Ngày Đăng: 05 Tháng 04 Năm 2015 Sinh ra trong một gia đình cán bộ, mẹ là hạt nhân văn nghệ của xã, các làn điệu dân ca, những tích tuồng, điệu chèo mẹ hát đã thấm vào chị, truyền cho chị niềm đam mê mãnh liệt. Với chị, niềm vui lớn nhất sau 25 năm theo nghệ thuật sân khấu chèo, là đã được 2 lần ra biểu diễn ở Trường Sa và nhiều vùng của Tổ quốc, để lại bao ấn tượng tốt đẹp cho khán giả…
Làng Sáo bên dòng Bàu Sừng thơ mộng của xã Lăng Thành, huyện Yên Thành là nơi NSƯT Thanh Loan sinh ra và lớn lên. Đất Lăng Thành được coi là cái nôi của hát chèo cổ Nghệ An nên khi nghe tin nghệ sỹ Thanh Loan về biểu diễn, rất đông người dân trong xã kéo nhau đến nhà văn hóa để xem, cổ vũ.
| Nghệ sỹ Thanh Loan. Ảnh: X.H |
Trong ít phút trò chuyện, nghệ sỹ Thanh Loan tâm sự: “Tôi đến với nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp như một cơ duyên”. Mẹ chị là hạt nhân văn nghệ của xã, bà hát hay nổi tiếng và thạo tất cả các loại hình nghệ thuật, như: chèo, tuồng, ví dặm. Những câu hát của bà đi sâu và tiềm thức của cô bé Loan một cách tự nhiên như một cách trao truyền, tiếp nối. Năm 16 tuổi, chị tham gia đội chèo của xã, thường biểu diễn cho bà con xem vào những dịp lễ tết, hoặc những lúc mùa màng xong xuôi. Năm 1986, đội chèo của xã đi tập huấn ở huyện, đúng lúc đó, Trường Sân khấu điện ảnh về biểu diễn và tuyển chọn diễn viên. Giọng hát ngọt ngào “trời cho” ấy đã giúp Thanh Loan trúng tuyển. Vậy là ước mơ hoạt động chuyên nghiệp của chị đã thành hiện thực. Chị khăn gói ra Hà Nội theo đuổi sự nghiệp.
Năm 1991, ra trường với tấm bằng loại ưu, chị được phục vụ tại Nhà hát Chèo Quân đội. Tại đây chị thỏa sức cống hiến. Với sức trẻ và giọng hát nội lực, lối diễn chắc chắn, chị luôn được đón nhận trong những vai diễn chính của đoàn. Cho đến bây giờ, chị vẫn chưa quên được vai diễn đầu đời đó là vai “quan bà” trong vở “Tiếng hát người áo rách”, NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn. Mặc dù lúc đó tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nhưng chị đã vào vai một quan bà khá thành công. Sau 3 năm hoạt động tại Nhà hát Chèo Quân đội, giọng hát và lối diễn xuất cá tính của chị đã lọt vào “mắt xanh” Nhà hát Chèo Hà Nội. Năm 1994, chị được điều chuyển về công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội, tiếp tục cống hiến tài năng. Chị thường được giao đóng những vai diễn giàu cá tính, như vai Sùng bà trong vở “Quan âm Thị Kính”, vai Quỷ cái trong vở “Trương Viên”, vai vợ quan lớn trong vở “Cao Bá Quát”, … để lại trong khán, thính giả ấn tượng sâu sắc.
Với ý thức ham học hỏi, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, nghệ sỹ Thanh Loan luôn lắng nghe những đóng góp ý sâu sắc từ các thầy cô, đàn anh, đàn chị và bạn bè đồng nghiệp, nên chị tiến bộ nhanh. Chị tâm sự, khi mới bước chân vào nghề, mình đã thích đóng các vai có cá tính, nên luôn chú ý nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ nội dung vở diễn và tính cách nhân vật, vì vậy nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Năm 2012, Thanh Loan đạt 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương vàng với vai bà Pháo trong vở “Chuyện tình người mất tích” tại Liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở Thái Bình, và 1 Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu hài lần thứ nhất, tại Quảng Ninh. Phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của nghệ sỹ Thanh Loan, là chị được đón nhận danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 2012.
| Nghệ nhân làng chèo Qùy Lăng biểu diễn trước sân chùa Gám. Ảnh: Trần Hải |
Với Nghệ sỹ Thanh Loan, kỷ niệm sâu sắc nhất trong sự nghiệp là 2 chuyến biểu diễn tại Trường Sa. Lần đầu tiên vào năm 1991, lúc đó chị mới 20 tuổi, và lần thứ 2 vào năm 2009. Nghệ sỹ Thanh Loan nhớ lại, mặc dù sau những ngày ngồi trên tàu ra đảo, mệt mỏi, say sóng, nhưng được sự đón tiếp nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ hải quân, những mệt mỏi tan biến, khiến chị biểu diễn rất hào hứng. “Vinh dự và thiêng liêng lắm. Chuyến biểu diễn nào ở đảo cũng đầy cảm xúc. Tiết mục đầu tiên là bài “Giận mà thương”, dân ca Nghệ -Tĩnh, các vở chèo được các chiến sỹ đảo đón nhận và đánh giá cao”.
Mặc dù Thanh Loan được học và diễn chính là chèo, nhưng là người con Nghệ An, lớn lên từ những câu hát ví dặm nên dân ca đã trở thành máu thịt. Chị biểu diễn khá thành công các tiết mục dân ca. Đến nay chị đã thu một số đĩa CD về những làn điệu dân ca xứ Nghệ.
Nói về chèo cổ Lăng Thành, NSƯT Thanh Loan trăn trở: “Ở quê ngày trước có nhiều người hát chèo hay lắm. Bây giờ, những người đó tuổi cao, sức yếu. Lớp trẻ bây giờ ít mặn mà với chèo. Những năm gần đây, chính quyền địa phương, những người cao tuổi đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm phục dựng lại làng chèo; truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hy vọng, với sự quan tâm của địa phương, làng chèo Lăng Thành sẽ hồi sinh…
Sources: baonghean |
|
|