Ngày Đăng: 11 Tháng 06 Năm 2015 Thành viên đội Thu Phương tại "Giọng hát Việt" cho biết dù thể hiện các ca khúc hiện đại, cô vẫn giữ cho mình cội rễ là loại hình nghệ thuật dân tộc đã gắn bó từ nhỏ.
- Xuất thân là ca nương, vì sao chị lại quyết định tham gia cuộc thi "Giọng hát Việt" với một ca khúc pop đương đại?
- Ca khúc Rơi là bản "hit" của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh từng được một ca sĩ thể hiện thành công. Tôi nhận thấy bài hát này phù hợp với chất giọng sẵn có của mình và lại có thể lồng ghép tốt với ca trù. Khi đưa ra đề xuất về tiết mục, tôi đã được giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh ủng hộ. Và thật may, khi trình diễn, tôi cũng được khán giả đón nhận tích cực và nhận những lời khen từ giám khảo.
| Nguyễn Kiều Anh gây chú ý trong vòng Giấu mặt chương trình \"Giọng hát Việt\" với bài hát pha trộn giữa âm nhạc dân gian và hiện đại. |
- Từng biểu diễn ca trù tại Vietnam's Got Talent 2013 và nhiều sân khấu lớn nhưng phải tới The Voice, chị mới gây được sự chú ý đặc biệt. Nếu nói âm nhạc hiện đại mới là hướng đi đích thực dành cho mình, chị trả lời sao?
- Thực ra, không chỉ ca trù mà âm nhạc dân gian nói chung đã và đang gặp nhiều khó khăn để tiếp cận với người nghe trẻ tuổi. Xu thế hội nhập hiện nay khiến khán giả có quá nhiều sự lựa chọn về dòng nhạc mình muốn nghe. Ca trù là máu thịt của tôi, nhưng với những thể loại âm nhạc có thể hấp dẫn đa số khán giả, tôi cũng muốn thử sức. Với tôi, cơ hội thể hiện cả ca trù lẫn các dòng nhạc được khán giả yêu thích là một trải nghiệm tuyệt vời. Đó cũng chính là lý do tôi chọn ca khúc Rơi để hát ở vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt 2015.
- Trong cuộc sống của chị, ca trù có ý nghĩa thế nào?
- Với tôi ca trù không đơn thuần là một loại hình âm nhạc dân gian, mà nó là truyền thống dòng tộc. Hát ca trù là cách thể hiện tình cảm và trách nhiệm của con cháu trong gia đình với ông bà tổ tiên. Đó là một trách nhiệm rất lớn của tôi. Nó cũng là niềm hy vọng của ông nội tôi - nghệ nhân trống chầu Nguyễn Văn Mùi.
Tôi sinh ra là thế hệ thứ bảy trong gia đình. Từ thuở lọt lòng, tôi đã tiếp xúc với âm nhạc dân gian. Đến năm 6 tuổi thì tôi "bén duyên" với ca trù. Hồi ấy, tôi học ca trù chỉ vì nghe lời bố mẹ chứ trong đầu lúc nào cũng chỉ muốn được đi chơi như bạn bè đồng trang lứa. Sau một năm đứng trên sân khấu, được khán giả cổ vũ, lại còn trúng học bổng của Pháp dành cho những học sinh có thành tích đặc biệt trong học tập và văn nghệ, tôi bắt đầu thích thú với ca trù. Càng lớn, tôi càng tìm thấy nhiều niềm vui rồi gắn bó với loại hình này đến tận bây giờ.
| Ca nương Kiều Anh thuộc thế hệ thứ bảy trong một dòng họ có truyền thống lâu đời về ca trù. |
- Hát ca trù từ nhỏ đã ảnh hưởng thế nào tới tính cách của chị?
- Hồi nhỏ, tôi hay bị các bạn gọi là "bà già" (cười). Chắc vì việc hát ca trù đã in dấu lên thần thái của tôi. Trong cuộc sống đời thường, tôi cũng hay ngồi đăm chiêu suy nghĩ. Nhìn chung, tôi là người khá hướng nội.
- Cuộc sống của chị ra sao khi không có ca trù?
- Cuộc sống của tôi cũng giống bao bạn trẻ khác. Tôi dành thời gian rảnh rỗi để giúp đỡ việc nhà cho gia đình, tụ tập bạn bè, đi xem phim, mua sắm, du lịch, chụp ảnh.
Tôi đang có bạn trai. Tuy hay giận dỗi, anh luôn hậu thuẫn và chia sẻ với tôi mọi điều trong cuộc sống. Anh cũng là động lực giúp cho tôi vượt qua những áp lực vào những lúc quá bận rộn.
| Kiều Anh tâm sự từ nhỏ cô đã bị bạn bè gọi là \"bà cụ non\" vì thần thái và biểu cảm già dặn hơn những người đồng trang lứa. |
- Trong vòng thi Đối đầu sắp tới, chị và huấn luyện viên Thu Phương đã chuẩn bị những gì?
- Thời gian tôi làm việc với chị Thu Phương chưa nhiều nhưng những điều chỉ dạy của chị thực sự có giá trị. Ở bên chị Thu Phương, tôi không chỉ được trau dồi về chuyên môn, kỹ năng biểu diễn mà còn cả định hướng thẩm mỹ âm nhạc. Đặc biệt, chị giúp thí sinh bộc lộ được cá tính âm nhạc của mỗi người, thăng hoa trong tiết mục bằng cảm xúc và lòng tự tôn của người nghệ sĩ. Tôi mong thời gian tới, mình sẽ cho ra đời những sản phẩm âm nhạc tốt nhất cũng như thu hút được các đối tượng khán giả phong phú hơn.
Sources: vnexpress |