giọng hát Trang Mỹ Dung, soạn giả Kiên Giang nói rằng ngoài việc truyền đạt lời ca tiếng hát một cách rõ ràng, chuẩn xác, nữ ca sĩ này còn sử dụng cách luyến láy rất riêng để làm rõ thêm ý nghĩa của bài hát. Tất cả khiến người nghe nhận thấy được nỗi niềm cần được chia sẻ, cảm thông trong những ca từ da diết đó. Ca sĩ Lan Ngọc cho rằng Trang Mỹ Dung chinh phục những trái tim đang yêu bằng chất giọng trầm buồn, da diết nhưng không đến mức bi lụy, não nề.
Sources: nld |