Ngày Đăng: 07 Tháng 05 Năm 2015 Nhân tròn 60 năm tuổi đời và 40 năm tuổi nghề, nghệ sĩ Lý Bạch Huệ sẽ có cuộc gặp gỡ đặc biệt với khán giả trong liveshow Tri ân cuộc đời, diễn ra vào lúc 19g30 ngày 8/5/2015 tại Nhà hát Bến Thành (số 6 Mạc Đĩnh Chi, Q.1).
Chương trình có sự góp mặt của đông đảo các nghệ sĩ cải lương và ca sĩ trong và ngoài nước như Út Bạch Lan, Phượng Loan, Trọng Phúc, Vũ Luân, Tú Sương, Phương Dung, Đông Đào, Như Hảo, Bích Phượng, Việt Quang, Đông Quân…
Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ quê ở xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Nổi tiếng từ nhỏ nhờ chất giọng truyền cảm và khỏe khoắn trời cho, năm 20 tuổi, Lý Bạch Huệ được đoàn Văn công Tây Ninh nhận về sau khi chị đoạt HCV Liên hoan Tiếng hát giao thông trên đường mới do tỉnh tổ chức và chỉ một năm sau, chị trở thành diễn viên chính của Đoàn cải lương Tây Ninh 2 với các vai như Linh Sa (Ngày tàn bạo chúa), Jackly Hương (Tìm lại cuộc đời)…
Trong gần 15 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, cô đào chánh Lý Bạch Huệ đã có mặt trên sàn diễn của nhiều đoàn cải lương thời còn hưng thịnh như Đoàn Cao su VN, Bông dừa trắng, Trung Hiếu, Sài Gòn 2…; trong đó, có thể nói, vai cô Hường trong vở Người không cô đơn (Sài Gòn 2) là vai chị để lại dấu ấn đáng nhớ nhất trong lòng khán giả mộ điệu.
Khi sàn diễn cải lương hiu hắt, Lý Bạch Huệ vừa làm MC vừa hát dân ca cho Đoàn ca múa Bông Sen một thời gian trước khi bén duyên với điện ảnh. Ngay vai đầu tiên, vai chị Niệm - mẹ của cậu bé Mừng trong phim Tuổi thơ dữ dội (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), Lý Bạch Huệ đã làm lay động được nhiều trái tim, truyền cho người xem những buồn vui cùng với nhân vật người mẹ.
Lý Bạch Huệ còn tham gia một số bộ phim khác như Chuyến đi của mẹ (đạo diễn Lê Dũng), Chiến trường chia nửa vầng trăng (đạo diễn Hồng Sến)… song vai diễn xuất thần nhất là vai người phụ nữ điên tên Cúc trong phim Bến nước (đạo diễn Huy Thành và Trần Vịnh).
Con đường hoạt động nghệ thuật của Lý Bạch Huệ đánh dấu bằng những vai diễn cải lương, những nhân vật trên màn ảnh nhưng không mấy ai biết, chị khởi đầu sự nghiệp bằng nghệ thuật ngâm thơ. Trong suốt nhiều năm, giọng ngâm của chị trong chương trình Tiếng thơ của Đài TNND TP.HCM đã như “rót mật” vào lòng thính giả khắp mọi miền đất nước.
“Năm nay, tuổi đời tôi tròn 60 và tuổi nghề tròn 40. Nhiều năm trở lại đây, tôi tham gia Hội từ thiện Từ Tâm, cùng thầy Thích Hoằng Nghệ và bạn bè đi biểu diễn văn nghệ và trao quà cho người nghèo ở nhiều vùng quê. Tôi tổ chức đêm diễn này để cảm ơn gia đình, ba mẹ, khán thính giả và cuộc đời, đã giúp tôi đến giờ này còn được đứng trên sân khấu. Trong liveshow, tôi sẽ diễn sáu tiết mục: ngâm bài thơ Nhớ Bắc (Huỳnh Văn Nghệ), hát ca cổ bài Lấy chồng xa, ca hai bản nhạc trữ tình Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương), Xin thời gian qua mau (Lam Phương), diễn hai trích đoạn tuồng Lan và Điệp, Truyền thuyết tình yêu. Chương trình đêm diễn gồm ba phần: Đời, Tình yêu, Mẹ là Phật. Tôi muốn mời khán giả cùng tôi trở lại con đường ca hát mà 40 năm qua tôi đã đi”.
* Từ khi nào, chị biết ngâm thơ?
Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ: Khi còn nhỏ tôi đã mê thơ. Vì mê thơ nên mong học bài mau thuộc để ôm radio nghe chương trình Tao Đàn, Mây Tần… với những giọng ngâm nổi tiếng hồi ấy như Hồ Điệp, Hồng Vân, Hoàng Oanh, Đoàn Yên Linh… Nghe riết, tôi biết ngâm lúc nào không hay. Năm lớp 9, thầy dạy văn chia tay với lớp, đưa bài thơ Hai sắc hoa ti gôn (TTKH) hỏi ai ngâm được, tôi đánh liều giơ tay, rồi cứ ngâm theo cảm xúc riêng, từ đó, trong trường, hễ có dịp là thầy cô lại tìm thơ cho tôi ngâm.
* Vì sao không học ở lò nào, chị lại biết ca cải lương?
- Thấy tôi có giọng, ba má nói sau khi đậu tú tài, sẽ cho tôi xuống Sài Gòn học trường Quốc gia Âm nhạc, nhưng nhà nghèo, tôi là chị hai nên phải phụ ba má nuôi em. Tôi đi học nghề kế toán rồi vào làm ở Ty Thương nghiệp Tây Ninh, nhờ đoạt HCV trong liên hoan văn nghệ ở tỉnh mà được đoàn văn công kêu về. Một hôm, ông trưởng đoàn hỏi tôi có hát cải lương được không, tôi buột miệng nói được, vậy là hát.
Ngâm thơ hay hát tân nhạc, tôi cũng đều nghe radio rồi bắt chước. Cải lương cũng vậy, nghe người ta khen, tôi nghĩ mình biết hát, chỉ khi gặp được soạn giả Hoa Phượng, tôi mới vỡ ra được nhiều điều. Lúc đó, ông về làm việc với đoàn cải lương Tây Ninh 2, nghe tôi hát nghêu ngao, ông kêu đến hát cho ông nghe.
Cứ nghĩ thế nào cũng được “ba” khen. Ai ngờ, ông nói: “Con à, con có biết là con hát còn "sống nhăn" không?”. Rồi ông tiếp: “Con là người có học, ba nói vậy là con phải hiểu! Đào văn khác đào võ. Vừa đọc, vừa nghiền ngẫm nhân vật, đừng tưởng cứ đọc kịch bản là hát được!”. Tôi hiểu là mình lúc nào cũng phải học, đừng u mê trong lời khen.
Từ đó, tôi chuyên tâm tìm hiểu, gặp ai giỏi nghề tôi cũng học. Có lẽ nhờ vậy mà tổ nghiệp đãi. Bây giờ, có dịp ngồi làm giám khảo trong các cuộc thi Tiếng hát người cao tuổi, Đờn ca tài tử… chung với những người như nghệ sĩ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP), tôi vẫn khao khát được học.
* Đã lâu chị không còn diễn cải lương hoặc đóng phim nữa, có phải vì “lấy chồng” nên bỏ cuộc chơi? Điều gì ở nhà thơ Thu Bồn khiến chị sẵn sàng bỏ hết sự nghiệp riêng?
- Tôi quen nhà thơ Thu Bồn khi anh với tư cách nhà báo, tìm đến tôi để phỏng vấn, viết bài. Nói thật là lúc đầu, khi được anh “ngỏ lời” tôi đã có không ít băn khoăn. Bên cạnh những tiếng tăm về sự đào hoa của anh, tôi cũng tự hỏi mình, nếu đi thêm bước nữa, con gái riêng của mình có hạnh phúc không? Thu Bồn nói sẽ phụ tôi nuôi con.
Tôi nghĩ, người đàn ông có con với mình còn bỏ mình đi nữa là. Đúng lúc đó, em tôi mất, Thu Bồn ở lo đám tang, ba bốn ngày mặc có một bộ đồ. Vậy là tôi quyết định. Tôi gửi con cho ngoại về sống với anh sáu tháng. Thu Bồn kêu tôi đem con về ở chung. Có nhiều người cản vì người ta nói anh đào hoa lắm. Nhưng về sống chung, tôi mới hiểu, Thu Bồn là người hễ thương ai là thương hết lòng. Hiểu như vậy nên tình yêu của chúng tôi dành cho nhau kéo dài suốt mười mấy năm.
Anh đòi làm đám cưới nhưng tôi không chịu, tôi nói cứ sống với nhau trước đã xem có được không. Bên nhau được 10 năm, năm 2000, tôi gả con gái, dự định đợi đến năm anh tròn 70 tuổi, mừng thọ rồi làm đám cưới luôn, không ngờ anh đột quỵ và mất năm 69 tuổi. Tôi vẫn luôn thấy mình còn nợ anh một đám cưới.
* Không ít người từng ngạc nhiên khi Lý Bạch Huệ sẵn sàng bỏ diễn chuyển sang nghề buôn bán khi lấy chồng?
- Khi đã có gia đình thì cuộc sống của chồng con đối với tôi là trên hết. Anh Thu Bồn vẫn khuyến khích tôi tiếp tục theo đuổi nghệ thuật song nói thật là thu nhập từ nghề diễn lúc đó không đủ sống. Anh chỉ có lương hưu, khi cần gì thì bạn bè giúp. Tôi xưa nay chỉ biết hát hò, giờ tập tành đi bán đủ thứ, từ dầu thơm, cà vạt, đến phân bón. Từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm là thời điểm tôi đi bán lịch.
Thấy tôi vất vả, Thu Bồn đã cảm tác mấy câu thơ như sau: “Mặt trời còn ngủ em đi/ Em không bán lịch lấy gì nuôi thơ!”. Những cuốn sách của Thu Bồn như Đánh đu cùng dâu bể, Trường ca chim Chơ Rao phải đến nhà xuất bản xin in thiếu, tôi lấy sách ra đi bán khắp nơi, rồi đem tiền về trả lại cho nhà xuất bản.
Có lần tôi lên trường nội trú dân tộc ở Pleiku bán sách nhưng thấy trường nghèo quá, tôi thay mặt Thu Bồn ký tặng luôn cho trường hai cuốn sách đó. Khi tôi về TP mấy tháng sau, nhận được bưu phiếu 200.000đ của trường gửi trả, vì họ biết Thu Bồn sống khó khăn. Anh Thu Bồn cầm 200.000đ đó khóc ròng.
* “Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió/Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Ông chồng thi sĩ của Lý Bạch Huệ trong đời thường như thế nào?
- Với những gì được nghe, tôi hiểu Thu Bồn chưa bao giờ phụ rẫy người phụ nữ nào, chỉ có người ta bỏ anh. Thu Bồn thật nhất là lúc uống rượu say, khi ấy anh thường đọc thơ và khóc. Trong cuộc sống đời thường, anh là người đàn ông rộng lượng, không gia trưởng, không nề hà chuyện gì nếu làm được cho vợ con sung sướng.
Con gái riêng của tôi được anh thương yêu, chăm sóc chu đáo như con ruột, nên bây giờ có điều kiện, cháu xây hẳn một nhà thờ để thờ ba Thu Bồn và hằng năm làm giỗ rất trân trọng. Anh rất siêng làm việc nhà, vườn tược, cây cối một tay anh chăm bón. Ít ai biết, Thu Bồn là… vua bếp, anh nấu được cả đám tiệc, mỗi khi nhà tôi có đám, anh không cho thuê người, bảo để anh nấu.
* Thi sĩ chồng có làm thơ tặng vợ?
- Nhiều là khác. Có những câu nghe rất hài hước. Tỉ như: “Em con ngựa chứng không cương/Anh tên kỵ mã vết thương đầy người”; hoặc “Có em anh trở thành triệu phú/Có triệu niềm vui và triệu niềm đau/Triệu niềm vui anh đem làm tiệc đãi bao ông hàng xóm/Còn triệu cơn đau anh cô thành cao để nhấm nháp riêng mình”.
Rồi anh chọc tôi: “Em trao cho anh chìa khóa/Để mở bao điều bí ẩn của tình yêu/Anh có biết đâu trong em còn có một chùm chìa khóa khác!”. Nghe vậy, tôi không biết làm thơ cũng tức khí trả lời: “Em xẹt đến như sao băng/Và quét đời anh như sao chổi”.
Khi anh bệnh, vợ còn lang thang ngoài đường mưu sinh, anh viết những câu thơ cuối như thế này: “Về đi em chợ chiều sắp vãn/Nhớ mua cho anh một gói nhân tình/Bạn bè cách xa, dòng đời lận đận/Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình”.
* Cuộc sống “hậu Thu Bồn” của chị hiện nay ra sao, chị còn mong ước điều gì nữa?
- Tôi hiện sống với con gái, con rể, các cháu ngoại và vui với bạn bè. Cũng có người nói lời yêu thương nhưng tất cả như đều không thuộc về mình, không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu Thu Bồn đem đến cho tôi. Những năm tháng còn lại, tôi muốn được làm nghề, đem niềm vui đến cho mọi người, như đi hát từ thiện. Thời gian không cho phép làm gì khác nữa nhưng với tôi, nghệ thuật luôn ở phía trước, làm được gì thì làm, nếu có chết, được chết trên sân khấu là hạnh phúc nhất.
Sources: phunuonline |