Ngày Đăng: 08 Tháng 05 Năm 2015 Trong giới nghệ sĩ, NSƯT Tấn Giao được xem là “có số thi cử” khi anh sở hữu “bộ sưu tập đồ sộ” các giải thưởng, huy chương các cấp: giải Vàng cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương do Hội Sân khấu và Sở Văn hóa TPHCM tổ chức năm 1991
Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Cải lương Chuyên nghiệp toàn quốc 1995, 2005; huy chương Vàng Giải thưởng Trần Hữu Trang 1996; giải thưởng cá nhân Liên hoan Sân khấu đồng bằng sông Cửu Long 2002; giải Mai Vàng 2007…và được phong tặng danh hiệu NSƯT tháng 3/2007. Nhưng có lẽ cái “huy chương” danh giá nhất mà anh đạt được chính là sự công nhận và yêu thương của khán giả. Và trong những vai diễn làm nên tên tuổi Tấn Giao chắc hẳn không thể thiếu được hình tượng “anh bộ đội Cụ Hồ”. Có thể nói, Tấn Giao thuộc số những nghệ sĩ thể hiện nhiều vai diễn bộ đội nhất và cũng là một trong những người thành công nhất khi đâu đó có nhiều khán giả vẫn trìu mến gọi anh là “kép bộ đội”.
| NSUT Tấn Giao (Ảnh Minh Hoàng) |
* Khi nhắc đến các vai diễn bộ đội của sân khấu cải lương hiện nay thì chắc chắn phải nhắc đến cái tên Tấn Giao với vô số vai diễn từ sân khấu đến truyền hình, từ các vở tuồng đến những tiết mục ca cổ. Từ đâu mà anh có duyên với những vai diễn người lính như thế?
- Việc gắn bó với hình tượng người lính có lẽ là từ những vai diễn trên sân khấu đoàn Xung Kích của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ở đây, chúng tôi cũng là những người chiến sĩ xông pha phục vụ vùng sâu, vùng xa, đến những nơi bà con không có điều kiện xem nghệ sĩ biểu diễn. Các tiết mục phục vụ chính trị là chính, vai diễn bộ đội, du kích, chiến sĩ cách mạng là chủ yếu. Ngoài sân khấu đoàn Xung Kích, các Đài Truyền hình mời hát, cũng phân nhiều vai bộ đội. Hát nhiều, cảm nhận dần sâu sắc hơn, quan điểm về vai diễn cũng hình thành. Và khi mình phác họa hình ảnh bộ đội đúng, đẹp, phù hợp từ khuôn mặt, giọng nói, dáng người, rất “ra chất bộ đội” thì từ đài này sang đài khác, các chương trình truyền hình trực tiếp cũng ưu ái mời mình làm bộ đội. Sau này rời đoàn Xung Kích về Trần Hữu Trang 2 cũng vậy, tuồng nào có vai bộ đội là gần như “không thoát” được.
* Bộ đội là hình tượng phổ biến nhưng không hề dễ thể hiện. Anh có thể diễn vai bộ đội nhưng để khán giả, nhất là những người từng trải qua kháng chiến, “tin” lại là chuyện khác. Anh đã thuyết phục khán giả như thế nào?
- Tôi nghĩ mỗi người có một quan niệm riêng và cũng tạo dựng riêng cho mình một hình tượng anh bộ đội. Thời còn ở đoàn Xung Kích, tôi đã đi phục vụ bộ đội rất nhiều, như Sư đoàn 9, Trung đoàn Gia Định ở Đồng Dù, Quân khu 7, Quân đoàn 4 và nhiều doanh trại bộ đội khác. Qua quan sát những người lính rồi tiếp chuyện với cả các cấp chỉ huy, nghe họ kể về những trận đánh ngày xưa mà tưởng tượng và tạo dựng hình ảnh anh bộ đội trong mình, còn biểu hiện những ý tưởng, hình ảnh đó ra ngoài như thế nào là do nghệ thuật biểu diễn của mình.
* Trong đa dạng hình tượng, số phận người lính mà anh đã thể hiện, anh thích dạng nhân vật như thế nào?
- Tôi thích những vai diễn có số phận, điển hình như người lính trong vở Rừng xưa. Đó là một người chiến sĩ son trẻ, hồn nhiên, chỉ biết chiến đấu không màng đến tình yêu, luôn nêu cao tinh thần “người lính đi đầu”. Đến thời bình cuộc sống vất vả, khó khăn, bị cả người bạn cũ cướp công nhưng vẫn ngời sáng phẩm chất hy sinh, vị tha của người lính. Vai diễn mới nhất là Hai “lục bình” vở Chiến binh lại là một chiến sĩ cương trực nhưng nóng nảy, cho đến những ngày cuối cùng vẫn đấu tranh vì chính nghĩa. Có một vai diễn cựu chiến binh với đức hy sinh vô bờ bến dành cho người con được khán giả rất thích. Đi đến đâu cũng được những người lớn tuổi, những cô bác từng qua chiến đấu khen ngợi: “Không ngờ Tấn Giao còn trẻ mà đóng bộ đội già hay quá”. Đó là sự động viên thiết thực nhất đối với người nghệ sĩ.
* Nhiều người cho rằng tuồng cách mạng với hình tượng người lính là khô khan, thiếu hấp dẫn. Anh suy nghĩ như thế nào?
- Tôi không nghĩ vậy. Tôi rất thích thể hiện hình ảnh người bộ đội. Tôi không cầm súng ngày nào, không biết chiến trường ra sao nhưng có thể hình dung qua phim tư liệu, qua trò chuyện với những người lính, những người từng trải qua chiến trận, nghe kể về những cô chú đã hy sinh xương máu mình cho đất nước. Vì thế khi nhận vai tôi phải làm tròn, phải thể hiện hình tượng anh bộ đội thật đẹp, có máu lửa, có dữ dội, có lý tưởng cao đẹp, thể hiện được những phẩm chất cao quý của người lính. Bộ đội không anh nào giống anh nào, mỗi người đều có đặc điểm riêng. Người nghệ sĩ phải suy nghĩa, tìm tòi, tìm được ra sự khác biệt để sáng tạo, phải diễn khác đi những vai diễn trước đây của mình. Tôi thực sự rất thích và tâm đắc với những vai diễn bộ đội, luôn cố gắng để thể hiện được sự khác biệt, để khán giả thấy là không phải tuồng cách mạng, tuồng bộ đội nào cũng khô khan, chính trị nặng nề.
* Theo anh, làm thế nào để tuồng cách mạng thu hút được người xem?
- Tuồng phải xây dựng nhiều tình huống kịch, có nhiều nhân vật hay, tiết tấu dàn dựng kịch tính tạo sự hấp dẫn. Và nên có những tình tiết làm nhẹ nhàng lại chủ đề như chuyện tình yêu đôi lứa thật đẹp, tình đồng chí, đồng đội nhẹ nhàng chứ đừng “chính trị quá” dễ gây nhàm chán, nặng nề. Tuồng đề tài nào cũng vậy nếu thể hiện được thân phận, số phận con người sẽ thu hút được khán giả thôi.
* Anh có cảm nhận sự thay đổi nào trong các diễn vai bộ đội của mình trước đây với hiện nay không?
- Tôi nhớ năm 1995, mới ra trường, tôi diễn vai Trực trong vở Bão rừng tre, được diễn chào mừng Hội diễn Sân khấu Cải lương Chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là lần đầu tiên tôi diễn vai bộ đội. Hồi đó, chỉ diễn theo cảm nhận thôi, chưa hình dung nhiều, cách diễn cũng chưa sâu sắc, tất cả chỉ mộc mạc, đơn sơ theo cách hiểu, cách cảm của mình. Về sau, qua nhiều vai diễn, nghiền ngẫm từ thực tế, học hỏi từ các bậc đàn anh, có nhiều kinh nghiệm hơn thì các vai diễn cũng chính xác và thể hiện sự đầu tư, nghiên cứu, nhân vật “chuẩn” và có chiều sâu hơn.
Thực tình, tôi có cảm giác mình cũng là một người lính. Từ năm 1988 tôi theo học lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đến năm 1991, ra trường, tham gia đoàn Xung Kích, rồi gắn bó với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến nay – chỉ duy nhất một đơn vị. Mình chủ yếu làm nhiệm vụ phục vụ, đến với bà con vùng sâu vùng xa, là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa. Tôi cũng không đòi hỏi gì, chỉ muốn hát sao cho thật hay, thật giỏi, được khán giả ghi nhận, yêu mến. Nếu nói mình gần như… bộ đội rồi cũng không sai. Có lẽ vì vậy mà “cái chất bộ đội” đã tự nhiên vận vào mình, nhìn vào là thấy nên gần như luôn được các đạo diễn ưu tiên cho vai bộ đội.
Sources: sankhau |