Ngày Đăng: 10 Tháng 12 Năm 2013 Danh hài cho rằng anh khá táo bạo khi mang cả Nhà hát Tuổi Trẻ vào TP HCM trong tình hình sân khấu kịch trên cả nước đang gặp nhiều khó khăn.
Gặp Chí Trung tại nơi anh lưu trú trong những ngày ở TP HCM - một khách sạn mới xây - anh hồ hởi tâm sự: "Tôi chọn ở đây vì chủ là người quen nên có giá khá hời. Ở ngay trung tâm quận 1 mà có 300.000 đồng/ngày thì quá rẻ. Tôi phải tiết kiệm vì đưa cả đoàn kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ vào đây mà kinh phí thì quá eo hẹp".
| Sau 8 năm trở lại sân khấu miền Nam, Chí Trung thấy lạ lẫm. |
Trên bàn làm việc của anh bày đầy những tờ rơi quảng bá cho hai vở kịch mà đoàn sẽ biểu diễn tại sân khấu miền Nam gồm: Lời thề thứ chín và Mùa hạ cuối cùng của cố tác giả Lưu Quang Vũ, cùng chùm hài kịch với chủ đề Đời cười chọn lọc và Nụ cười chiến sĩ.
Vui mừng vì kiếm được chỗ ở phải chăng bao nhiêu thì gương mặt anh trở nên đăm chiêu bấy nhiêu khi trò chuyện. Vừa rót nước mời khách anh vừa nói: "Bước chân vào TP HCM mà tâm trạng tôi ngổn ngang vì nhiều thứ phải làm. Đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ vào Nam mà không được nhiều người biết đến thì chúng tôi sẽ khốn đốn. Vì cả đoàn dành nhiều tâm huyết cho chuyến đi lần này".
Danh hài chia sẻ, 8 năm rồi, anh mới trở lại miền Nam, lần này là trong vai trò Phó giám đốc nhà hát. Lần nào vào mảnh đất này anh cũng cảm thấy lạ lẫm về con người cũng như cảnh vật, đặc biệt là giá cả tăng cao so với trước đây. "Ly cà phê vỉa hè ngày trước tôi mua có 5-6 nghìn bây giờ lên 12 nghìn thậm chí 20 nghìn đồng", anh nói. Nam diễn viên hài hước đùa: "Cái gì cũng tăng chỉ có giá vé kịch là không tăng. 10 năm nay giá vé vẫn đứng im. Không phải chỉ có Nhà hát Tuổi Trẻ mà một số nhà hát như Phú Nhuận, Thành Lộc vẫn giữ giá 120-150 nghìn đồng".
Danh hài tâm sự, 8 năm nay anh không vào vì đơn giản là "sợ chết". Một nguyên do khác là anh có trách nhiệm gây dựng nhà hát ở phía Bắc. Chính vì vậy mà với thị trường miền Nam, anh gần như bỏ ngỏ. Động lực để anh Nam tiến chính là thành công của vở Trái tim trong trắng của tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra ở Hà Nội vào tháng 9.
Trước bâng khuâng về việc kịch Bắc mang khá nhiều tính chính luận, không phải khẩu vị yêu thích của khán giả miền Nam, danh hài tự tin nói: "Tôi là một diễn viên kịch nói đi theo con đường thị trường. Vì vậy, tôi biết dung hòa giữa chính luận và hài kịch để khán giả có thể thưởng thức nhiều góc cạnh khác nhau trong một vở diễn".
Ngoài ra, anh cho biết, dân Bắc sống ở miền Nam khá đông nên anh không lo mọi người không quen với phong cách làm kịch của xứ Bắc.
| Lê Khanh xuất hiện trong vở \"Lời nguyền thứ chín\". |
Bên cạnh việc lo cho cả đoàn kịch, danh hài cũng đau đáu về việc phải luôn đổi mới bản thân. Mới đây, anh từ chối vai Táo Giao thông cũng vì sợ nhàm chán sau bao năm vào một vai diễn. "Một ca sĩ mặc cùng một chiếc váy trong hai lần xuất hiện trong một đêm đã khiếp rồi, huống chi người nghệ sĩ suốt ngày nhai đi nhai lại vai diễn mà không có sự đổi mới", Chí Trung nói.
Anh cho biết, anh vẫn sẽ đồng ý tham gia chương trình Gặp nhau cuối năm nếu nhận vai Táo khác. "Táo tàu hay Táo thối gì cũng được miễn đừng là Táo Giao thông", anh hài hước nhấn mạnh.
35 năm - một chặng đường nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ sẽ biểu diễn hai vở kịch: Lời thề thứ chín và Mùa hạ cuối cùng của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Các nghệ sĩ cũng sẽ công diễn phục vụ khán giả miền Nam chùm hài kịch với chủ đề Đời cười chọn lọc và Nụ cười chiến sĩ.
Chương trình quy tụ những gương mặt diễn viên quen thuộc: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, Sĩ Tiến, Mai Huê, Bá Anh, Thanh Dương, Thùy Dung, Minh Phương, Quỳnh Dương, Thanh Tú, Ngọc Bích, Thu Quỳnh… Chương trình diễn ra các ngày 16, 17, 18, 19/12 tại Nhà hát TP HCM và 14-15/1/2014 tại Nhà hát Quân Đội.
Sources: vnexpress |