Ngày Đăng: 01 Tháng 08 Năm 2014 Đều ở độ U70, hai nghệ sĩ kỳ cựu của làng cải lương ngồi ghế nóng sân chơi của dòng nhạc truyền thống với tất cả tâm huyết truyền nghề cho hậu sinh.
20h ngày 7/8, vòng chung kết khu vực cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), đánh dấu sự khởi động mùa giải mới. Trong tổng số hơn 400 thí sinh đăng ký, ban tổ chức chọn được 48 thí sinh đại diện cho các khu vực đi tiếp vào vòng trong. Đồng hành cùng họ ở các vòng thi chung kết là ban giám khảo chuyên môn với những gương mặt kỳ cựu của làng nghệ thuật cải lương như: NSND Thanh Tòng, NSƯT Minh Vương và NSƯT Cẩm Tiên..
| Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vương trên sân khấu Chuông vàng vọng cổ 2012. |
Trong đó, nghệ sĩ Thanh Tòng và Minh Vương là hai gương mặt cao tuổi nhưng gắn bó bền bỉ và dành nhiều tâm huyết cho cuộc thi suốt những năm qua. Sau thời gian thay thận, sức khỏe nghệ sĩ Minh Vương khá ổn định. Ông dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với thế hệ trẻ.
Ngoài Hà Nội, các vòng chung kết năm nay còn được tổ chức ở Đồng Nai (ngày 14/8), Đồng Tháp (ngày 21/8), Bạc Liêu (ngày 28/8). Dù lịch trình làm việc nhiều, hai nghệ sĩ đều vui vẻ tham gia các hoạt động do ban tổ chức đề ra. Đến vòng chung kết xếp hạng, ban tổ chức bổ sung thêm hai gương mặt nghệ sĩ vào ban giám khảo. Ngoài hai MC quen thuộc của cuộc thi là NSƯT Quế Trân và Huỳnh Giao, năm nay, cuộc thi còn có thêm phần dẫn chương trình của NSƯT Kim Tử Long và danh hài Bảo Trí.
Phát biểu trong họp báo chiều 31/7, ông Kiều Tấn, đại diện ban tổ chức cho biết: "Sau nhiều năm đãi cát tìm vàng, chúng tôi vẫn chưa thấy xuất hiện những nhân tố mới. Nhưng điều đáng mừng ở mùa giải năm nay, độ tuổi của thí sinh vào chung kết khu vực khá trẻ, chỉ từ 16 đến 20. Sự hồn nhiên, non nớt của những thí sinh này, nếu được mài giũa, hứa hẹn trở thành nhân tố mới gây bất ngờ cho những mùa giải sau".
| Nguyễn Thị Luận - Giải nhất \"Chuông vàng vọng cổ\" 2013. |
Năm nay, cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" có một số thay đổi nhỏ trong nội dung và cách thức tổ chức. Do chất lượng thí sinh miền Trung bị đánh giá khá yếu so với các năm trước, khu vực này được gộp cùng miền Đông trong hai đêm của vòng chung kết khu vực, diễn ra tại Đồng Nai. Các cụm thi còn được nhân rộng ở miền Tây Nam Bộ, nơi được coi là chiếc nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử. Có 24 thí sinh miền Tây sẽ tham gia chung kết khu vực.
Sau các vòng tuyển chọn theo khu vực, ban tổ chức chọn ra 12 thí sinh tham gia vào vòng chung kết xếp hạng, diễn ra trong 4 đêm ở TP HCM vào các ngày: 4/9, 11/9, 18/9 và 25/9. Ở đêm chung kết đầu, các thi sinh phải biểu diễn một lớp cải lương có thời lượng 6 phút do ban tổ chức quy định. Kế tiếp, có 9 thí sinh đi vào vòng chung kết thứ hai. Ở vòng này, họ trổ tài ca vọng cổ cùng một nghệ sĩ cải lương khách mời. 5 thí sinh vào chung kết thứ ba phải trải qua thử thách khó hơn khi diễn một trích đoạn cải lương có thời lượng 12 phút.
Chỉ có ba thí sinh vào đến đêm thi cuối để ban tổ chức chọn ra danh hiệu Chuông vàng, Chuông bạc và giải ba. Giải thưởng cao nhất cuộc thi trị giá 50 triệu đồng dành cho thí sinh đoạt danh hiệu Chuông vàng.
Sources: vnexpress |