Ngày Đăng: 18 Tháng 03 Năm 2015 Là một trong số ít diễn viên theo đuổi dòng kịch câm, nghệ sĩ giới thiệu đến công chúng TP HCM 8 tiểu phẩm độc diễn được anh đầu tư công sức, tâm huyết.
Nghệ sĩ Hoàng Tùng - Phó đoàn Kịch Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội - được biết đến như người "cô đơn cùng kịch câm" trên sân khấu thủ đô hôm nay. Với thể loại kịch không lời này, anh hầu như chỉ độc diễn, chưa tìm ra được bạn đồng hành cùng đam mê. Dù vậy, Hoàng Tùng vẫn quyết tâm theo đuổi tình yêu diễn xuất của mình.
| Nghệ sĩ Hoàng Tùng. |
Vào 20h ngày 26/3, Hoàng Tùng mang 8 tiểu phẩm vào TP HCM biểu diễn, gồm: Tự sướng, Tự tử, Cánh chim, Trong bệnh viện, Nhật ký của một bà mẹ, Cái gương, Hai thế giới và Mặt nạ. Nội dung của các vở kịch ngắn hòa quyện giữa yếu tố bi và hài. Mỗi tiểu phẩm là một câu chuyện chắt lọc từ lát cắt cuộc sống. Đó có thể là sự giễu nhại trào lưu selfie ("tự sướng"), hay câu chuyện về tình bạn giữa một chú chim nhỏ với một con người. Cũng có thể là trăn trở về sự tương phản giữa những thế giới đối lập: giàu - nghèo, sướng - khổ, chiến tranh - hòa bình... hoặc câu chuyện về chiếc mặt nạ mà mỗi người khoác cho mình trong mạng lưới giao tiếp xã hội chằng chịt.
Tất cả điều đó được thể hiện qua động tác hình thể, biểu cảm, nét mặt và những chuyển động trên sân khấu của Hoàng Tùng. Chính vì thế, các tiết mục biểu diễn hứa hẹn mang đến làn gió mới cho sân khấu Sài Gòn - vốn từ trước đến nay trung thành với dòng kịch hội thoại, nhạc kịch...
Trước khi mang kịch câm vào TP HCM, trong tháng hai và tháng ba, Hoàng Tùng có các buổi giới thiệu tiểu phẩm với khán giả Hà Nội. Tuy các suất diễn không phải lúc nào cũng đông người xem, anh cho biết, những bạn trẻ, người nước ngoài đến với chương trình đều dành cho nghệ sĩ tình cảm yêu quý, trân trọng. Điều này là động lực khiến anh muốn tiếp tục công việc của mình. "Chương trình độc diễn này là tâm huyết của tôi mong muốn đánh dấu sự trở lại của kịch câm hiện đại tại Việt Nam. Tôi hy vọng, chương trình góp phần khẳng định nghệ thuật kịch câm vẫn còn tồn tại và phát triển trong nước", anh chia sẻ.
| Hoàng Tùng (thứ hai từ phải qua) nhận hoa từ khán giả sau chương trình biểu diễn ở Hà Nội. |
Hoàng Tùng có một thời gian dài gắn bó với thể loại sân khấu này. Anh tự học là chính, học qua các nghệ sĩ tiền bối, học ở băng, đĩa, sách tài liệu do anh đặt mua từ nước ngoài.
Kịch câm đến Việt Nam từ những năm 1970 - 1980. Thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của dòng nghệ thuật này gồm: Nghệ sĩ Ưu tú Phúc Dzỹ, Đặng Dũng, Thọ Hòa, Tiến Dũng, Kế Đoàn, Bích Ngọc... Họ từng tạo nên những hiện tượng sân khấu gây sức hút với khán giả trong nước thời đó. Tuy vậy, về sau, với sự phát triển của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, dòng kịch thu hẹp dần đất diễn. Trải qua mấy chục năm, sau thời kỳ đỉnh cao, kịch câm gần như biến mất khỏi làng sân khấu Việt Nam. Các nghệ sĩ một thời phải chuyển nghề hoặc chỉ diễn những tiểu phẩm kịch câm lồng ghép trong các chương trình tạp kỹ thiếu nhi.
Chương trình "Kịch câm trở lại" diễn ra vào 20h ngày 26/3 tại Sân khấu Thế giới trẻ, 125 Cống Quỳnh, quận 1, TP HCM.
Sources: vnexpress |