Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Nghệ Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Nghệ Sĩ » Trọng Nguyễn: Danh Sĩ Đất Bạc Liêu - Cà Mau Ca Sĩ: Trọng Nguyễn    
Ngày Đăng: 03 Tháng 02 Năm 2015

Đã mấy năm nay, ngày nào cũng vậy, một ông già đen đúa, hom hem, lụm cụm đến quán trước cơ quan tôi để ăn sáng. Vì ông rất ít nói nên cũng ít ai ngồi với ông, thường thì ông chỉ ngồi một mình với ánh mắt mơ màng, xa xăm. Dáng vẻ bên ngoài của ông không có gì đặc biệt nên ông lẩn khuất trong thiên hạ. Thế nhưng, khi thấy ông đi ăn sáng ngày càng trễ, người ngày càng gầy yếu thì tôi ứa nước mắt. Bởi vì, với tôi, ông không phải là một người bình thường, ông chính là danh sĩ đất Bạc Liêu - Cà Mau: soạn giả Trọng Nguyễn.

Quê ông ở xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). Ông sinh năm 1938 và đi làm cách mạng từ rất sớm - năm 1954. Lúc đầu làm giáo viên, sau đó lên làm diễn viên Đoàn Văn công tỉnh. Và sau nữa là làm Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đoàn Văn công Khu Tây Nam Bộ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông làm cán bộ Ban Tuyên giáo, Ty Văn hoá - Thông tin, rồi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Khi tỉnh Minh Hải chia tách năm 1997, ông được điều về Bạc Liêu làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh và Tổng Biên tập Tạp chí Dạ cổ hoài lang, Liên chi hội trưởng Chi hội Sân khấu ĐBSCL, rồi nghỉ hưu năm 2002.

Nhìn vào lai lịch ấy, thấy hoạt động của ông ít dính líu đến một nghề làm nên danh phận Trọng Nguyễn. Đó là sáng tác kịch bản cải lương và ca từ vọng cổ. Thật ra, tài năng ông toả sáng hồi còn rất trẻ. Với “Giọt máu oan cừu” từ những năm 60 ông đã là một soạn giả mát tay của cải lương Nam Bộ.

Tôi sinh trưởng tại Bạc Liêu, một vùng đất giàu truyền thống văn hoá - văn nghệ. Và cũng như Trọng Nguyễn, khi tôi mở mắt chào đời là đã thấy quê hương mình chan hoà cái màu xanh đến huyền hoặc của lá dừa nước và đồng ruộng mênh mông cánh cò. Ở đó, man mác, dập dờn, bảng lảng làn điệu 6 câu vọng cổ. Lúc 7, 8 tuổi tôi đã mê muội đi theo mấy anh trong xóm đờn ca mà nghe vọng cổ. Đất của quê nghèo sinh ra hạt lúa ốm nhom nuôi nấng thể chất người quê, còn làn điệu vọng cổ và các bài bản cổ nhạc chở theo tình yêu, luân lý cuộc đời đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của họ. Các làn điệu ấy đã làm dịu nhẹ, sưởi ấm những tủi cực, đau thương mất mát của chiến tranh máu lệ để người Bạc Liêu, Cà Mau đi tới hôm nay.

Khi tôi lớn lên, trở thành chàng thanh niên đứng ngơ ngác trước cuộc đời bỗng nghe tuồng cải lương Giọt máu oan cừu, Rừng thần; rồi các bản vọng cổ như: Ơn Đảng, Quê anh quê em, Đồng bìm bịp, Cánh đồng năn, Bên sông Vàm Cỏ… Sau nữa là các bản: Giọt sữa cuối cùng, Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn, Chợ mới, Phùng Ngọc Liêm, Hậu Giang chiều vắng em, Bạc Liêu ngày ấy, Đêm Châu Hưng… của soạn giả Trọng Nguyễn.

Ông đã mượn làn điệu vọng cổ và các bài bản cổ nhạc Bạc Liêu để chuyên chở những quá khứ, những bi tráng của đất quê hương, của Cà Mau mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông mang tặng cho đời. Tôi nghe tác phẩm của ông và tôi thổn thức, tôi hiểu đất này có được từ mồ hôi nước mắt của cha ông dựng nghiệp từ nghèo khó, cơ nhỡ. Họ phải đương đầu với áp bức, bất công của thực dân đế quốc. Họ phải tiến hành cuộc đấu tranh trong mưa bom bão đạn để giữ đất, giữ nền độc lập dân tộc bằng máu và nước mắt. Rằng không có Đảng chỉ lối soi đường thì mãi mãi đất này chìm trong nô lệ…

Nghe cải lương, vọng cổ của ông, tôi hiểu chiều sâu của đất Bạc Liêu, Cà Mau và những điều lớn lao của cuộc đời, và tôi yêu tôi quý cái mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, cũng như con đường mà tôi chọn.

Tôi ngẫm nghĩ, nghệ phẩm của Trọng Nguyễn quả là có sức mạnh. Và chính vì sức mạnh ấy nên nó lan xa, toả rộng. Còn nhớ thời kỳ bao cấp, tuy đói ăn nhưng nghe Đoàn Cải lương Hương Tràm về các xã biểu diễn những vở Giọt máu oan cừu, Rừng thần… của Trọng Nguyễn thì bà con náo nức khăn áo băng đồng có khi cả chục cây số để đi xem. Những vở diễn ấy chẳng những đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn nghệ của quần chúng, mà còn góp phần quan trọng làm nên danh phận của một số nghệ sĩ Bạc Liêu, Cà Mau như: Minh Đương, Minh Hoàng, Minh Chiến, Thanh Thảo… và những thế hệ sân khấu cải lương sau này nữa.

Còn các bài vọng cổ của ông dù nó là tình ca, sử ca hay quê hương ca cũng đều mượt mà. Ca từ của Trọng Nguyễn không phải là loại ngôn từ bác học, nhưng nó dung dị, mượt mà, là lời ca của tận đáy lòng, cho nên nó dễ đi vào lòng người. Ở khắp làng quê Bạc Liêu, Cà Mau và cả ĐBSCL rộn ràng lời ca của Trọng Nguyễn trong những ngày sớm nắng chiều mưa. Ở những cuộc thi Tiếng hát truyền hình, số lượng người đăng ký hát bài ca của Trọng Nguyễn đạt con số kỷ lục. Ta đi vào một vùng quê hẻo lánh và ta hỏi cái tên Trọng Nguyễn thì gần như ai cũng biết. Có lần ông về Long Điền, mấy cô gái ở xóm chờ tới tối, kéo đến thập thò trước cửa xem mặt Trọng Nguyễn. Một cô vào xem rồi trở ra nói với mấy cô bạn của mình: “… Ổng đen thui hà tụi mầy ơi!”.

Một đời làm văn nghệ sĩ, đẻ ra dăm ba đứa con tinh thần để đời là đã gọi thành công. Thế nhưng, đời soạn giả của Trọng Nguyễn có rất nhiều đứa con tinh thần để đời mà tôi đã liệt kê ở trên. Nói như thế mới thấy Trọng Nguyễn lớn lao. Và ngẫm ra cuộc đời cũng thật công bằng, Trọng Nguyễn mang tâm hồn, trái tim thật nhất của mình đến với cuộc đời thì cuộc đời cũng nồng nhiệt đáp trả ông như vậy.

Sau năm 1997, tỉnh Bạc Liêu tái lập, tôi có dịp gần gũi hơn với Trọng Nguyễn. Lúc ông làm Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh thì tôi là Uỷ viên Thường vụ Hội. Thời gian gần gũi ấy đã giúp tôi phát hiện nhiều điều thú vị về Trọng Nguyễn. Có lần tôi viết kịch bản văn học cho một phim tài liệu về Bạc Liêu, tôi cùng ông và anh Thanh, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh đến thông qua Thường vụ Tỉnh uỷ. Đọc tới đoạn chị Nguyễn Thị Tư ở Vĩnh Hưng cho con bú thật no trước khi giặc giết, ông ứa nước mắt rồi nói nhỏ: “Mầy cho tao xin đoạn này, tao viết vọng cổ”. Thế là, bài Giọt sữa cuối cùng ra đời, làm thổn thức bao trái tim.

Trọng Nguyễn tài năng như thế, ông biết chớp lấy những điều nhỏ để làm nên một tác phẩm lớn. Cái tài của ông được khởi phát từ tâm hồn nhạy cảm của ông. Nhưng người có tâm hồn nhạy cảm lại hay đa đoan. Ông yêu đời, yêu quê hương và yêu vẻ đẹp của người phụ nữ. Cứ mỗi lần viết được một bài vọng cổ hay, nổi tiếng là gần như trước đó ông yêu một người. Ông nói nhỏ với tôi: “Hồi đi viết bài Chợ mới hay bài Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn là tao đi thăm người yêu”. Vâng! Ông đã lấy cái nồng nàn, cái thiết tha của tình yêu riêng để làm nên cái hồn nồng nàn, thiết tha của tác phẩm. Vì thế, tác phẩm của ông dễ gây xúc động nhiều người.

Trọng Nguyễn sinh trưởng, đi kháng chiến ở Cà Mau nhưng ông có một thời gian cư trú trên quê hương Bạc Liêu. Ông nói với nhiều người rằng, chính các làn điệu cổ nhạc của Bạc Liêu đã chắp cánh, xây đắp danh tính nghệ sĩ của ông. Nếu Cà Mau là nơi sinh ra hình hài, nuôi dưỡng tâm hồn ông, thì Bạc Liêu tặng ông gần như toàn bộ sự nghiệp sáng tác. Thế nên, Trọng Nguyễn vừa yêu quý Cà Mau nhưng lại gắn bó thiết tha với Bạc Liêu. Tôi đã nhiều lần thấy ông tỏ thái độ kính trọng Cao Văn Lầu và nghệ phẩm của bác Sáu Lầu như một ông thầy của mình. Mỗi lần có hội thảo về Cao Văn Lầu, Trọng Nguyễn đều có bài tham luận bằng tình cảm chứa chan. Ông là một trong những người đề xuất đổi tên Tạp chí Văn nghệ Bạc Liêu thành Tạp chí Dạ cổ hoài lang...

Trọng Nguyễn gắn bó thiết tha với Bạc Liêu nên ông chăm chút cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ của Bạc Liêu. Tôi còn nhớ, sau ngày Bạc Liêu tái lập, ông đã chủ trương in cho tôi tập sách Đạo gác cu miệt vườn, rồi ông trực tiếp soạn thảo các văn bản để giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam. Khi trở thành nhà văn, tôi tự nói với lòng mình, ông là một người góp phần làm nên danh phận của tôi.

Tôi kính trọng ông còn bởi nhiều lý do khác, nếu xét ở góc độ soạn giả kịch bản sân khấu cải lương và vọng cổ, ông là cây đa, cây đề của Nam Bộ, của cả sân khấu Việt Nam.

Tôi kính trọng ông không chỉ vì tài mà còn vì đức độ nữa. Toàn bộ nghệ phẩm của ông đã cho ta biết đầy đủ về tư cách Trọng Nguyễn. Cà Mau là quê hương nuôi nấng ông lớn lên, tặng cho ông một tâm hồn; còn Bạc Liêu với vốn văn nghệ của mình đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho Trọng Nguyễn bao nhiêu thì Trọng Nguyễn đáp lại, trả hết bằng những tác phẩm đong đầy tim óc. Những tác phẩm ấy đã góp phần làm sáng thêm, rạng rỡ thêm vùng đất Bạc Liêu - Cà Mau.

Trọng Nguyễn không phải là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân vì người ta không xét loại hình này, nhưng Trọng Nguyễn xứng đáng được gọi là người con ưu tú của đất Bạc Liêu - Cà Mau.

Tết Ất Mùi, tôi viết đôi dòng về ông để tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và cũng bởi vì ông cũng chính là đoá hoa mùa xuân đã góp nhặt cho mùa xuân cuộc đời thêm lộng lẫy./.

Sources: baocamau

Trọng Nguyễn
Tiểu Sử Trọng Nguyễn
  » Vĩnh Biệt Soạn Giả Trọng Nguyễn: Dân Tộc Còn, Cải Lương Không Chết
  » Soạn Giả Trọng Nguyễn, Tác Giả Bản Vọng Cổ “Chợ Mới” Qua Đời
  » Trọng Nguyễn: Danh Sĩ Đất Bạc Liêu - Cà Mau
  » Soạn Giả Trọng Nguyễn – Nghệ Sĩ Tài Hoa
Những Tin Tức Nghệ Sĩ Khác
  » Cuộc Sống Ở Tuổi 55 Của Phước Sang
  » Diệp Lâm Anh Diện Bikini Tí Hon Tắm Biển Cùng Hai Con
  » Ảnh Sao 24/3: NSND Việt Anh Tình Tứ Với Cô Gái Trẻ
  » Biệt Thự Mới Giá 1,8 Triệu Đô Của Danh Hài Bảo Quốc Ở Mỹ Sang Chảnh Cỡ Nào?
  » Ngoại Hình 'Lột Xác' Sau Giảm Cân Của Hồng Vân, Lê Tuấn Anh
  » NSND Lê Khanh: 'Ngày Xưa, Tôi Make Up, Chọn Váy Đẹp Khi Đi Đẻ'
  » Sắc Vóc Và Phong Cách Trẻ Trung Của NSƯT Thoại Mỹ
  » Hoa Hồng Nở Rộ Trong Biệt Thự 500 M2 Của Quyền Linh
  » Ảnh Sao 14/3: Hai Con Gái Đến Phim Trường Thăm Quyền Linh
  » Ngân Quỳnh Thích Thú Cuộc Sống Dân Dã Trong Nhà Vườn
  » Con Gái Quyền Linh Gây Mê Với Visual Ngọt Ngào, Nhan Sắc So Với Thuở Nhỏ Chẳng Khác Là Bao
  » NSƯT Hoài Anh: 'Hạnh Phúc Vì Cân Đối Được Giữa Nghề Múa Và Vun Vén Gia Đình'
  » Cuộc Sống Của Vợ Đầu NSND Công Lý: Làm BTV, Nhan Sắc Một Thời Chẳng Kém Hoa Khôi
  » Trường Giang Đưa Nhã Phương Đi Nghỉ Dưỡng Đà Lạt
  » Biệt Thự 1.500 M2 Ở Sài Gòn Của Việt Hương
  » Ảnh Sao 22/2: NSND Công Lý Mừng Sinh Nhật Vợ
  » NSND Mỹ Uyên Nhiều Năm Đón Tết Trong Hậu Trường Sân Khấu
  » Nghệ Sĩ Hai Nhất Quây Quần Con Cháu Sau Cơn Bạo Bệnh
  » NSƯT Chí Trung: 'Tôi May Mắn Cuối Đời Gặp Ý Lan'
  » Mẹ Chồng Đại Gia Của Khánh Thi Trẻ Trung Bên Các Con
  » Diệu Nhi - Anh Tú 'Đón Tết Ở Rạp Chiếu'