Ngày Đăng: 28 Tháng 01 Năm 2011 16 giờ chiều 27-1, lễ tẩn liệm nghệ sĩ Tấn Tài đã được tiến hành tại tư gia nghệ sĩ Tấn Beo (số 109 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8, TPHCM). Đông đảo nghệ sĩ, khán giả đã có mặt chứng kiến giây phút tẩn liệm người nghệ sĩ đã cống hiến cả đời cho sân khấu cải lương.
Quan tài NS Tấn Tài được quàn tại nhà: 109 Nguyễn Duy, Phường 9, quận 8, TPHCM.
NSƯT Diệu Hiền: Anh đã sống đầy tự hào
Điều tôi nhớ nhất về anh Tấn Tài đó là giai đoạn làm bầu gánh thua lỗ, từ một đại bang với hai đoàn Thủ Đô 1 và 2, anh thật sự suy sụp tinh thần. Hồi đó các đại bang có chiêu bắt đào kép để phá nhau, hễ bên nào ký hợp đồng cao hơn, bên kia tìm cách chuộc về để phá gánh. Dù vậy, anh vẫn tiếp tục đứng vững trên con đường nghệ thuật và làm bầu.
Đến sau 1975, khi anh hiến đoàn cho nhà nước, được ban lãnh đạo Đoàn cải lương Hậu Giang tạo mọi điều kiện để hoạt động, anh tiếp tục dìu dắt các nghệ sĩ trẻ.
Tôi đã gắn bó bên cạnh anh Tấn Tài trên nhiều đoàn hát, nên tôi rất quý mến tư cách của anh cũng như hiểu được cá tính một người thầy giáo hết lòng vì nghề hát. Anh thường nói: “Mình đã từng làm thầy gõ đầu trẻ, thì khi đi hát mình cũng phải để người ta nể nang mình”.
| NS Tấn Beo và Tấn Bo không còn đủ sức đứng vững trước nỗi đau mất cha |
NSƯT Thanh Tuấn: Lúc nào anh Tài cũng muốn được hát
Những ngày cuối cùng trước khi căn bệnh nhiễm trùng đường dẫn mật bộc phát, NS Tấn Tài lúc nào cũng nhắc đến việc được đi hát trên một sân khấu có đông khán giả mộ điệu.
Tôi và anh có nhiều kỷ niệm khó quên, đó là những lần cùng đi hát từ thiện và làm công tác xã hội. Đi đến đâu anh cũng được bà con yêu cầu ca bài vọng cổ Bông ô môi, An Lộc Sơn…
Tôi rất xúc động khi hay tin anh ra đi vĩnh viễn. Từ đây Tấn Beo, Tấn Bo không còn có người nâng đỡ, bảo ban. Tôi được biết Tấn Beo đã chuẩn bị một ngôi mộ khang trang bên cạnh ngôi mộ NS Như Ngọc. Từ đây, anh và chị sẽ tái hợp bên nhau tại Nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ Gò Vấp, TPHCM.
Tôi biết, ở suối vàng anh Tấn Tài sẽ rất vui vì không chỉ tái hợp với chị, anh còn gặp được những người đồng nghiệp một thời gắn bó với anh.
NSƯT Lệ Thủy: Nghĩa cử của anh thật đáng trân trọng
| NSƯT Bạch Tuyết có mặt bên cạnh NS Tấn Beo trước giờ tẩn liệm NS Tấn Tài |
Tôi rất buồn vì liên tiếp hai đám tang chia biệt hai đồng nghiệp mà tôi yêu quý, đó là chị Kim Ngọc và anh Tấn Tài. Chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm thật đẹp bên nhau, từ lúc còn trẻ cho đến khi về chiều, tóc đã điểm bạc vẫn còn đứng trên sân khấu.
Khi tôi và anh Minh Vương tổ chức chương trình Sân khấu vàng để xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo, anh Tấn Tài đã hết lòng tham gia. Nghĩa cử của anh thật đáng trân trọng.
Anh không đủ sức khỏe để tập tuồng mới thì tham gia ca trích đoạn hoặc ca bài ca cổ. Lúc nào anh cũng gửi lại phần tiền bồi dưỡng để làm việc thiện và luôn nói: “Cô Thủy ơi, nếu có làm ở đâu nữa, hát ở đâu nữa cứ kêu tôi tham gia”.
Sau này anh Tài đã tham gia vở Rạng ngọc Côn Sơn cùng với Sân khấu Vàng. Trên thị trường băng đĩa, tôi và anh Tài đã ca nhiều bài tân cổ giao duyên được khán giả yêu thích. Đó là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi.
| NS Tấn Beo gần như muốn ngất xỉu khi nấp quan tài chuẩn bị đóng lại |
NSƯT Phượng Loan: Chú Tài rất thương hậu đài
Tôi có kỷ niệm với chú Tấn Tài đó là tham gia với Sân khấu vàng vở Rạng ngọc Côn Sơn do anh Minh Vương làm đạo diễn. Tôi đã đóng cặp với chú. Vở diễn dù chỉ hát hai suất để gây quỹ từ thiện nhưng đối với tôi là những ngày thật vui, vì chú Tấn Tài diễn hết mình, lúc nào cũng chăm chút vai diễn của mình.
Với đàn em chú luôn nhỏ nhẹ khuyên bảo, với đồng nghiệp chưa bao giờ chú lớn tiếng. Điều đáng quý hơn là chú rất thương anh em hậu đài, hễ có tiền là “lì xì” mấy cháu. Chú Tài thường nói: “Nghề hát không có anh em hậu đài, dựng cảnh… thì khó mà có suất hát thành công”.
Sources: vietgiaitri |